Thứ sáu, 22/11/2024 - 23:22

Nguy cơ khủng hoảng năng lượng, giá dầu có thể chạm mốc 120 USD/thùng?

Nga là một trong những nước sản xuất và xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới. Nếu xung đột Nga-Ukraine xảy ra thì nguồn cung dầu của Nga ra thị trường có thể sụt giảm mạnh, ảnh hưởng lớn tới cân bằng cung cầu trên thị trường dầu toàn cầu.

Mối đe dọa an ninh năng lượng

Chuyên trang năng lượng Oil Price nhận định, nếu Nga tấn công Ukraine thì sẽ gây chấn động trên thị trường dầu toàn cầu, đẩy giá dầu leo thang bởi nguồn cung sẽ khó đảm bảo do tác động từ việc gián đoạn hoạt động xuất khẩu nguyên liệu hóa thạch của Nga.

Nga và Ukraine vốn là hai mắt xích then chốt trong chuỗi năng lượng châu Âu. Trong đó, Nga là nhà cung cấp khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) lớn nhất của châu Âu còn Ukraine là một phần quan trọng của tuyến vận chuyển nhiên liệu đó từ Nga đến Liên minh châu Âu (EU). Căng thẳng giữa hai mắt xích này là mối đe dọa nghiêm trọng đến an ninh năng lượng của châu Âu.

Đường ống Nord Stream 2 cho phép Nga bơm khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) trực tiếp sang Đức. (Ảnh: AFP)

Đường ống Nord Stream 2 cho phép Nga bơm khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) trực tiếp sang Đức. (Ảnh: AFP)

"Lục địa già" đang phụ thuộc nhiều vào Điện Kremlin để mở thông các tuyến cung cấp năng lượng và tăng cường các chuyến hàng khí đốt tự nhiên. Chỉ trong năm ngoái, những trục trặc trong chuỗi cung ứng và tình trạng thiếu hụt nhiên liệu đã khiến giá khí đốt ở châu Âu tăng dựng đứng 330%.

Chính phủ các nước châu Âu đã phải triển khai các biện pháp tốn kém để chống đỡ suy thoái kinh tế do khủng hoảng năng lượng. Đến nay, hàng chục tỷ euro đã được chi ra để hỗ trợ người tiêu dùng trước cơn sốt giá năng lượng cao kỷ lục.

Trong bối cảnh căng thẳng đó, Nga không chỉ từ chối mở van các đường ống dẫn năng lượng đủ mức để dập tắt cuộc khủng hoảng năng lượng châu Âu, mà còn cắt giảm xuất khẩu mặt hàng này sang châu Âu ngay lúc thị trường đang cần nhất.

Căng thẳng leo thang giữa Nga và Ukraine gióng lên hồi chuông cảnh báo cao độ tới thị trường năng lượng về khả năng đứt gãy nguồn cung năng lượng của Nga sang châu Âu.

Châu Âu đang đối mặt với giá năng lượng tăng cao. (Ảnh minh họa: Moscow Times)

Châu Âu đang đối mặt với giá năng lượng tăng cao. (Ảnh minh họa: Moscow Times)

Gần 50% dầu thô xuất khẩu của Nga có điểm đến là châu Âu. Nga cũng là nước xuất khẩu dầu thô lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Saudi Arabia, với sản lượng xuất khẩu đạt mức 5 triệu thùng/ngày.

Mức độ phụ thuộc lẫn nhau quá lớn giữa Nga và châu Âu về dầu mỏ, khí đốt cho thấy leo thang khủng hoảng Ukraine đi kèm kịch bản nguồn cung năng lượng của Nga cho châu Âu bị đứt gãy mạnh sẽ khiến cả hai bên đều phải gánh chịu mức giá rất đắt. Chính vì vậy, việc "khóa van" dầu mỏ, khí đốt của Nga sang châu Âu là không dễ dàng diễn ra, ít nhất là ở thời điểm hiện nay.

Dự báo "sốc": Giá dầu chạm mốc 120 USD/thùng

CNN vừa dẫn dự báo của JPMorgan cho rằng, giá dầu có thể tăng lên 120 USD/thùng nếu xuất khẩu dầu thô của Nga bị "trật bánh" do căng thẳng với Ukraine.

"Bất kỳ sự gián đoạn nào đối với dòng chảy dầu từ Nga trong bối cảnh công suất dự phòng thấp ở các khu vực khác có thể dễ dàng đẩy giá dầu lên 120 USD/thùng", Natasha Kaneva, người đứng đầu chiến lược hàng hóa toàn cầu của JPMorgan cho hay.

JPMorgan cảnh báo, nếu xuất khẩu dầu của Nga bị cắt giảm một nửa, giá dầu Brent có thể sẽ chạy đua lên 150 USD/thùng. Mức cao nhất mọi thời đại của giá dầu được thiết lập vào tháng 7 năm 2008, khi dầu Brent tăng vọt lên mức kỷ lục 147,50 USD/thùng.

Căng thẳng Nga-Ukraine đã khiến giá dầu tăng cao trong những tuần gần đây. Dầu thô Brent đạt mức cao nhất trong 7 năm là 94 USD/thùng trong phiên giao dịch 13/2/2022, sau đó đã giảm xuống khoảng 91 USD/thùng như hiện nay.

Giá dầu tăng đột biến, đạt mức cao nhất trong 7 năm. (Ảnh minh họa: CNN)

Giá dầu tăng đột biến, đạt mức cao nhất trong 7 năm. (Ảnh minh họa: CNN)

Cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine được cho là sẽ gây ra một số rủi ro cho thị trường dầu mỏ. Thứ nhất, một cuộc xung đột như vậy có thể gây thiệt hại cho cơ sở hạ tầng năng lượng trong khu vực. Thứ hai, các cường quốc phương Tây có thể tìm cách trừng phạt Nga bằng cách áp đặt các biện pháp trừng phạt làm tê liệt hoạt động xuất khẩu năng lượng của nước này.

Tiếp đến là nguy cơ Tổng thống Nga Vladimir Putin trả đũa bằng cách vũ khí hóa xuất khẩu dầu và khí đốt tự nhiên. Giá khí đốt tự nhiên cao hơn ở châu Âu sẽ thúc đẩy nhu cầu dầu mỏ khi các nhà máy và nhà máy điện chuyển sang sử dụng dầu thay thế.

"Sự gián đoạn xuất khẩu trên bất kỳ đường ống lớn nào có thể khiến cân bằng khí đốt tự nhiên của châu Âu rơi vào tình trạng bấp bênh, đặc biệt là khi năm 2022 bắt đầu với lượng tồn kho khí đốt ở châu Âu thấp kỷ lục", JPMorgan cảnh báo./.

Lượt xem: 273
Tác giả: Trần Ngọc/VOV.VN (lược dịch) Theo Oil Price, CNN
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật