Đà Nẵng: Bình ổn giá ở các siêu thị
Đà Nẵng - Giá xăng, dầu, gas và nguyên liệu đầu vào của nhiều lĩnh vực đều tăng khiến giá các mặt hàng tiêu dùng, thực phẩm đồng loạt điều chỉnh tăng. Tuy nhiên, tại các siêu thị ở Đà Nẵng vẫn giữ ở mức bình ổn giá đảm bảo việc mua sắm của người dân.
Giá hàng hóa tăng theo xăng
Chị Hoàng Thị Hòa (trú phường An Hải Đông, quận Sơn Trà, Đà Nẵng) cho hay, ở chợ, các mặt hàng từ bún, gạo, dầu ăn đến rau, củ đều tăng 3.000 đến 5.000 đồng, thịt lợn cũng đã tăng thêm 10.000/kg.
“Giá xăng tăng đã ảnh hưởng đến đời sống người dân, nay kéo theo lương thực cũng tăng, tuy nhiên thu nhập thì giảm, khiến chúng tôi hết sức khó khăn. Rất mong các ngành chức năng tổ chức các điểm bình ổn giá tại các khu đông dân cư, khu công nghiệp, bảo đảm kiểm soát giá để người dân yên tâm mua sắm” - chị Hoa nói.
Tại các cửa hàng tạp hóa, mặt hàng dầu ăn tăng 5-7% so với tháng trước. Hiện, dầu ăn Happy Koki loại 1 lít có giá là 40.000 đồng (tăng 4.000 đồng/chai), dầu ăn Neptune 1 lít: 53.000 đồng, dầu ăn Simply 1 lít: 56.000 đồng/chai, dầu ăn Tường An 1 lít: 47.000 đồng; các mặt hàng sữa hầu hết tăng vài chục nghìn đồng/lon.
Ông Nguyễn Tiến Dương - Giám đốc siêu thị MM Mega Market Đà Nẵng cho hay, giá xăng dầu tăng gấp ba lần đã ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí vận chuyển và chi phí bao bì; chưa kể chi phí vận chuyển quốc tế cũng bị ảnh hưởng do giá xăng dầu thế giới tăng. Ngoài ra, giá nguyên vật liệu như bột mì và bơ tăng cũng tác động đến giá thành sản phẩm, kéo theo tất cả các ngành hàng đều bị ảnh hưởng về giá.
Ngoài ra, một số cửa hàng kinh doanh vật liệu xây dựng, giá các mặt hàng vật tư đều đang ở mức cao, tăng khoảng 10% so với thời điểm trước Tết. Cụ thể: cát san lấp có giá khoảng 150.000-200.000 đồng/m3, cát xây tô (dùng để trộn bê-tông) khoảng 400.000-450.000 đồng/m3; gạch ống khoảng 1.300-1.400 đồng/viên; các loại đá xây dựng như đá đen, đá xanh khoảng 310.000 đồng/m3; giá sắt hộp, tôn cuộn tăng thêm khoảng 500 đồng/kg...
Ông Phan Thống – Giám đốc Siêu thị Co.opmart Đà Nẵng cho hay, theo đánh giá của siêu thị, từ đầu năm đến nay thì đợt tăng giá hàng hóa vào thời điểm này của thị trường là đáng chú ý nhất vì biên độ tăng và số lượng mặt hàng buộc phải tăng giá là rất lớn. Giá xăng tăng khiến giá cả hàng hóa cũng tăng mạnh.
Đảm bảo bình ổn giá
Ông Thông cho biết, trước tình hình giá xăng điều chỉnh tăng, siêu thị đã chủ động phối hợp với các nhà cung cấp, nhãn hàng để kiềm giữ, nhằm đảm bảo giá cả, đặc biệt là giá cả của các mặt hàng thiết yếu được ổn định, đồng thời tiếp tục triển khai thực hiện các chương trình khuyến mãi để đảm bảo việc mua sắm của người dân.
“Đơn vị sẽ kiên quyết nói không với các đề nghị tăng giá bất hợp lý để đảm bảo lợi ích cho người tiêu dùng và để thực hiện tốt công tác bình ổn giá cả thị trường. Chỉ mặt hàng nào bắt buộc tăng giá thì mới tăng.
Với sức mua hiện tại yếu do người tiêu dùng có xu hướng thắt chặt chi tiêu, chỉ ưu tiên mua sắm hàng thiết yếu nên Co.opmart và các nhà cung cấp đang thống nhất phối hợp chia sẻ lợi nhuận, rà soát cắt giảm chi phí vận hành để không những vừa giữ giá mà còn tiết kiệm tối đa chi phí để thực hiện khuyến mãi kích cầu, duy trì sức mua” – ông Thống nói.
Đại diện các siêu thị cho biết, các doanh nghiệp sản xuất cung ứng hàng hóa đã có đề nghị tăng giá một số mặt hàng thiết yếu, tập trung vào hàng thực phẩm, thực phẩm tươi sống, gia vị… Tuy nhiên, các siêu thị đang nỗ lực đàm phán để giữ giá bởi chi phí vận chuyển, giá nguyên liệu đều đã được doanh nghiệp ký hợp đồng trước.
Sở Công thương Đà Nẵng đã có văn bản đề nghị Cục Quản lý thị trường tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, trong đó tập trung kiểm tra các hoạt động đăng ký, kê khai, niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ và bán theo giá niêm yết các mặt hàng thiết yếu tại các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, doanh nghiệp… để kịp thời phát hiện hành vi đầu cơ găm hàng, tăng giá bất hợp lý và thu lợi bất chính, các tin đồn thất thiệt gây khan hiếm hàng hóa, dịch vụ, làm bất ổn thị trường.
Sở cũng yêu cầu các trung tâm thương mại, siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi, các công ty thương mại đầu mối lớn cung ứng lương thực, thực phẩm và một số hàng hóa thiết yếu tăng cường dự trữ, cung ứng hàng hóa theo kế hoạch, bảo đảm xuyên suốt, cung ứng kịp thời hàng hóa thiết yếu với giá cả hợp lý cho người dân; tránh đứt gãy chuỗi cung ứng, sẵn sàng nguồn hàng phục vụ nhân dân.