Thứ bảy, 18/01/2025 - 15:05

Thị trường lao động: Tăng lợi thế cạnh tranh

Các ngành nghề sử dụng lao động phổ thông, kỹ năng thấp sẽ dần mất lợi thế cạnh tranh khi công nghệ và sản xuất thông minh ngày càng phát triển.

 
Người lao động tìm hiểu thông tin việc làm. Ảnh minh họa: L.N
Người lao động tìm hiểu thông tin việc làm. Ảnh minh họa: L.N
 

Kỹ năng cốt lõi như giao tiếp, làm việc nhóm, tư duy phân tích và sáng tạo là yếu tố thiết yếu cho mọi ngành nghề.

Nhiều thay đổi

Mặc dù làm việc trong môi trường khá thoải mái với mức lương ổn định, chị Minh Thảo (31 tuổi, sống tại TP Huế) vẫn không ngừng trăn trở về việc thay đổi công việc. Là một chuyên viên truyền thông, chị Thảo từng nghĩ rằng chỉ cần viết tốt là đủ. Thế nhưng, trong bối cảnh thị trường lao động ngày càng cạnh tranh, công ty yêu cầu chị phải thành thạo các phần mềm công nghệ, sáng tạo nội dung đa dạng và đảm nhận nhiều vai trò khác nhau.

“Công việc ngày càng áp lực khiến tôi cảm thấy kiệt sức,” chị Thảo chia sẻ. Tuy nhiên, để tiếp tục trụ vững, chị buộc phải tham gia các khóa học nâng cao kỹ năng và cập nhật kiến thức công nghệ để đáp ứng yêu cầu ngày một cao.

Ông Trần Anh Tuấn - Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TPHCM, nhận định: Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang tạo ra những thay đổi sâu rộng, từ cấu trúc thị trường, phương thức sản xuất đến quản lý Nhà nước. Đây là cơ hội để Việt Nam nâng cao năng suất lao động, cải thiện khả năng cạnh tranh của các ngành truyền thống và vươn ra thị trường toàn cầu nhờ nền tảng số. Việt Nam có thể tăng trưởng nhanh với giá trị gia tăng cao và bền vững.

Cuộc cách mạng này còn mở ra tiềm năng lớn cho nền kinh tế số và các lĩnh vực như sản xuất thông minh, nông nghiệp, tài chính, ngân hàng, logistics, và robotics. Điều này không chỉ nâng cao năng suất mà còn tiết kiệm chi phí, mang lại lợi ích to lớn cho Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng.

 

Tuy nhiên, ông Tuấn cũng chỉ ra nhiều thách thức, đặc biệt là sự thiếu hụt nhân lực chất lượng cao, công nghệ lõi, hạ tầng kỹ thuật số, và an ninh mạng. Cuộc cách mạng 4.0 sẽ gây chuyển dịch lớn trong thị trường lao động, từ nguồn nhân lực giá rẻ sang nhân lực trình độ cao, đẩy lao động truyền thống đứng trước nguy cơ bị thay thế.

“Quy mô và tốc độ đổi mới công nghệ diễn ra nhanh hơn bao giờ hết, tạo ra sự thay đổi cơ bản trong cơ cấu lao động và việc làm. Sự gia tăng ứng dụng công nghệ rô bốt trong sản xuất có thể dẫn đến sự giảm mạnh số lượng việc làm do người lao động đảm nhiệm. Do đó, việc nâng cao tỷ lệ nguồn nhân lực có trình độ cao và đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế là một yêu cầu cấp thiết trong giai đoạn hiện nay”, ông Tuấn nhấn mạnh.

tang-loi-the-canh-tranh-2.jpg

Tại TPHCM, mỗi năm có 300.000 người cần việc làm. Ảnh minh họa: L.N

Những kỹ năng cần thiết

Ông Trần Anh Tuấn thông tin, hiện nay, có 10 nhóm ngành nghề đang có xu hướng phát triển mạnh mẽ và thu hút nguồn nhân lực chuyên môn cao. Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, các ngành như khoa học và kỹ thuật máy tính, trí tuệ nhân tạo, công nghệ phần mềm, an toàn thông tin, khoa học dữ liệu, cùng các lĩnh vực công nghệ thông tin tích hợp và thiết kế vi mạch đang đứng đầu trong danh sách những ngành nghề thu hút nhân lực.

Tiếp theo là một loạt các nhóm ngành khác, bao gồm: Công nghệ kỹ thuật cơ điện - tự động hóa, công nghệ kỹ thuật ô tô, điện - điện tử, chip và chất bán dẫn, công nghệ vật liệu, công nghệ nano, năng lượng, năng lượng tái tạo, và năng lượng xanh. Các ngành liên quan đến kinh tế và quản trị kinh doanh số, kinh doanh - thương mại - quốc tế, công nghệ tài chính, kế toán - kiểm toán, tài chính ngân hàng, marketing, logistics và quản lý chuỗi cung ứng.

 

Ngành thu hút nguồn nhân lực tiếp theo là ngành du lịch và lữ hành, dịch vụ nhà hàng - khách sạn và dịch vụ ăn uống; luật, tâm lý, nhân sự, truyền thông - truyền thông đa phương tiện, ngôn ngữ, quan hệ quốc tế, sư phạm giáo dục, sư phạm kỹ thuật, công nghệ giáo dục y, dược, khoa học y sinh, y tá - điều dưỡng, thẩm mỹ - chăm sóc sắc đẹp….

Nhìn chung, thị trường lao động Việt Nam đang phát triển theo hướng hiện đại và đầy đủ, từng bước tiếp cận với các chuẩn mực quốc tế với tinh thần chủ động và tích cực. Sự phát triển nhanh chóng của trí tuệ nhân tạo đang ảnh hưởng mạnh mẽ đến lực lượng lao động. Thị trường lao động sẽ ngày càng tích hợp trí tuệ nhân tạo, làm thay đổi chất lượng cơ cấu và hình thành những nhóm ngành nghề theo hướng tích hợp, phù hợp với cơ cấu công nghệ số.

Theo chuyên gia này, nguồn nhân lực số là nguồn nhân lực được đào tạo bài bản, vững chuyên môn, chuẩn đạo đức và có năng lực làm chủ công nghệ. Ngoài ra, họ còn cần có tính sáng tạo và khả năng thích ứng nhanh với sự biến đổi của công nghệ trong nền kinh tế. Tuy nhiên, hiện nay, nguồn nhân lực số của Việt Nam còn thiếu cả về số lượng lẫn những kỹ năng cần thiết để có thể hoàn toàn làm chủ các chương trình chuyển đổi số.

Ông Tuấn nhìn nhận: “Để thành công trong thị trường lao động, mỗi cá nhân cần lựa chọn đúng ngành nghề, cấp bậc học phù hợp, phát huy sở trường, năng lực và học tập tốt. Qua đó, họ sẽ xây dựng được giá trị và năng lực làm việc, chọn được công việc phù hợp và ổn định lâu dài”.

Cũng theo ông Tuấn, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan cần điều chỉnh các chính sách về đào tạo, nâng cao kỹ năng, phát triển nguồn nhân lực thích ứng với sự biến đổi của công nghệ và phát triển của cách mạng công nghiệp mới. Đồng thời, tập trung xây dựng hệ thống an sinh xã hội với những trụ đỡ về việc làm, thu nhập, bảo hiểm xã hội, trợ giúp xã hội.

 

Nhu cầu nhân lực có trình độ đại học tại TPHCM mỗi năm đạt 18 - 22%, trình độ cao đẳng và trung cấp đạt hơn 50%. Tuy nhiên, người có nhu cầu tìm việc trình độ đại học trở lên chiếm hơn 60%. Theo đó, trung bình mỗi năm, TPHCM cần bố trí việc làm cho khoảng 300.000 người, trong đó gần 100.000 người là sinh viên tốt nghiệp đại học và trên 200.000 người tốt nghiệp các chương trình giáo dục nghề nghiệp. Thực tế, sự cân đối giữa nguồn cung và nhu cầu là yếu tố quan trọng trong việc tận dụng nguồn lao động.

 
 
 
Lượt xem: 5
Nguồn:giaoducthoidai.vn Sao chép liên kết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật