Thứ sáu, 22/11/2024 - 22:05

Kiên quyết không để đứt gãy nguồn cung nông sản, thực phẩm dịp Tết 2023

Năm nay, Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán tương đối gần nhau nên dự kiến nhu cầu tiêu thụ hàng hóa, nông sản sẽ tăng và khá cấp tập trong một giai đoạn ngắn. Do đó, việc chủ động lượng hàng hóa để đáp ứng yêu cầu này đòi hỏi các doanh nghiệp cung ứng phải sẵn sàng từ nhiều tháng trước đó.

Đảm bảo nguồn cung hàng hóa, nông sản

Chỉ còn chưa đầy 3 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, để chủ động nguồn nông sản, thực phẩm đáp ứng nhu cầu của người dân, các tỉnh, thành phố trên cả nước đã và đang khẩn trương thực hiện nhiều giải pháp đảm bảo cung cầu hàng hóa, ổn định thị trường.

Cụ thể, tại Hà Nội, ngay từ đầu quý III, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã rà soát, lên phương án cung ứng nông sản, thực phẩm đảm bảo nhu cầu tiêu thụ của bà con Nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán. Đơn cử, với nhóm rau, củ, quả, Sở đã đề nghị các doanh nghiệp, hợp tác xã đẩy mạnh gieo trồng, tái vụ sản xuất, chú trọng các khâu chăm bón, phòng chống dịch bệnh và thời tiết để cây sinh trưởng, phát triển tốt.

Giám đốc Hợp tác xã Kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Văn Đức (huyện Gia Lâm) Nguyễn Văn Minh cho biết, từ cuối tháng 9/2022, đơn vị đã có kế hoạch gia tăng, mở rộng sản xuất đối với các loại rau củ như: Su hào, bắp cải, cà chua, súp lơ và nhóm rau gia vị để phục vụ nhu cầu người tiêu dùng.

Kiên quyết không để đứt gãy nguồn cung nông sản, thực phẩm dịp Tết 2023

Hiện các địa phương đang đẩy mạnh gieo trồng, tái vụ sản xuất để phục vụ nhu cầu tiêu dùng dịp cuối năm

“Trung bình một ngày, hợp tác xã xuất ra thị trường 40 tấn rau các loại, nhưng theo như thường lệ những năm gần đây, cứ khoảng 2 tháng trước Tết Nguyên đán, hợp tác xã cung ứng trên 50 tấn rau/ngày. Trong đó, khoảng 70% sản lượng được tiêu thụ tại hệ thống siêu thị và chợ đầu mối trên địa bàn thành phố, số còn lại tiêu thụ tại các tỉnh lân cận. Sản lượng này được tính toán dựa trên nhu cầu thị trường và năng lực sản xuất của hợp tác xã”, ông Nguyễn Văn Minh cho hay.

Đối với lĩnh vực chăn nuôi, những ngày này, Hợp tác xã Chăn nuôi Đồng Tâm (huyện Quốc Oai) đang tập trung chăm sóc bảo đảm tổng đàn lợn để cung cấp cho các siêu thị, cửa hàng tiện ích theo đơn hợp đồng đã ký từ nay đến Tết Nguyên đán Quý Mão.

Giám đốc Hợp tác xã Chăn nuôi Đồng Tâm Nguyễn Đình Tường cho hay: Hợp tác xã đang phát triển sản xuất theo chuỗi khép kín từ chăn nuôi, giết mổ, đến sơ chế, đóng gói, tiêu thụ sản phẩm, duy trì hệ thống chuồng nuôi quy mô mỗi hộ khoảng 300 con lợn.

Mỗi tháng, hợp tác xã cung cấp 30 tấn sản phẩm thịt lợn và 4 - 7 tấn sản phẩm giò, chả, xúc xích, tùy thời điểm. Đây cũng là nông dân ở các vùng nuôi trồng thủy sản lớn của thành phố như: Ứng Hòa, Thanh Trì, Thường Tín, Thanh Oai, Phú Xuyên... đang tập trung chăm sóc lứa cá để phục vụ cho thị trường Tết Nguyên đán năm 2023.

Đặc biệt, đối với nguồn cung thịt lợn, theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, dịp Tết Nguyên đán 2023 vẫn cơ bản đảm bảo phục vụ nhu cầu của người dân Thủ đô. Tuy nhiên, trước diễn biến của giá thịt lợn trong thời gian qua, ngành nông nghiệp Hà Nội đang theo dõi sát, thông tin thường xuyên tình hình sản xuất, nguồn cung, giá bán, dịch bệnh để nhận định năng lực cung ứng cũng như kiểm soát giá cả mặt hàng này.

Kiên quyết không để đứt gãy nguồn cung nông sản, thực phẩm dịp Tết 2023

Ngành chăn nuôi đang kiểm soát tốt số lượng và chất lượng vật nuôi để phục vụ thị trường dịp Tết

Trước tình trạng một số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ sụt giảm số lượng hoặc "đóng chuồng", ngừng nuôi do dịch tả lợn Châu Phi diễn biến phức tạp, câu hỏi đặt ra là liệu nguồn cung thịt lợn Tết năm nay có đủ đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.

Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, thực tế đến năm 2022, tổng đàn gia cầm của Việt Nam đã đạt hơn 520 triệu con, sản lượng trứng hơn 17 tỉ quả; Ước tính tổng số lợn của cả nước tính đến thời điểm cuối tháng 10/2022 tăng 13,6% so với cùng thời điểm năm 2021; Tổng số bò tăng 3,3%; Tổng số gia cầm tăng 5,2%... Do đó, hoàn toàn không có chuyện thiếu thực phẩm phục vụ Tết, đặc biệt là mặt hàng thịt lợn.

Tăng liên kết vùng, đảm bảo chất lượng

Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, năm nay, 2 dịp Tết dương lịch và Tết Nguyên đán tương đối gần nhau nên dự kiến nhu cầu tiêu thụ hàng hóa, nông sản sẽ tăng và khá cấp tập trong một giai đoạn ngắn. Do đó, việc chủ động lượng hàng hóa để đáp ứng yêu cầu này đòi hỏi các doanh nghiệp cung ứng phải sẵn sàng từ nhiều tháng trước đó.

Là địa phương có mật độ dân số cao nhất cả nước, ngay từ tháng 6/2022, nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh ngành hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu ở TP HCM đã chuẩn bị nguyên liệu sản xuất cho Tết Quý Mão năm 2023, lượng hàng hóa mà các doanh nghiệp dự kiến đưa ra thị trường tăng từ 20-30% so với các thời điểm khác.

Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chủ động đến một số hệ thống phân phối, địa phương nhằm đánh giá tình hình, chuẩn bị hàng hóa và kiểm soát chất lượng hàng hóa đưa ra thị trường. Dự kiến đến tháng 11, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp cùng Bộ Công thương sẽ có cuộc họp về vấn đề chuẩn bị hàng Tết.

“Vừa rồi, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đã đi thị sát các kênh phân phối nhằm tìm ra giải pháp để truy suất nguồn gốc sản phẩm một cách đồng bộ, từ canh tác đến thu gom sơ chế, qua điểm trung chuyển vào siêu thị, đến tay người tiêu dùng… Để làm được điều này vẫn còn rất nhiều vấn đề cần giải quyết nhưng để đồng bộ hóa, cần giải pháp ngắn hạn và trung hạn để giải quyết vấn đề này, tạo điều kiện tốt nhất cho người tiêu dùng truy suất được nguồn gốc sản phẩm”, ông Nguyễn Quốc Toản nói.

Kiên quyết không để đứt gãy nguồn cung nông sản, thực phẩm dịp Tết 2023

Hiện tại, các doanh nghiệp đang gấp rút dự trữ nguồn hàng phục vụ nhu cầu của người dân dịp cuối năm và Tết Nguyên đán

Hiện tại, giá cả phần lớn mặt hàng nông sản, thực phẩm trên thị trường tương đối ổn định. Tuy nhiên, vào thời gian cận Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng thiết yếu (thịt lợn, thịt bò, thịt gà, rau xanh) sẽ tăng cao.

Do đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã yêu cầu các Sở, ngành hướng dẫn các đơn vị tham gia kinh doanh, phục vụ hàng hóa nông sản thiết yếu cần bám sát thực tế, theo dõi sát nhu cầu thị trường để chủ động, chuẩn bị lượng hàng hóa đầy đủ, kịp thời nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Tại Hà Nội, trên cơ sở đánh giá nguồn cung cầu nông sản, thực phẩm trên địa bàn thành phố, Hà Nội đang đẩy mạnh kết nối với 21 tỉnh, thành cung cấp nguồn thực phẩm sạch từ 159 chuỗi liên kết đã duy trì hiệu quả trong thời gian qua. Song song với đó, thành phố cũng đẩy mạnh hỗ trợ triển khai hoạt động liên kết vùng, kết nối cung cầu hàng hóa giữa các tỉnh, thành nhằm tạo nguồn cung hàng hóa ổn định phục vụ đầy đủ nhu cầu người dân dịp cuối năm và Tết.

Nhằm ngăn chặn nguồn nông sản hàng hóa kém chất lượng ra thị trường khi nhu cầu tiêu dùng dịp Tết Nguyên đán tăng cao, thời gian tới, lực lượng chức năng ngành nông nghiệp sẽ thường xuyên kiểm tra, lấy mẫu giám sát để kịp thời xử lý những vi phạm về an toàn thực phẩm. Mặt khác, tiếp tục hỗ trợ các cơ sở xây dựng, áp dụng chương trình quản lý chất lượng tiên tiến theo chuẩn mực quốc tế trong sản xuất, chế biến thực phẩm như: GAP, HACCP, ISO 22000...

Lượt xem: 106
Tác giả: Khắc Nam
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật