Chủ nhật, 22/09/2024 - 04:36

“Bắt mạch, kê đơn” cho thị trường lao động

Nửa đầu năm 2023, tình hình việc làm, thu nhập, đời sống của đoàn viên, người lao động gặp nhiều khó khăn. Các chuyên gia cho rằng, trong lúc này cần “bắt mạch, bốc thuốc, kê đơn” cho thị trường lao động. Trong đó, cần có chính sách trợ lực cả ngắn hạn và dài hạn mạnh mẽ hơn nữa để khôi phục thị trường.

“Bắt mạch, kê đơn” cho thị trường lao động

Thị trường lao động trong nửa đầu năm 2023 có phần trầm lắng, nhiều doanh nghiệp bị sụt giảm đơn hàng. Ảnh: Hải Nguyễn

Tín hiệu thị trường yếu

Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) tỉnh Đồng Nai, 6 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh có 254 doanh nghiệp giải thể (tăng 23,9% so với cùng kỳ); 917 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh (tăng 18,6% so với cùng kỳ). Còn theo số liệu của Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh này, tính đến ngày 31.5.2023, tổng số lao động tham gia BHXH là 769.243 người, giảm 38.750 người so với cuối năm 2022.

Thống kê của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho thấy, 6 tháng đầu năm, nền kinh tế có những khó khăn, thách thức kéo dài từ quý IV/2022 tới nay, làm ảnh hưởng tiêu cực tới sản xuất kinh doanh. Trong đó, tổng số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động giảm 2,9%; số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 18,2%; doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 28,9% so với cùng kỳ 6 tháng đầu năm 2022; tình trạng thiếu đơn hàng tiếp tục diễn ra ở nhiều doanh nghiệp, thuộc nhiều lĩnh vực.

Trao đổi với Lao Động, ông Lê Quang Trung, nguyên Phó Cục trưởng phụ trách Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết, thời gian vừa qua, nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, thách thức, và với Việt Nam - một nền kinh tế có độ mở lớn - không tránh khỏi ngoại lệ trên.

Theo ông Trung, do khó khăn chung của nền kinh tế nên hàng hoá xuất khẩu bị thu hẹp. Số lượng đơn hàng bị cắt giảm nhiều, nhất là những lĩnh vực như giày da, may mặc, chế biến gỗ…

Báo cáo của Tổng Cục Thống kê cho thấy, tính chung 7 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 194,73 tỉ USD, giảm 10,6% so với cùng kỳ năm trước.

Như vậy, có thể thấy, nhu cầu tiêu thụ hàng hoá trong nửa đầu năm 2023 ở thị trường thế giới bị thu hẹp, do thắt chặt chi tiêu, chuyển đổi nhu cầu hàng hoá trong quá trình tiêu dùng.

“Với tín hiệu thị trường yếu như giai đoạn nửa đầu năm 2023, rõ ràng lúc này, chúng ta cần phải “bắt mạch, bốc thuốc, kê đơn” cho thị trường lao động.

“Sức khoẻ” của doanh nghiệp tốt, người lao động mới có việc làm và thị trường lao động mới khởi sắc. Do vậy, cần có chính sách trợ lực cả ngắn hạn và dài hạn mạnh mẽ hơn nữa để khôi phục thị trường” - ông Lê Quang Trung phân tích.

“Bắt mạch, kê đơn” cho thị trường lao động

Nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác định hướng, dự báo về thị trường hàng hoá, thị trường xuất nhập khẩu, thị trường tiêu dùng, ông Lê Quang Trung cho rằng, công tác dự báo “đúng và trúng” có vai trò rất quan trọng.

Về lâu dài, ông Trung cho rằng, trong cơ cấu lao động, cần phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đào tạo phù hợp với thị trường, tăng tỉ lệ thâm dụng lao động trí thức lên cao hơn nữa.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương - cho rằng, ngành LĐTBXH và tổ chức Công đoàn, các cơ quan có liên quan cần phải nắm chắc tình hình, thực trạng sử dụng lao động hiện nay và nắm rất rõ tới từng nhóm đối tượng trong thị trường để có giải pháp đào tạo, bồi dưỡng hay bố trí, sắp xếp, kết nối việc làm ở những ngành, nghề, việc làm mới.

Đối với doanh nghiệp, đại biểu Việt Nga cho rằng, cần phải xác định rõ định hướng sản xuất để định hướng vấn đề lao động. Doanh nghiệp phải có nhiều phương án để thích ứng với các khả năng có thể xảy ra.

Lượt xem: 15
Nguồn:laodong.vn Sao chép liên kết
Tin liên quan