Thứ sáu, 22/11/2024 - 20:50

Giá xăng dầu giảm, hàng hóa vẫn neo cao: Bộ trưởng Bộ Công thương chỉ đạo gì?

Bộ trưởng Bộ Công thương vừa ra công điện về tăng cường kiểm tra, giám sát bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa, ổn định thị trường và an sinh xã hội.

Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên vừa ký ban hành công điện số 4436 gửi Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường, Thủ trưởng Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường kiểm tra, giám sát bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa, ổn định thị trường và an sinh xã hội.

Trong công điện vừa ký ban hành, Bộ trưởng Bộ Công thương nêu rõ, trong tuần qua, lực lượng Quản lý thị trường đã có những thành tích đáng ghi nhận như phát hiện 210.600 bao thuốc lá dạng keo nghi vấn là shisha tại Bình Dương, tạm giữ trên 20 tấn hàng hóa với 76.804 sản phẩm mỹ phẩm và 2 container chứa hơn 40 tấn hàng hoá là quần áo cũ, đã qua sử dụng tại TP HCM có dấu hiệu là hàng hoá nhập lậu, giả mạo nhãn hiệu, hàng hoá cấm nhập, cấm lưu thông.

Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, mặc dù giá xăng dầu đã bước đầu giảm nhưng giá cả của nhiều mặt hàng thiết yếu phục vụ người dân vẫn ở mức cao gây ảnh hưởng đến cung cầu hàng hóa, ổn định thị trường và cuộc sống của người dân.

Giá xăng dầu giảm, hàng hóa vẫn neo cao: Bộ trưởng Bộ Công thương chỉ đạo gì?

Lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra việc kinh doanh hàng hóa

Trước tình hình trên, Bộ trưởng Bộ Công thương yêu cầu Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường chỉ đạo lực lượng trong ngành tăng cường công tác giám sát, quản lý theo địa bàn, triển khai các biện pháp nghiệp vụ, xây dựng phương án, kế hoạch, tham gia công tác bình ổn giá và thực hiện phối hợp với các lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra, giám sát chặt chẽ các tổ chức, cá nhân có hành vi lợi dụng thị trường có biến động về cung cầu, giá cả hàng hóa do dịch bệnh hoặc diễn biến bất thường khác để thu lời bất chính.

Đồng thời, Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường phải kịp thời tổng hợp, báo cáo Bộ Công thương về tình hình biến động của thị trường hàng hoá thiết yếu phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân, đặc biệt là những mặt hàng lương thực, thực phẩm, vật liệu xây dựng và trang thiết bị y tế, qua đó có những đề xuất cụ thể về kiểm soát và bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu.

Cùng với đó, Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường phải phối hợp với cơ quan báo chí, thông tin công khai, minh bạch để dư luận rõ về nguyên nhân, hình thức xử lý đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi lợi dụng dịch bệnh hoặc diễn biến bất thường khác để thu lời bất chính.

Đối với Thủ trưởng Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ trưởng yêu cầu tập trung, quyết liệt chỉ đạo công tác quản lý theo địa bàn, thu thập, thẩm tra, xác minh thông tin, giám sát phát hiện kịp thời các diễn biến bất thường của hàng hoá lưu thông trên thị trường nhất là những mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống của Nhân dân.

Báo cáo ngay với Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương cũng như UBND tỉnh, thành phố tình trạng, nguyên nhân và đề xuất hướng xử lý đối với biến động bất thường về giá cả, cung cầu của những mặt hàng thiết yếu đặc biệt là lương thực, thực phẩm, vật liệu xây dựng và trang thiết bị y tế trên địa bàn được giao quản lý.

Bên cạnh đó, Thủ trưởng Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố chủ trì, phối hợp trao đổi thông tin với các cơ quan chức năng khác trong Ban Chỉ đạo 389 các cấp hoặc các địa phương có liên quan để kịp thời phát hiện, xử lý tổ chức, cá nhân có hành vi lợi dụng thị trường có biến động về cung cầu, giá cả hàng hóa do dịch bệnh hoặc diễn biến bất thường khác để thu lời bất chính.

Đặc biệt, Thủ trưởng Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố phải chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng nếu để đơn vị mình có những vi phạm trong hoạt động công vụ hoặc để xảy ra các hành vi lợi dụng biến động về cung cầu, giá cả hàng hóa do dịch bệnh hoặc diễn biến bất thường khác để thu lời bất chính mà không được kiểm tra, xử lý.

Lượt xem: 69
Tác giả: Hậu Lộc
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật