Chủ nhật, 24/11/2024 - 21:38

Hiểm họa từ những thực phẩm, thuốc giảm cân trôi nổi tràn lan trên mạng

 Trước nhu cầu làm đẹp cấp tốc của nhiều người dân, “chợ mạng” lại nhộn nhịp chào bán các loại thuốc giảm cân cấp tốc, với những lời quảng cáo hấp dẫn như không cần ăn kiêng, không cần luyện tập, giảm ngay 5-7kg... Thực tế, đã có không ít người vì tin vào quảng cáo trên các trang mạng đã tự mua các loại thuốc giảm cân không rõ nguồn gốc để sử dụng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.

Tràn lan thuốc, kẹo giảm cân

Chỉ cần tìm từ khóa "giảm cân" trên Facebook, hàng loạt các bài viết về các loại thuốc, kẹo giảm cân khác nhau sẽ xuất hiện. Tại một Fanpage bán viên uống giảm cân tên S.D. (có hơn 10.000 lượt theo dõi), admin cho đăng rất nhiều bài chào hàng mỗi ngày với lời quảng bá "thuốc không có tác dụng phụ, 100% thành phần từ thảo dược tự nhiên". Đặc biệt, "đại lý" này cho biết thuốc luôn trong tình trạng "cháy hàng" do nhu cầu làm đẹp tăng cao.

Trong một hội nhóm giảm cân, chúng tôi được một chủ hàng tên T.T chào bán thuốc giảm cân S.D với giá 550.000/hộp 3 vỉ, có bán lẻ từng vỉ để khách dùng thử giá 200.000 đồng. Ngoài ra, người này còn giới thiệu về loại thuốc tên S.D Gold, gắn mác là sản phẩm cải tiến của thuốc S.D trước đó. "Viên uống này không chỉ giảm béo mà còn giảm mỡ trong máu, cải thiện làn da chảy xệ sau giảm cân", người này nhấn mạnh.

Hiểm họa từ những thực phẩm, thuốc giảm cân trôi nổi tràn lan trên mạng

Các loại thuốc, kẹo giảm cân "cấp tốc" được rao bán tràn lan trên mạng

Không chỉ vậy, "chợ mạng" còn rao bán một loại kẹo dứa dùng để giảm cân, theo lời chủ hàng được sản xuất bằng "công nghệ sấy khô và khử nước Osmo của Mỹ". Với giá 250.000/túi dùng trong 7 ngày, kẹo được quảng cáo có thể giúp giảm từ 1-3kg/tuần. "Thành phần toàn tự nhiên thôi, mỗi viên tương đương 1 trái dứa, em ngại uống thuốc thì dùng loại này cũng rất hiệu quả", một chủ hàng mời chào.

Chị Trần Thị Ngọc Hương (28 tuổi, Giảng Võ, Ba Đình, Hà Nội) cho biết: "Thời gian vừa qua, tôi đã giảm 16kg trong 6 tháng nhờ chế độ ăn kiêng hoàn toàn với tinh bột và đường. Tuy nhiên, chỉ trong 1 tháng Tết vừa qua, do chế độ ăn uống thoải mái, cộng với việc ít luyện tập tôi đã bị tăng cân trở lại. Lo lắng trước vóc dáng thon gọn dần mất đi, thay thế bằng những ngấn mỡ dầy, tôi đã lên mạng tìm mua các sản phẩm hỗ trợ giảm cân.

Vì muốn giảm cân nhanh chóng trong vòng 1 tuần, tôi đã nghe lời giới thiệu của một người bán hàng và mua sản phẩm “kẹo dứa giảm cân” trên mạng. Sử dụng 3 ngày (mỗi ngày 1 viên), cơ thể tôi luôn trong tình trạng choáng váng, buồn nôn, mệt mỏi không làm được gì và tới ngày thứ 5 thì tôi ngất xỉu vì kiệt sức”.

Trường hợp như chị Hương không phải là hiếm, nhiều người vì muốn giảm cân cấp tốc nên đã tìm và sử dụng các loại thực phẩm hỗ trợ giảm cân không rõ nguồn gốc, dẫn đến hậu quả đáng tiếc xảy ra. Mới đây, Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) đã tiếp nhận một bệnh nhân nữ vào cấp cứu trong tình trạng hôn mê, co giật sau 4 ngày uống cà phê giảm cân.

Hiểm họa từ những thực phẩm, thuốc giảm cân trôi nổi tràn lan trên mạng

Loại cà phê hỗ trợ giảm cân bệnh nhân đã sử dụng (Nguồn: Bệnh viện Bạch Mai cung cấp)

Theo lời kể của bệnh nhân, sau khi sinh con thứ 3 chị tăng cân khá nhiều, ảnh hưởng đến vóc dáng. Một người bạn cùng công ty giới thiệu một loại cà phê giảm cân rất hiệu quả, uống 1 tuần có thể giảm được 4 kg.

Bệnh nhân đã mua 1 hộp (30 gói) với giá 550.000 đồng, mỗi sáng uống 1 gói. Cà phê này có vị ngọt thơm như cà phê sữa. Khi uống đến ngày thứ 4, sau uống 15 phút chị có cảm giác khó thở, lạnh toát và háo nước. Thân nhiệt hạ thấp đột ngột, phải bật quạt sưởi và đắp chăn bông vẫn thấy lạnh.Bệnh nhân được người nhà đưa vào Bệnh viện huyện sau đó chuyển thẳng đến Trung tâm Chống độc của Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng khó thở, hôn mê và co giật.

Kết quả chụp cắt lớp còn cho thấy não bị tổn thương. Rất may mắn, sau khi nhập viện, bệnh nhân được các bác sỹ hồi sức cấp cứu, hỗ trợ hô hấp kịp thời nên tình trạng đã dần cải thiện. Tuy nhiên, vẫn cần thêm thời gian kiểm tra để xác định có để lại di chứng tổn thương não hay không.

Điều đáng chú ý, kết quả giám định của Viện Pháp y cho thấy trong loại cà phê giảm cân mà bệnh nhân sử dụng có chứa sibutramine, một chất độc đã bị Bộ Y tế cấm sử dụng trong tân dược, thực phẩm chức năng vì những tác dụng nguy hiểm tới sức khỏe người dùng.

TS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc cho biết, chất sibutramine có nhiều độc tính và tác dụng phụ, nguy cơ biến chứng về tim mạch, đặc biệt là đột quỵ và nhồi máu cơ tim cho nên cả Mỹ và châu Âu đã ngừng sử dụng từ năm 2010.

Cẩn thận tiền mất, tật mang

Có thể thấy, các sản phẩm giảm cân gồm chocolate, kẹo dứa, thạch trái cây, thuốc, thảo mộc giảm cân… đang được hàng chục tài khoản trên mạng rao bán tới tấp. Những sản phẩm này được cam kết chắc nịch sẽ giúp người dùng giảm 3kg trong 1 tuần, 5kg trong 12 ngày… mà không cần tập thể dục hay kiêng ăn bất cứ món gì.

Những sản phẩm này luôn đi kèm lời cam kết không tác dụng phụ vì thành phần rất lành tính do làm từ nguyên liệu thiên nhiên như chanh, bưởi, dâu, sữa bò. Chưa hết, mới đây, nhiều chị em còn truyền tai nhau dùng “thanh hít giảm cân”. Sản phẩm này như một ống hít dùng khi cảm cúm, thành phần bên trong được ghi gồm các loại thảo dược: quýt, quế, cúc la mã, đinh hương, cam. Chỉ cần hít sản phẩm này trước bữa ăn sẽ giúp giảm cơn đói, giảm lượng thức ăn nạp vào.

Hiểm họa từ những thực phẩm, thuốc giảm cân trôi nổi tràn lan trên mạng

Sản phẩm giảm cân được quảng cáo đang... “cháy hàng”

Các chuyên gia dinh dưỡng nhận định, đa số các sản phẩm giảm cân rất đa dạng nhưng thường là thực phẩm bổ trợ, tác dụng giảm cân chưa được nghiên cứu, chứng minh rõ ràng hoặc nếu có nghiên cứu thì thường là các nghiên cứu nhỏ lẻ, không mang tính khái quát. Vì vậy, hiệu quả rất khác nhau tùy cơ địa mỗi người và tác dụng tốt hay không còn tùy thuộc vào độ... cả tin của người dùng.

Theo các chuyên gia y tế, giảm cân cơ bản phụ thuộc vào việc tạo ra cân bằng lượng calo xuất - nhập, trong khi thuốc giảm cân hoạt động theo cơ chế giúp người dùng ít nhập calo hơn, hấp thụ calo ít hơn, tiêu thụ nhiều calo hơn. Theo đó, thuốc giảm cân có thể làm đầy đường tiêu hóa bằng cách hút nước, trương phình chiếm chỗ các khoang trống trong ống tiêu hóa và dạ dày, giúp người dùng có cảm giác không cảm thấy đói, nên ít nhập calo hơn.

Bên cạnh đó, thuốc giảm cân có thể làm giảm sự hấp thu các chất dinh dưỡng. Các chất này tác động lên hệ thần kinh gây khó ngủ, chán ăn, ăn không ngon miệng. Ngoài ra, một số loại thuốc giảm cân thường chứa hormone tuyến giáp, giúp gia tăng chuyển hóa chất béo, vì vậy, người dùng tiêu thụ nhiều calo hơn.

Theo khuyến cáo của các chuyên gia y tế, thay vì dùng các loại chế phẩm giảm cân gây nguy hiểm, người dân có thể áp dụng những biện pháp an toàn, hiệu quả như dinh dưỡng hợp lý, tập luyện thể dục thể thao ít nhất 30 phút/ngày. Trong bữa ăn hàng ngày, nên tránh các loại thực phẩm chứa năng lượng quá nhiều (bánh rán, thịt nhiều mỡ, đồ chiên xào…) và các thực phẩm mang năng lượng rỗng (bánh kẹo, nước có gas, bia…); Tăng sử dụng các sản phẩm gây no nhưng không mang năng lượng (trái cây, rau xanh…).

Đặc biệt, các chuyên gia y tế cũng khuyến cáo người dân không nên mua thuốc giảm cân trôi nổi trên thị trường, đề phòng hàng giả mạo, gây những hệ lụy nguy hiểm cho sức khỏe.

Lượt xem: 137
Tác giả: Thanh Hà
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật