Thứ tư, 18/09/2024 - 20:10

Hà Nội: Thực phẩm tại siêu thị bình ổn giá, 'nhảy múa' ở chợ dân sinh sau bão số 3

Sau bão số 3, giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm tại một số chợ dân sinh trên địa bàn Hà Nội tăng mạnh, trong khi nhiều siêu thị được bình ổn.

Chợ tăng giá, siêu thị bình ổn

Sau khi cơn bão số 3 đi qua, tình trạng ngập úng ảnh hưởng đến năng suất sản xuất hoa màu, giá thành lương thực, thực phẩm cũng có dấu hiệu từ tăng nhẹ đến tăng nhiều lần.

Theo khảo sát của phóng viên Báo Công Thương về giá tại một số chợ dân sinh tại các quận Thanh Xuân, Nam Từ Liêm, Ba Đình (Hà Nội) các mặt hàng thịt, cá, rau, củ, quả đều tăng, đặc biệt rau xanh có chợ tăng gấp 2-3 lần.

Hà Nội: Thực phẩm tại chợ dân sinh “nhảy múa” sau cơn bão số 3
Giá thịt lợn tại các chợ dân sinh sau cơn bão số 3 tăng lên đến 180.000 - 200.000 đồng/kg.

Tại chợ Nhân Chính (quận Thanh Xuân, Hà Nội) giá rau muống và rau ngót đã tăng tới 18.000 - 20.000 đồng/bó, trong khi đó trước đây giá chỉ từ 8.000 - 10.000 đồng/bó; tương tự, giá thịt lợn đã lên tới 180.000 - 200.000 đồng/kg, trước đây là 140 - 160.000 đồng/ký.

Hay như rau cải tại chợ Phùng Khoang (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) từ 10.000 - 15.000 đồng/bó tăng lên đến 25.000 đồng/bó, khoai lang cũng từ 15.000 - 20.000 đồng/kg đã tăng lên 30.000 - 35.000 đồng/kg; bí đỏ tại chợ Thành Công (quận Ba Đình, Hà Nội) có mức giá cao hơn ngày thường là 50.000 đồng/quả, các loại rau xanh tăng trung bình khoảng 10.000 đồng/bó.

Chị Tâm (quận Thanh Xuân, Hà Nội), kinh doanh tạp hóa gần khu vực chợ Nhân Chính cho biết: “Giá lương thực, thực phẩm tại chợ tăng chóng mặt. Một bó rau muống lớn có giá là 40.000 đồng. Bản thân tôi là người sống tại chợ nông sản Đông Tảo nên tôi hiểu rõ giá hàng tăng xuất phát từ đầu mối tăng. Trước đây, khoai tây có giá 18.000 đồng/cân, hiện tại là 25.000 đồng/cân”.

Chị Hương (quận Long Biên, Hà Nội) chia sẻ, giá thực phẩm tăng cao khiến chi phí sinh hoạt hàng ngày của gia đình cũng tăng 2 - 3 lần: “Giá thịt lợn chỉ tăng 10.000 - 20.000 đồng/kg. Tuy nhiên, giá rau lại tăng quá nhanh. Thông thường, tôi mua một bó rau muống chỉ 10.000 - 12.000 đồng, đến nay, một số nơi tại chợ đầu mối phía Nam tăng kịch trần 35.000 đồng/bó”.

Hà Nội: Thực phẩm tại chợ dân sinh “nhảy múa” sau cơn bão số 3
Rau, củ, quả tại nhiều chợ dân sinh tăng "chóng mặt" sau mưa, bão.

Trong khi giá thực phẩm tại các chợ dân sinh “nhảy múa” theo bão số 3 thì tại nhiều siêu thị, các mặt hàng rau, củ vẫn đa dạng mặt hàng, không có tình trạng khan hàng, "sốt" giá.

Như tại Topsmarket, các loại thực phẩm rất phong phú so với giá ở các chợ dân sinh không cao, thậm chí còn rẻ hơn, đặc biệt là mặt hàng rau, củ quả. Trong đó, rau muống chỉ giá 10.900 đồng/túi, mùng tơi 13.500 đồng/túi, cải thảo 18.800 đồng/kg, bắp cải 18.500 đồng/kg, rau cải ngồn 13.900 đồng/túi, rau đay 12.900 đồng/túi, ngọn bí 11.500 đồng/túi, ngọn su su 22.900 đồng/túi.

Đối với dòng củ, quả, ngô ngọt 6.900 đồng/bắp, su hào 25.900 đồng/kg, su su 18.000 đồng/kg, cà chua 19.900 đồng/kg, khoai lang 33.000 đồng/kg, khoai tây 19.000 đồng/kg.

Hay như, tại siêu thị Co.op (quận Hà Đông, Hà Nội) rau muống chỉ có giá 11.900 đồng/bó và 24.900 đồng/kg rẻ hơn so với giá tại một số chợ dân sinh; hay siêu thị WinMart với giá bán trực tuyến chỉ 15.120 đồng/gói.

Chính vì sự bình ổn, cũng như công khai giá nên nhiều người đã lựa chọn siêu thị gần nhà là điểm đến để mua lương thực, thực phẩm phục vụ sinh hoạt.

Hà Nội: Thực phẩm tại chợ dân sinh “nhảy múa” sau cơn bão số 3
Giá thực phẩm tại các siêu thị hầu hết được bình ổn, thậm chí còn rẻ hơn chợ dân sinh.

Xử lý nghiêm tăng giá bất thường

Hôm qua (13/9), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Công điện 95/CĐ-TTg tăng cường cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ nhân dân các địa phương bị ảnh hưởng của cơn bão số 3.

Theo đó, để bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm thiết yếu cho nhân dân. Đồng thời tăng cường giám sát, kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, kiên quyết không để tình trạng găm hàng, tăng giá bất hợp lý, đặc biệt là thuốc chữa bệnh, sách giáo khoa, các loại đồ dùng học tập, lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng,.. sau bão.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tăng cường công tác quản lý, giám sát thị trường nhất là mặt hàng lương thực, thực phẩm, xăng dầu, hàng hóa thiết yếu, đảm bảo không để xảy ra tình trạng găm hàng, nâng giá bất hợp lý, không đúng quy định, xử lý nghiêm các vi phạm; bám sát diễn biến thị trường, giá cả, cung cầu của những mặt hàng thiết yếu phục vụ tiêu dùng, sản xuất, kinh doanh trên địa bàn để chủ động theo thẩm quyền có giải pháp thiết thực, kịp thời, hiệu quả.

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Công Thương chỉ đạo toàn bộ lực lượng quản lý thị trường tăng cường công tác giám sát, quản lý theo địa bàn, triển khai các biện pháp nghiệp vụ, xây dựng phương án, kế hoạch và thực hiện phối hợp với các lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi lợi dụng ảnh hưởng của cơn bão số 3 để đầu cơ, găm hàng, tăng giá hoặc các hành vi vi phạm khác theo quy định của pháp luật.

Hà Nội: Thực phẩm tại chợ dân sinh “nhảy múa” sau cơn bão số 3
Các siêu thị mặt hàng rau, củ, quả khá đa dạng

Luật sư Nguyễn Hoài Sơn, Giám đốc Công ty TNHH Luật Châu Á (Asialaw) cho biết, việc tăng giá hàng hóa, thực phẩm, tiêu dùng mỗi khi có thiên tai, dịch bệnh diễn ra khá phổ biến hiện nay, trong trường hợp tăng giá nhưng bất hợp lý là vi phạm pháp luật.

Theo Luật sư Sơn, Điều 7 Luật Giá quy định rõ nghiêm cấm các tổ chức, cá nhân lợi dụng tình trạng khẩn cấp, sự cố, thảm họa, thiên tai, dịch bệnh để tăng giá bán hàng hóa, dịch vụ không phù hợp với biến động của giá thành toàn bộ so với điều kiện bình thường nhằm trục lợi. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm có thể xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Về xử lý vi phạm hành chính, Khoản 1, Điều 17 Nghị định số 109/2013/NĐ-CP ngày 24/09/2013 của Chính phủ quy định: “Phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng khủng hoảng kinh tế, thiên tai, địch họa, hỏa hoạn, dịch bệnh và điều kiện bất thường khác, lợi dụng chính sách của Nhà nước để định giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý”. Đồng thời, người có hành vi vi phạm còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc nộp vào ngân sách nhà nước số tiền thu lợi do định giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý.

Trường hợp người nào lợi dụng tình hình khan hiếm hoặc tạo ra sự khan hiếm giả tạo trong tình hình thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh hoặc tình hình khó khăn về kinh tế mua vét hàng hóa thuộc danh mục mặt hàng bình ổn giá hoặc thuộc danh mục hàng hóa được Nhà nước định giá nhằm bán lại để thu lợi bất chính tùy vào giá trị hàng hóa, và mức độ vi phạm thì cơ quan chức năng có thể điều tra truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Đầu cơ” theo Điều 196 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi năm 2017.

 
Lượt xem: 8
Tác giả: Tú Như - Minh Quang
Tin liên quan