Thị trường xuất khẩu cá tra khỏi sắc
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), tháng 6/2024, kim ngạch xuất khẩu cá tra của Việt Nam đạt gần 172 triệu USD, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2023. Tính chung trong 6 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu cá tra của nước ta đạt 918 triệu USD, tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Cá tra của Việt Nam là mặt hàng thủy sản được nhiều quốc gia trên thế giới ưa chuộng. Tính đến nay, cá tra Việt Nam đã chinh phục được hơn 140 thị trường trên thế giới. Trong đó, có những thị trường truyền thống và khắt khe về an toàn thực phẩm và những quy định kỹ thuật như Mỹ, EU và Nhật Bản.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, về thị trường xuất khẩu, Trung Quốc và Hồng Kông (Trung Quốc) vẫn là thị trường tiệu thụ lớn nhất của cá tra Việt Nam, với kim ngạch đạt 258 triệu USD (nhưng vẫn giảm 8% so với cùng kỳ năm ngoái).
Thị trường nhập khẩu cá tra Việt Nam nhiều thứ hai là Mỹ, với kim ngạch đạt 160 triệu USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2023.
Xuất khẩu cá tra sang các thị trường lớn đều tăng mạnh |
Vị trí thứ ba là khối CPTPP. Nửa đầu tháng 6/2024, kim ngạch xuất khẩu cá tra Việt Nam sang khối thị trường CPTPP đạt 12 triệu tăng 23% so với cùng kỳ năm 2023. Tính đến ngày 15/6/2024, lũy kế xuất khẩu cá tra sang khối thị trường CPTPP đạt 114 triệu USD, tăng 10% so với cùng kỳ. Trong đó, Mexico là quốc gia nhập khẩu nhiều nhất cá tra Việt Nam với giá trị 31 triệu USD, tăng 7%; Nhật Bản nhập khẩu 18 triệu USD, tăng 35%; Canada nhập khẩu 18 triệu USD, tăng 15%... Theo đó, trong 6 tháng đầu năm 2024, CPTPP đã chi 128 triệu USD để nhập khẩu cá tra Việt Nam, tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái.
6 tháng cuối năm 2024, xuất khẩu cá tra sang khối CPTPP dự kiến sẽ tiếp đà tăng khi giá cả và nhu cầu đang dần ổn định. VASEP nhấn mạnh, các doanh nghiệp cần nâng cao sức cạnh tranh, nghiên cứu những lợi ích mà FTA này mang lại về mặt thuế quan để nắm bắt thời cơ, gia tăng xuất khẩu.
CPTPP là bước đà quan trọng để xuất khẩu cá tra cất cánh
Theo bà Nguyễn Thị Thu Hằng, chuyên gia về thị trường cá tra của Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, năm 2024 xuất khẩu cá tra bắt đầu hồi phục và khởi sắc ở 1 số thị trường; trong đó, có khối thị trường thuộc Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Việc thực thi các Hiệp định thương mại tự do (FTA) tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp mở rộng và đa dạng thị trường, đưa thủy sản Việt Nam nói chung, cá tra nói riêng tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Trong đó, CPTPP được coi là bước đà quan trọng để ngành thủy sản, trong đó có cá tra, “cất cánh”.
Không những vậy, cá tra Việt Nam còn khởi sắc ở một số thị trường truyền thống mang lại khi mà xuất khẩu đáng kể cho Việt Nam trong 7 tháng năm 2024; trong đó, phải kể đến các thị trường Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và các quốc gia tại thị trường Tây Á, cùng với các quốc gia khu vực Trung Đông và châu Phi, ngay cả lúc Hiệp định Thương mại tự do CEPA đang trong giai đoạn đàm phán và chưa ký kết.
Theo thống kê của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, Việt Nam là nguồn cung sản phẩm cá tra lớn nhất tại thị trường UAE, khoảng 40-50% tổng nguồn cung cá tra và thị trường này. Ước tính đến cuối tháng 7/2024, kim ngạch xuất khẩu cá tra vào thị trường các UAE ước đạt hơn 15 triệu USD, tăng 47% so với cùng kỳ năm 2023. Đồng thời, không riêng thị trường UAE, mà thị trường Trung Quốc - thị trường truyền thống xuất khẩu cá tra của Việt Nam cũng được các doanh nghiệp đánh giá có sự tăng trưởng vượt bậc trong 7 tháng năm 2024.
Theo VASEP dự báo, trong 6 tháng cuối năm 2024, khối lượng xuất khẩu cá tra của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng do nhu cầu cao từ các thị trường chính như Trung Quốc và ASEAN.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, giá cá tra nguyên liệu bình quân khoảng 27.700 đồng/kg, thấp hơn cùng kỳ khoảng 1.000 đồng/kg nhưng vẫn cao hơn nhiều so với mức giá khoảng 26.000 đồng/kg tại thời điểm vào cuối năm 2023. Hiện nay, theo VASEP, người nuôi đã có lãi nên đã thu hoạch cá để phục vụ nhu cầu chế biến xuất khẩu dẫn đến sản lượng cá tra tăng trong 6 tháng đầu năm nay.
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất khẩu cá tra của Việt Nam trong năm 2023 sang các thị trường đạt hơn 1,8 tỷ USD, giảm 25% so với năm 2022. Các sản phẩm cá tra của Việt Nam được xuất khẩu sang 146 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong đó, nhiều sản phẩm từ cá tra được các thị trường như Mỹ, Trung Quốc, Singapore... ưa chuộng. Trong năm 2023, diện tích thả nuôi cá tra của Việt Nam đạt 5.700 ha, bằng 98% so với năm 2022, với sản lượng đạt 1,71 triệu tấn, tăng 0,6% so với năm 2022 (1,7 triệu tấn). Điều này cho thấy năng suất nuôi cá tra ngày càng được cải thiện. Sự phổ biến của cá tra cùng sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đưa cá tra xuất khẩu nhiều thị trường trên thế giới, đã giúp cho ngành này mang về nguồn ngoại tệ lớn mỗi năm. Với kim ngạch xuất khẩu từ 1,5 – 2,4 tỷ USD/năm, riêng cá tra đã chiếm 16 -26% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Trên thực tế, các thị trường và nhóm thị trường chủ lực nhập khẩu cá tra Việt Nam, bao gồm: Trung Quốc và Hồng Kông (Trung Quốc), Mỹ, CPTPP, EU, ASEAN, Trung Đông, Mexico, Brazil, Anh và Nga. Ngoài ra, số doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu cá tra tăng liên tục trong những năm gần đây. Cụ thể, trong năm 2020 có 320 doanh nghiệp xuất khẩu cá tra, năm 2021 tăng lên 380, năm 2022 là 435 và năm 2023 có số doanh nghiệp đạt 434. |