Thứ sáu, 20/09/2024 - 07:12

Dù nhiều bất lợi, giá biệt thự, nhà liền kề vẫn khó giảm

Các chuyên gia bất động sản nhận định, giá biệt thự, nhà liền kề sẽ khó giảm giá trong năm 2023 khi nguồn cung không nhiều.

Dù nhiều bất lợi, giá biệt thự, nhà liền kề vẫn khó giảm

Phân khúc biệt thự, nhà liền kề vẫn khó giảm giá trong năm 2023. Ảnh: Vũ Long

Bất động sản hạng sang vẫn khó giảm thêm

Theo chị Hiền Anh - một nhà đầu tư tại Hà Nội khá "mát tay" trong việc đầu tư "lướt sóng" ngắn hạn các dự án bất động sản, thì xu hướng trong năm 2023, đối với các dự án biệt thự và nhà liền kề, nhu cầu cho phân khúc này vẫn được ghi nhận ở mức cao nhưng nguồn cung đang khá hạn chế.

 

Tình hình hoạt động của phân khúc biệt thự/liền kề. Nguồn: Savills 

Hơn nữa, với các dự án này, nguồn cầu cũng đến từ những người có thu nhập cao, mua trong điều kiện có lượng tiền nhàn rỗi nhất định để đầu tư vào nhà ở thấp tầng và ít sử dụng đòn bẩy tài chính ngân hàng. Do đó, không chịu áp lực bán trong điều kiện lãi suất ngân hàng lên cao.

"Điều này dẫn đến mức giá tại phân khúc này giảm có giảm trong thời gian tới hay không là rất khó đoán định" - chị Hiền Anh nói.

Phân khúc biệt thự/liền kề hiện đang khá hạn chế. Ảnh: Vũ Long

Phân khúc biệt thự/liền kề hiện đang khá hạn chế. Ảnh: Vũ Long

Savills Việt Nam cũng nhận định: Nguồn cung hạn chế, giá sơ cấp và thứ cấp ở mức cao được cho là nguyên nhân chính khiến số lượng giao dịch biệt thự, nhà liền kề tại Hà Nội đạt mức thấp nhất trong các năm gần đây. Điều đáng nói là, tính thanh khoản là bài toán thách thức trong năm 2023, khi mà không dễ để chủ đầu tư và nhà đầu tư điều chỉnh giá bán cũng như giải quyết câu chuyện về nguồn cung.

Trao đổi với PV Lao Động, bà Đỗ Thu Hằng - Giám đốc Cấp cao - Bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn (Savills Hà Nội) cho rằng: Giá biệt thự và liền kề đã có xu hướng giảm nhẹ trong quý cuối cùng của năm 2022, nhưng điều chỉnh giá sẽ không đáng kể.

“Mặt bằng giá chung của nhà liền thổ tại thị trường Hà Nội vẫn neo ở mức cao. Biệt thự ở khu vực Hà Nội có giá từ 10-30 tỉ chiếm đến 55% tỉ trọng, trong khi đó mức giá trên 30 tỉ cũng chiếm đến 20% tỉ trọng, và dưới 10 tỉ cũng chiếm khoảng 22% tỉ trọng” – bà Hằng nói.

Còn theo ông Vũ Tuấn Anh – Chủ tịch JCI Việt Nam, hiện nay, chi phí đầu tư ban đầu của các chủ đầu tư bao gồm chi phí đất, chi phí vốn, chi phí tài chính trong quá trình phát triển dự án phát sinh một số vấn đề khiến chi phí cao hơn dự phòng.

“Đơn cử như câu chuyện về tiến trình xin cấp phép, phê duyệt dự án kéo dài, khiến các chi phí đầu tư tăng lên, từ đó tác động đến giá thành của sản phẩm. Ngoài ra, tại thị trường thứ cấp, các nhà đầu tư cũng đã trải qua rất nhiều lần mua qua bán lại khiến giá được đẩy lên ở mức cao, dẫn đến khó khăn trong điều chỉnh giá” – ông Vũ Tuấn Anh nêu thực trạng.

Kỳ vọng nguồn cung từ 80 dự án trong năm 2023

Theo Savills Việt Nam, thị trường sẽ có nguồn cung 1.600 căn từ 15 dự án dự kiến gia nhập thị trường trong năm 2023. Huyện Hoài Đức dự kiến sẽ cung cấp 20% nguồn cung tương lai, theo sau bởi huyện Thanh Trì với 16%, quận Long Biên với 15%.

Ông Matthew Powell - Giám đốc Savills Hà Nội nhận định: Các dự án cơ sở hạ tầng mới sẽ thúc đẩy thị trường nhà ở. Khi hoàn thành, các dự án như đường vành đai 3,5 và vành đai 4 sẽ hỗ trợ sự phát triển của hơn 80 dự án với hơn 2.900ha tại các quận, huyện lân cận các tuyến đường vành đai như Hoài Đức, Mê Linh, Hà Đông, Đan Phượng, Thường Tín.

"Thêm vào đó, các chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn sẽ thúc đẩy sự phục hồi của thị trường năm 2023” - ông Matthew Powell nói.

Để giải quyết khó khăn về thanh khoản, nhiều chủ đầu tư bắt đầu có phương án chuyển nhượng dự án, khiến hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) diễn ra khá nhộn nhịp. Đây là một trong những phương án giúp thanh lọc thị trường, việc thanh lọc sẽ giúp cho thị trường có những chủ đầu tư uy tín, có kinh nghiệm, có tiềm lực tài chính...

Lượt xem: 30
Nguồn:laodong.vn Sao chép liên kết
Tin liên quan