Thị trường bán lẻ 'đón sóng' tăng trưởng mới
"Cuộc đổ bộ” của chuỗi WinMart+, Go!, Saigon Co.op… vào mảng bán lẻ 2025 được kỳ vọng sẽ góp phần giúp thị trường nội địa đạt mục tiêu tăng trưởng nửa cuối năm.
Thị trường bán lẻ nhiều điểm sáng
Theo số liệu của Cục Thống kê – Bộ Tài chính, 6 tháng đầu năm 2025, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 3.416,8 nghìn tỷ đồng, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2024 tăng 8,9%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 7,2% (cùng kỳ năm 2024 tăng 6,0%).
Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa 6 tháng đầu năm 2025 ước đạt 2.613,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 76,5% tổng mức và tăng 7,9% so với cùng kỳ năm trước.
Thị trường bán lẻ có nhiều điểm sáng thời gian qua (Ảnh: Kim Ngân)
Đánh giá bức tranh thị trường bất động sản bán lẻ nửa đầu năm 2025, Savills Việt Nam nhận định, thị trường bán lẻ hiện đại tại “đầu tàu” kinh tế TP. Hồ Chí Minh vẫn có quy mô nhỏ, với tổng diện tích cho thuê thuần (NLA) khoảng 1,6 triệu m². Nguồn cung mới hạn chế khi mà thị trường chỉ ghi nhận thêm 5.000 m² NLA từ các dự án hiện hữu.
Dù vậy, hiệu suất thị trường tiếp tục duy trì ổn định với tỷ lệ lấp đầy cao, đạt tới 93% và giá thuê tầng trệt trung bình khoảng 1,5 triệu đồng/m²/tháng, trong đó các giao dịch thuê mới chủ yếu đến từ nhóm ngành giải trí, phong cách sống và đồ gia dụng.
Việc xuất hiện của các thương hiệu mới như Oh!Some, HOKA, Lee cùng với sự mở rộng của các chuỗi như Muji, Zara và H&M tại các trung tâm thương mại hoạt động hiệu quả cho thấy niềm tin ngày càng tăng của nhà bán lẻ. Các bất động sản bán lẻ hạng sang tại khu vực trung tâm tiếp tục ghi nhận tỷ lệ trống thấp; trong khi nguồn cung tương lai vẫn hạn chế, chỉ khoảng 100.000 m² NLA dự kiến được bổ sung trong 3 năm tới. Nhờ nhu cầu tiêu dùng mạnh mẽ và tầng lớp trung lưu đang mở rộng, thị trường dự kiến sẽ tiếp tục duy trì sự ổn định trong ngắn hạn”, Savills phân tích và đưa ra nhận định.
Còn với TP. Hà Nội, số liệu phân tích dữ liệu của Savills cho thấy, thị trường cũng giữ ổn định trong nửa đầu năm 2025 với tỷ lệ lấp đầy đạt 86%, trong khi giá thuê trung bình tầng trệt tăng lên 1,3 triệu đồng/m²/tháng. Theo ghi nhận, hoạt động cho thuê chủ yếu được thúc đẩy bởi các ngành hàng ẩm thực (F&B) và cửa hàng tiện lợi, với sự xuất hiện của các thương hiệu mới như Oh!Some và 7-Eleven, cùng với việc mở rộng chuỗi từ các thương hiệu như Muji, Starbucks và Dzinh.
Với nhu cầu tiêu dùng bền vững và tầng lớp trung lưu ngày càng mở rộng, thị trường bán lẻ được dự báo sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng ổn định trong ngắn hạn. Bên cạnh đó, Việt Nam đã đón gần 10,6 triệu lượt khách quốc tế trong 6 tháng đầu năm 2025, tăng 24% so với 8,5 triệu lượt vào cùng kỳ năm 2019. Xu hướng tăng trưởng này dự kiến sẽ tiếp tục nhờ vào kết nối hàng không được cải thiện và sự phục hồi ổn định của các thị trường nguồn cung chính.
Doanh nghiệp vào cuộc mở rộng điểm bán
Thông tin tại cuộc họp Tổ điều hành thị trường trong nước thường kỳ quý II/2025 tổ chức mới đây, ông Phan Văn Chinh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước – Bộ Công Thương cho biết, nửa cuối năm 2025, sự tăng trưởng của thị trường nội địa sẽ phụ thuộc vào sự nỗ lực của doanh nghiệp bán lẻ trong mở rộng quy mô, phát triển thị trường.
Winmart mở thêm nhiều cửa hàng mới (Ảnh: Kim Ngân)
Trong bối cảnh đó, nhiều doanh nghiệp bán lẻ đã nỗ lực mở rộng các cửa hàng mới. Đơn cử, tháng 7/2025, WinMart chính thức khai trương hai siêu thị theo mô hình mới tại Đà Nẵng (ngày 19/7 tại Vincom Plaza 910A Ngô Quyền, phường An Hải) và Hà Nội (ngày 12/7 tại Vincom Plaza 234 Phạm Văn Đồng, phường Phú Diễn). Nằm trong khu vực đông dân cư, các siêu thị WinMart mới hướng đến các khách hàng là gia đình trẻ, dân văn phòng, sinh viên và người nội trợ hiện đại.
Siêu thị WinMart mô hình mới có cấu trúc không gian mở, thân thiện và tối ưu trải nghiệm người tiêu dùng. Mỗi phân khu hàng hóa được bài trí khoa học theo màu sắc và chủ đề riêng biệt, nhưng vẫn đảm bảo tổng thể hài hòa. Hệ thống ánh sáng tự nhiên kết hợp đèn LED tiết kiệm điện, bảng chỉ dẫn rõ ràng giúp khách hàng dễ dàng mua sắm. Đặc biệt, công nghệ thanh toán không tiền mặt từ mã QR đến ví điện tử được triển khai đồng bộ, rút ngắn thời gian chờ đợi, đồng thời khuyến khích tiêu dùng xanh.
Theo báo cáo cập nhật kết quả kinh doanh tháng 6, doanh thu thuần của WinCommerce (công ty chủ quản hệ thống siêu thị WinMart/WinMart+) đạt 3.218 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2024, cao hơn so với mục tiêu tăng trưởng cơ sở 8-12% đề ra cho cả năm. Tính trong 6 tháng đầu năm, doanh thu WinCommerce ghi nhận 17.900 tỷ đồng, tăng 13,4% so với cùng kỳ, cho thấy sự tăng trưởng rõ nét của mảng bán lẻ.
Bên cạnh tăng trưởng doanh thu, WinCommerce đang tăng tốc mở rộng quy mô toàn quốc với chiến lược trọng tâm là thâm nhập sâu hơn vào khu vực nông thôn, nơi chiếm hơn 60% dân số Việt Nam và vẫn còn phụ thuộc vào kênh bán lẻ truyền thống. Trong tháng 6, doanh nghiệp đã mở mới 61 cửa hàng, nâng tổng số cửa hàng mở mới từ đầu năm lên 318, gần 75% số này là các cửa hàng WinMart+ khu vực nông thôn.
Riêng khu vực miền Trung có sự bùng nổ mạnh mẽ, đóng góp tới 161 cửa hàng mở mới, chiếm hơn 50% tổng số mở mới trong nửa đầu năm. Điều này cho thấy khả năng chọn lọc điểm đến chiến lược và sự linh hoạt trong mở rộng mạng lưới bán lẻ theo từng vùng miền.
Bên cạnh đó, ngày 16/7, Trung tâm thương mại Go! Hưng Yên đã chính thức được khai trương, sớm hơn 5 tháng so với tiến độ đăng ký và được chấp thuận. Saigon Co.op cũng lên kế hoạch mở hơn 150 điểm bán mới trong năm nay, nâng tổng số lên gần 1.000 điểm trên toàn quốc… Sự đồng lòng của các doanh nghiệp được kỳ vọng sẽ giúp thị trường nội địa tiếp tục bứt phá trong nửa cuối năm 2025.
Theo Bộ Công Thương, từ khoảng 800 siêu thị năm 2020, đến nay, Việt Nam đã có hơn 1.200 siêu thị và hơn 300 trung tâm thương mại, cùng với hơn 30.000 kho bãi và 6 trung tâm logistics cấp I mới được hình thành.