Thứ sáu, 20/09/2024 - 02:38

Sau bão Yagi: Lượng lương thực ổn định tại nhiều địa phương, Hà Nội rau xanh tăng giá, cháy hàng

Tại nhiều siêu thị và chợ dân sinh trên địa bàn Hà Nội, việc kinh doanh đã trở lại bình thường. Theo ghi nhận ban đầu, số lượng hàng hoá tương đối nhiều và đa dạng, tuy nhiên giá một số mặt hàng rau xanh tăng so với trước bão.

Tin từ Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), tại Hà Nội, hoạt động thương mại tại thành phố Hà Nội sáng ngày 9/9 diễn ra bình thường, hàng hóa đảm bảo cung cấp đầy đủ cho người dân. Mặt hàng rau xanh ăn lá ngoài chợ truyền thống có tăng so với thời điểm trước bão.

 Mặt hàng rau xanh được người tiêu dùng mua nhiều. Ảnh: Mai Trang

Theo chia sẻ của một tiểu thương tại chợ dân sinh Cầu Giấy (Hà Nội) với phóng viên, các loại thịt vẫn giữ được nguồn cung ổn định nhưng sức mua kém hơn do người dân đã tích trữ nhiều trước đó. Ngược lại, các loại rau xanh được mua nhiều, giá cũng tăng cao, thậm chí gấp đôi mà cũng không đủ nhu cầu. “Mưa bão khiến nhiều nơi rau củ quả ngập úng, dù gom từ nhiều nguồn nhưng vẫn không đủ để bán”, tiểu thương này nói. 

Còn tại Quảng Ninh, do mưa trên địa bàn tỉnh đã ngớt, chỉ mưa nhỏ một vài khu vực, hoạt động thương mại trên địa bàn tỉnh đã diễn ra bình thường, giá cả các mặt hàng lương thực, thực phẩm cơ bản ổn định, không có sự thay đổi nhiều về giá; các cửa hàng xăng dầu vẫn cung cấp hàng đảm bảo, đáp ứng nhu cầu người dân. Một số siêu thị, chợ bị tốc mái đang trong thời gian vừa mở cửa bán hàng và khắc phục sau bão.

Trên địa bàn thành phố Hải Phòng, qua nắm bắt thông tin và báo cáo từ các hệ thống phân phối bán lẻ, cửa hàng xăng dầu trên địa bàn thành phố, sáng ngày 8/9, cơ bản các điểm bán đã mở cửa hoạt động bình thường phục vụ nhân dân. 

Với hệ thống chợ, do được xây dựng từ lâu nên nhiều chợ xuống cấp, qua báo cáo nhanh của các đơn vị, trên 90% các chợ (trên tổng số 156 chợ) bị ảnh hưởng, các chợ bị ảnh hưởng nặng chủ yếu là các công trình chợ bị xuống cấp như chợ Cồn, chợ Đôn, chợ An Dương hoặc các chợ xây dựng tạm, bán kiên cố, có cốt nền thấp tại các khu vực huyện ngoại thành.

Một số chợ bị bung, lật một số mái tôn gây dột cục bộ, vỡ kính thủy lực, cây đổ cản trở lối vào các chợ, tại một số chợ bà con tiểu thương dọn hàng ra bán, tuy nhiên sức mua kém, giá cả hàng hóa như mỳ tôm, bánh mỳ, các loại rau tại chợ tăng 15-20% so với ngày thường…. Hầu hết tại các chợ, Ban Quản lý chợ cùng bà con tiểu thương đang tích cực khắc phục ảnh hưởng do bão và thực hiện vệ sinh môi trường xung quanh chợ.   

Còn với hệ thống siêu thị, bước đầu có ảnh hưởng thiệt hại của cơn bão số 3 như: bay mái tôn, bật vách, rơi biển hiệu, vỡ cửa kính, hỏng cửa cuốn, cây xanh đổ gần khu vực cửa hàng và hiện các đơn vị đang tích cực dọn dẹp, khắc phục. Việc vận chuyển hàng hóa đến các điểm bán bị chậm do cây đổ, tình hình giao thông gặp khó khăn, một số tuyến đường bị ngập. 

Sáng ngày 9/9, cơ bản các điểm bán đã mở cửa bán hàng bình thường, đảm bảo hàng hóa phục vụ người dân; còn một số các điểm bán hàng bị mất điện (không có máy phát), vẫn mở cửa bán hàng đồng thời tiếp tục khắc phục sự cố do mưa bão gây ra (Siêu thị MM Mega Market ước tính thiệt hại 268 triệu đồng; Trung tâm bách hóa và siêu thị Aeon Lê Chân bị sập toàn bộ cửa vào khu giao nhận của siêu thị). Tuy nhiên, lượng khách hàng vào mua sắm các hàng hóa thiết yếu tại siêu thị không tăng so với ngày thường, khách hàng chủ yếu vào mua bánh mỳ, sữa và các đồ ăn sẵn, đồng thời tranh thủ sạc các thiết bị điện cho gia đình vì toàn bộ khu vực thành phố đều mất điện từ ngày 7/9.

Nguồn hàng tại các siêu thị khá dồi dào, phong phú và giá cả sau bão không thay đổi so với ngày thường.

Trên địa bàn thành phố bị mất điện và mất nước từ ngày 7/9, nên nhiều mặt hàng sạc dự phòng, quạt tích điện, nước đóng chai, các loại mỳ, bánh mỳ, bim bim, sữa tại các cửa hàng và các siêu thị, sức mua tăng đột biến (tăng trên 250% so với ngày thường).

Tối ngày 8/9, nhiều hàng ăn uống tại khu vực nội thành đã mở cửa phục vụ nhu cầu khách hàng, theo ghi nhận tại nhiều cửa hàng bán đồ ăn, lượng khách đến mua hàng tăng trên 200% so với ngày thường.

Đến sáng ngày 9/9, nhiều quận, huyện trên địa bàn thành phố đã có điện, nước và mạng di động, hoạt động kinh doanh buôn bán của các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh và cửa hàng đã bắt đầu trở lại.

Còn tại Bắc Giang, do là huyện miền núi, làm nông lâm nghiệp nên lương thực, thực phẩm người dẫn cũng có sự chủ động dự trữ; trong một vài ngày. Hoạt động cung ứng hàng hóa được đảm bảo, diễn ra bình thường, giá cả các mặt hàng lương thực, thực phẩm cơ bản ổn định, không có sự thay đổi nhiều về giá; các cửa hàng xăng dầu vẫn cung cấp hàng đảm bảo, đáp ứng nhu cầu người dân, doanh nghiệp và công tác khắc phục sau bão số 3. Chính quyền cấp xã thường xuyên nắm bắt tình hình, sẽ có sự hỗ trợ lương thực thực phẩm của người dân trong bản, làng và chính quyền cơ sở (nếu cần); người dân trong khu vực bị cô lập sẽ không xảy ra thiếu hàng hóa, lương thực, thực phẩm.

Bắc Kạn trong ngày 9/9 có mưa, có nơi mưa rất to, lũ Sông Cầu đang lên, một số tuyến đường giao thông đi các huyện bị sạt lở, phương tiện giao thông không lưu thông được. Sáng 9/9 các chợ, siêu thị, nhà phân phối; các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn tỉnh vẫn đảm bảo an toàn, chưa có thiệt hại do ảnh hưởng của bão số 3. Giá cả hàng hóa thiết yếu ổn định, không có hiện tượng đầu cơ, tăng giá bất hợp lý.

Tại Hà Giang cơ bản đảm bảo lưu thông hàng hoá, giá cả các mặt hàng ổn định, các cửa hàng kinh doanh xăng dầu vẫn đảm bảo cung ứng nhu cầu người dân. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3, trên địa bàn tỉnh Hà Giang có mưa vừa và to trên diện rộng, nếu tiếp tục kéo dài có nguy cơ gây sạt lở tại một số tuyến đường đến các các huyện như: Hoàng Su Phì, Xín Mần.

Các tỉnh còn lại như Tuyên Quang, Nam Định, Hải Dương, Cao Bằng, Điện Biên, Yên Bái, Hòa Bình, Lai Châu hoạt động thương mại trên địa bàn tỉnh diễn ra bình thường, giá cả hàng hóa ổn định, đảm bảo đầy đủ cung cấp cho người dân. Mặt hàng rau xanh và thực phẩm tươi sống có tăng nhẹ do mưa dài ngày.

Tin liên quan