Thứ bảy, 23/11/2024 - 09:48

Nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm OCOP

Những năm qua, chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên địa bàn huyện Gia Lâm (Hà Nội) đã đạt được những kết quả nổi bật. Toàn huyện hiện có 149 sản phẩm OCOP của 35 chủ thể đã được công nhận, góp phần nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.

Thêm 22 sản phẩm được đánh giá, phân hạng

Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Trương Văn Học cho biết: Những năm qua, chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên địa bàn huyện đã đạt được những kết quả nổi bật.

Toàn huyện có tổng số 149 sản phẩm OCOP của 35 chủ thể đã được công nhận, trong đó có 5 sản phẩm 5 sao, 86 sản phẩm 4 sao và 58 sản phẩm 3 sao, tập trung ở các nhóm: Thực phẩm, thủ công mỹ nghệ, làng nghề và du lịch… Đây là những sản phẩm, dịch vụ đặc trưng, có lợi thế ở địa phương, đã có truyền thống và đang tích cực xây dựng, phát triển thương hiệu.

Năm 2024, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện rà soát, đăng ký 22 sản phẩm của 8 chủ thể tham gia Chương trình OCOP, góp phần nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường, gồm các sản phẩm thủ công mỹ nghệ và nông sản, thực phẩm.

Nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm OCOP
Phó Chủ tịch UBND huyện gia Lâm Trương Văn Học đánh giá về chương trình OCOP trên địa bàn huyện

Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Gia Lâm Nguyễn Tiến Hoàng, trong số 22 sản phẩm đăng ký tham gia chấm điểm phân hạng đợt này, có 17 sản phẩm đã đạt OCOP 3 sao, 4 sao, 5 sao đăng ký chấm lại, do hết thời hạn công nhận theo quy định.

Cụ thể gồm: Rau cải bắp, cải thảo, mùng tơi, quả bầu, mướp đắng, súp lơ xanh - trắng, nhóm cải thân lá, cà tím (Hợp tác xã Sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nông nghiệp Văn Đức); khoai tây chiên, hành sấy, hành phi, tỏi chiên (hộ kinh doanh Lê Văn Quân); tinh bột nghệ vàng (hộ kinh doanh cơ sở sản xuất tinh bột nghệ khô Bà Bé); 3 bộ bát đĩa sứ hoa sen đỏ, chim én hoa sen, rồng phượng và bộ ấm chén gốm sứ chim én hoa sen (Công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh).

5 sản phẩm đăng ký mới, gồm: 2 sản phẩm đông trùng hạ thảo sấy thăng hoa, đông trùng hạ thảo tươi của chủ thể Công ty TNHH Sản xuất, thương mại, dịch vụ Sơn Tùng Vina; sản phẩm “Tụ bảo bình” của chủ thể Công ty TNHH Mỹ nghệ đá quý Việt Nam (xã Đình Xuyên) với nguồn gốc tự nhiên, trong đá có ngọc nhiều màu sắc, có minh chứng nguyên liệu đầu vào, được thiết kế độc đáo với ý nghĩa tụ khí, tụ lộc, chế tác với kỹ năng truyền thống, hoàn thiện trong 6 tháng.

Các bộ sản phẩm gốm sứ đặc trưng của làng gốm Bát Tràng, huyện Gia Lâm, như đồ thờ tâm linh men hoàng lục bảo của hộ kinh doanh Nguyễn Huy Hoàng; bộ sản phẩm con giáp duyên của Công ty TNHH Ngàn năm gốm Việt.

Nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm OCOP
Sản phẩm “Tụ bảo bình” của chủ thể Công ty TNHH Mỹ nghệ đá quý Việt Nam (xã Đình Xuyên)

Mới đây, UBND huyện Gia Lâm đã phối hợp với Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng Nông thôn mới thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP huyện năm 2024.

Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP huyện Gia Lâm đã đánh giá khách quan, chính xác đối với từng sản phẩm theo Bộ tiêu chí và quy trình đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm.

Theo đó, đã có 11 sản phẩm đạt OCOP 3 sao, 7 sản phẩm tiềm năng OCOP 4 sao và 4 sản phẩm của Công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh đạt tiềm năng 5 sao. Huyện Gia Lâm sẽ hoàn thiện hồ sơ các sản phẩm để đề nghị UBND thành phố ban hành quyết định công nhận đối với các sản phẩm đạt OCOP theo quy định.

Tăng cường quảng bá và xúc tiến thương mại cho các sản phẩm OCOP

Theo báo cáo của Phòng Kinh tế huyện Gia Lâm, những năm gần đây, nhiều chủ thể OCOP của huyện đã tích cực tham gia các chương trình trưng bày, quảng bá, xúc tiến thương mại do UBND thành phố, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các sở, ngành, quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố cũng như tại các tỉnh, thành trên toàn quốc tổ chức.

Tiêu biểu là các chủ thể: Hợp tác xã vàng, bạc, quỳ Kiêu Kỵ; cơ sở sản xuất tinh dầu, tinh bột nghệ Bà Bé; Công ty TNHH sản xuất thương mại dịch vụ Sơn Tùng Vina; Công ty TNHH gốm sứ Quang Vinh…

Nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm OCOP
Bộ sản phẩm con giáp duyên của Công ty TNHH Ngàn năm gốm Việt

Bên cạnh đó, để hỗ trợ giới thiệu, quảng bá và xúc tiến thương mại cho các sản phẩm OCOP trên địa bàn, Phòng Kinh tế huyện Gia Lâm đã tham mưu UBND huyện triển khai trưng bày các sản phẩm OCOP và làng nghề tại các sự kiện lớn của huyện, tạo hiệu ứng tốt trong quảng bá sản phẩm, trong đó có các sự kiện như: Tuần lễ du lịch Bát Tràng, lễ hội Gióng đền Phù Đổng...

Huyện cũng phối hợp với UBND xã Dương Xá và 9 chủ thể OCOP tổ chức triển khai các gian hàng tại Khu trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP huyện Gia Lâm tại khu vực Đền Nguyên phi Ỷ Lan, xã Dương Xá.

Trong thời gian tới, Phòng Kinh tế huyện Gia Lâm tiếp tục phối hợp với UBND các xã, thị trấn và các phòng, ban ngành liên quan tham mưu UBND huyện triển khai thêm các điểm trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề huyện Gia Lâm tại các điểm du lịch trên địa bàn.

Lượt xem: 6
Tác giả: Khắc Nam
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật