Công Thương qua góc nhìn báo chí ngày 11/7: Giá xăng dầu giảm sâu nhất từ đầu năm đến nay
Giá xăng dầu đã có 18 lần điều chỉnh kể từ đầu năm nay, trong đó có 5 lần giảm và đây là lần giảm giá sâu nhất.
Giảm giá xăng dầu giảm mạnh từ ngày 11/7 là thông tin được hầu hết các báo phản ánh trong ngày hôm nay. Trong đó, tờ Tuổi trẻ có bài: Giá xăng, dầu diesel giảm trên 3.000 đồng/lít từ 0 giờ ngày 11/7.
Giá xăng dầu giảm sâu nhất từ đầu năm đến nay |
Bài báo cho biết, liên bộ Công Thương – Tài chính vừa công bố điều chỉnh giá xăng dầu để thực hiện từ 0h ngày 11/7, thực hiện đồng bộ với việc áp dụng điều chỉnh giảm thuế bảo vệ môi trường vừa được Ủy ban Thường vụ quốc hội thông qua.
Theo đó, xăng E5RON92 có giá 27.788 đồng/lít, sau khi thực hiện giảm 3.103 đồng/ 1 lít so với giá bán lẻ hiện hành. Xăng RON95-III có giá 29.675 đồng/ lít sau khi giảm 3.088 đồng/ lít so với giá bán lẻ hiện hành.
Dầu diesel 0.05S có mức giá 26.593 đồng/lít, giảm 3.022 đồng/lít; dầu hỏa có mức giá 26.345 đồng/lít, sau khi thực hiện giảm 2.008 đồng/lít; dầu mazut 180CST 3.5S có mức giá 17.712 đồng/kg, sau khi giảm 2.010 đồng/kg.
Thời gian vừa qua, trước việc giá xăng dầu liên tục tăng cao, Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Công Thương và các đơn vị liên quan rà soát và báo cáo Chính phủ đề xuất, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội giảm thuế bảo vệ môi trường đối với các loại xăng dầu về mức thấp nhất trong khung thuế bảo vệ môi trường thuộc thẩm quyền cơ quan này.
“Như vậy, giá xăng dầu đã có 18 lần điều chỉnh kể từ đầu năm nay, trong đó có 5 lần giảm và đây là lần giảm giá sâu nhất” – tờ Tuổi trẻ nêu rõ.
xuất nhập khẩu Việt Nam - Nhật Bản đạt hơn 20 tỷ USD |
Đánh giá về việc điều chỉnh giảm giá xăng dầu vào ngày 11/7, TS. Vũ Tiến Lộc - Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam cho biết trong bài báo: Giảm thuế với xăng, dầu: Đề xuất Quốc hội biểu quyết qua phầm mềm điện tử trên tờ Tiền phong cho rằng: Trong bối cảnh giá cả xăng dầu đang ở mức cao như hiện nay, rất cần thiết phải sớm quyết định giảm các loại thuế khác để giảm giá xăng, dầu.
Cũng theo ông Vũ Tiến Lộc: Cần có biện pháp giảm các loại thuế một cách nhanh nhất, kịp thời nhất để hạ giá xăng dầu. Qua đó hỗ trợ cho người dân, hỗ trợ cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy phục hồi kinh tế, cũng góp phần kiềm chế được lạm phát. Như vậy việc giảm giá xăng dầu sẽ đạt được đa mục tiêu, một mũi tên trúng được nhiều đích..
Bên cạnh giảm giá xăng dầu, vấn đề xuất nhập khẩu cũng được nhiều tờ báo quan tâm. Tờ Zing có bài: Xuất nhập khẩu Việt Nam – Nhật Bản đạt hơn 20 tỷ USD.
Bài dẫn thông tin từ Tổng cục Hải quan cho thấy, 6 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản đạt 11,38 tỷ USD, tăng gần 13% so với cùng kỳ năm ngoái, tương đương kim ngạch tăng thêm 1,3 tỷ USD. Hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam khá đa dạng từ lĩnh vực nông sản đến chế biến, chế tạo...
Chiều ngược lại, nhập khẩu từ Nhật Bản trong 6 tháng đầu năm đạt 12 tỷ USD, tăng 10,6% so với cùng kỳ năm ngoái, tương đương kim ngạch tăng thêm 1,15 tỷ USD.
Tờ Người Lao động có bài: Bước tiến của thương hiệu gạo Việt. Bài báo cho biết, sau thời gian dài xuất khẩu gạo “vô danh”, các doanh nghiệp trong nước từng bước phát triển mảng gạo thương hiệu. Theo đó, gạo thương hiệu Việt Nam đã được đóng túi nhỏ để bán trực tiếp trên những kệ hàng tại siêu thị, cửa hàng ở các thị trường Nhật Bản, châu Âu, Mỹ, Canada…
Cụ thể, Tập đoàn Lộc Trời mới đây cũng thông tin gần 500 tấn gạo thương hiệu riêng của tập đoàn là “Cơm Việt Nam Rice” đang trên đường vận chuyển đến châu Âu và sẽ được bày bán trong Carrefour – hệ thống đại siêu thị lớn nhất EU – trong tháng 7 này.
Đây được đánh giá là “quả ngọt” sau nỗ lực nhiều năm của các doanh nghiệp, nhằm nâng cao giá trị gạo Việt trên thị trường quốc tế.