Thứ sáu, 20/09/2024 - 07:15

Thị trường mua bán đất rừng sản xuất ở Hòa Bình giờ ra sao?

 Dù cơn sốt đất ở nhiều nơi đã chững lại, tuy nhiên, đất rừng tại Hòa Bình vẫn có giá vô cùng cao, có nơi "cò đất" vẫn ráo riết tìm mua.

Thị trường mua bán đất rừng sản xuất ở Hòa Bình giờ ra sao?

Sau khi mua xong, nhiều diện tích đất rừng bị những người chủ mới bỏ không. Ảnh: Trần Trọng.

Tỉnh Hòa Bình là địa phương có quỹ đất rừng lớn, đặc biệt trong nhiều năm trở lại đây, nhiều dự án về du lịch, nghỉ dưỡng được đầu tư trên địa bàn khiến giá của loại đất này ngày càng cao.

Dưới sự tác động mạnh mẽ của "cơn sốt đất" từ giữa năm 2021 đến đầu năm 2022, giá đất nói chung trên địa bàn tỉnh Hòa Bình tăng mạnh. Tuy nhiên, đến hiện tại, phần lớn các loại đất đều chững lại thì giá đất rừng sản xuất vẫn ở mức cao.

Những ngày đầu tháng 9.2022, PV có mặt tại một số huyện tại Hòa Bình như Lạc Sơn, Lương Sơn... người dân vẫn chưa hết ngạc nhiên trước mức giá cao ngất ngưởng của đất rừng.

Anh Bùi Văn Q. (44 tuổi, trú thị trấn Vụ Bản, huyện Lạc Sơn) chia sẻ: "Giá đất rừng tăng theo các loại bất động sản khác trong khoảng 1 năm qua, đến nay, nhiều loại đã chững lại thì đất rừng tại đây vẫn được nhiều người hỏi mua, săn đón".

Điều kỳ lạ là nhiều diện tích đất rừng ở Hòa Bình vẫn được giao dịch với giá không tưởng.

Điều kỳ lạ là nhiều diện tích đất rừng ở Hòa Bình vẫn được giao dịch với giá không tưởng.

Cũng theo anh Q., giá đất giao dịch tại địa phương rất cao, có nơi lên đến 700 triệu đồng/ha, so với trước đây chỉ khoảng 100 - 200 triệu đồng/ha. Phần lớn khách hỏi mua đất không phải là người địa phương, mà là từ nhiều nơi khác đến, chủ yếu là ở Hà Nội. 

Điều khiến người dân nơi đây thắc mắc là diện tích đất rừng sản xuất sau khi được giao dịch thành công, trong khoảng gần 1 năm nay nhiều người chủ mới không trồng cây hay có bất cứ hoạt động canh tác nào trên mảnh đất này.

Là địa phương tiếp giáp với Hà Nội, diện tích đất rừng tại huyện Lương Sơn được đẩy lên với mức giá không tưởng. Nhiều mảnh đồi có khoảng cách gần với đường lớn và đi lại thuận tiện được người mua trả với giá 2 tỉ đồng/ha.

Theo người dân nơi đây, giá đất được đẩy lên cao và chuyển nhượng rầm rộ từ thời điểm từ giữa năm 2021, các mảnh đất có giá trị vài trăm triệu nay đã được định giá tiền tỉ. Thế nhưng không hiểu vì sao, vẫn có lớn lượng người hỏi mua.

Các diện tích rừng sau khi giao dịch được người dân xây, lắp tường rào kiên cố.

Các diện tích rừng sau khi giao dịch được người dân xây, lắp tường rào kiên cố.

Để tìm hiểu về giá đất rừng tại địa bàn tỉnh Hòa Bình, PV đã trong vai khách mua hàng tiếp cận người môi giới bất động sản.

Chị N.T.T.M (người môi giới) chia sẻ: "Đất rừng ở huyện Lương Sơn có giá cao bởi lượng người mua lớn, chủ yếu đến từ Hà Nội. Mấu chốt là trong thời gian sắp tới, tại đây có nhiều dự án du lịch, nghỉ dưỡng với cơ hội đầu tư lớn".

Cũng theo người này, với hy vọng thu lời từ việc đón đầu dự án, nhiều nhà đầu tư đã mạnh tay xuống tiền để có những mảnh đất đẹp, sau đó tiếp mua bán, chuyển nhượng đất để sinh lời.

Trao đổi với PV, ông Quách Khắc Dương - Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Lạc Sơn xác nhận, từ giữa năm trước đến khoảng tháng 5.2022, tình trạng mua bán, chuyển nhượng đất rừng sản xuất diễn ra rầm rộ tại địa phương. Đến hiện tại, giá đất rừng vẫn ở mức cao.

"Tuy nhiên, vào tháng 6.2022, huyện Lạc Sơn đã thực hiện chuyên đề Tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai. Theo đó, diện tích đất được mua bán, chuyển nhượng cho chủ mới cần phải là người địa phương và hoạt động đúng mục đích (canh tác đúng loại cây trồng trên diện tích đất đang sở hữu). Sau khi quán triệt, từ tháng 7.2022 đến nay, số lượng giao dịch đất rừng trên địa bàn huyện đã giảm đi đáng kể" - ông Dương thông tin.

Lượt xem: 70
Nguồn:laodong.vn Sao chép liên kết
Tin liên quan