Thứ bảy, 21/09/2024 - 02:29

Giá rau, thịt và nhiều mặt hàng "nhảy múa", quá nhiều việc để bình ổn

Các mặt hàng thiết yếu tại các tỉnh, thành trên cả nước đang tăng giá do áp lực từ giá xăng dầu tăng liên tiếp... Trước tình hình này, phía sở, ngành từ địa phương đến các bộ, ngành Trung ương đã có những giải pháp để kiểm soát, ngăn chặn tình trạng tăng đột biến, thiếu nguồn cung.

Giá rau, thịt và nhiều mặt hàng

Nhiều mặt hàng thiết yếu tại chợ truyền thống ở TPHCM đang có mức giá cao. Ảnh: Ngọc Lê

Rau củ, gạo đường rủ nhau tăng giá ở chợ truyền thống

Với các mặt hàng thiết yếu như rau củ, thịt heo, thịt gia cầm... tại các chợ truyền thống ở TP Hồ Chí Minh đang có mức giá cao. Việc này đã khiến nhiều người lao động gặp khó khăn trong việc chi tiêu hằng ngày.

Chị Lê Phương Thảo - công nhân công ty may tại Quận 12, - cho biết: "Giá nhiều loại rau củ tăng khoảng 5.000-7.000 đồng/kg so với cách đây một tháng như bắp cải có giá 30.000 đồng/kg, cà chua 35.000 đồng/kg, xà lách có giá 35.000 đồng/kg...

Với mức giá này, tôi đành phải mua ít lại vì mức sinh hoạt phí của gia đình không cao, mỗi bữa đi chợ chỉ có thể mua khoảng 50.000 đồng".

Thời gian qua, không chỉ có gạo tại các chợ truyền thống biến động giá, mà giá đường cát cũng bất ngờ tăng cao khiến nhiều người dân lo lắng.

“Khoảng 2 tuần trở lại đây, đường cát bán lẻ có mức giá khoảng 27.000-30.000 đồng/kg, tăng khoảng 3.000-5.000 đồng/kg so với hồi tháng 7” - chị Trần Thu Nga - chủ tiệm bánh ngọt Thu Nga trên đường Võ Văn Kiệt (Quận 1) - chia sẻ.

Khảo sát tại thị trường TP Hồ Chí Minh cho thấy, giá bán lẻ đường cát tại các chợ đều tăng vọt đạt ngưỡng 30.000 đồng/kg. Trong khi đó, tại các đại lý, chuỗi siêu thị mặt hàng này có mức giá thấp hơn khoảng 26.000-27.000 đồng/kg.

Gạo và đường là một trong những mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu nằm trong danh mục bình ổn thị trường của TP Hồ Chí Minh.

Để giữ ổn định giá từ đây đến cuối năm và đặc biệt dịp Tết 2024, Sở Tài chính đã thực hiện chính sách bình ổn bằng cách phê duyệt mức giá bán mới cho hàng gạo, đường tham gia chương trình bình ổn thị trường năm 2023 và Tết 2024 của Công ty CP Lương thực thành phố, Công ty TNHH Gạo Vinh Phát Wilmar, Công ty TNHH Lương thực Tấn Vương, Công ty CP Thương mại Bách Hóa Xanh. Dù mức giá mới tăng từ 1.000 - 2.000 đồng/kg so với trước nhưng vẫn đảm bảo thấp hơn giá thị trường 5%.

Cụ thể, tăng giá mặt hàng đường mía Toàn Phát trong chương trình bình ổn từ 25.000 đồng lên 26.000 đồng/kg, nguyên nhân do giá mua từ nhà cung cấp tăng. Giá gạo trắng, gạo Jasmine tăng 1.500-2.000 đồng/kg... Đối với các mặt hàng thiết yếu khác như trứng, thực phẩm tươi sống... các đơn vị tham gia chương trình bình ổn thị trường vẫn giữ mức giá cũ và thấp hơn giá thị trường từ 5,6-14,3%.

Giá các mặt hàng thiết yếu tại TP Hồ Chí Minh được kiểm soát chặt chẽ. Ảnh: Ngọc Lê

Giá các mặt hàng thiết yếu tại TP Hồ Chí Minh được kiểm soát chặt chẽ. Ảnh: Ngọc Lê

Triển khai hàng loạt giải pháp để ngăn "giá tát theo xăng"

Ông Nguyễn Nguyên Phương - Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh - cho biết, trên địa bàn thành phố đang diễn ra chương trình khuyến mại tập trung năm 2023 và kéo dài đến hết ngày 15.9.

Thông qua chương trình này, doanh nghiệp sẽ chủ động thực hiện đa dạng hoạt động giảm giá cho phong phú chủng loại hàng hóa tiêu dùng thiết yếu. Còn người tiêu dùng có thể mua sắm các sản phẩm chất lượng với giá hấp dẫn.

Với hiệu quả tích cực mà chương trình mang lại, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tháng 8 ước đạt hơn 106.000 tỉ đồng, tăng 4,5% so với tháng trước và tăng gần 11% so với cùng kỳ.

Để ổn định giá hàng hóa tiêu dùng thiết yếu trên địa bàn thành phố, Hội Lương thực Thực phẩm TP Hồ Chí Minh cũng đã cùng với ngành công thương triển khai nhiều giải pháp bình ổn giá, kích cầu tiêu dùng.

Đồng thời, phối hợp với doanh nghiệp sản xuất, siêu thị triển khai nhiều chương trình giảm giá sâu, hạn chế tình trạng tăng giá hàng hóa theo lương tăng…

Trước tình trạng giá các mặt hàng thiết yếu có xu hướng tăng, bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công Thương - cho biết, bộ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương theo dõi sát diễn biến thị trường để đề xuất lên Chính phủ các biện pháp nhằm bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa thiết yếu khi thị trường xảy ra biến động bất thường.
Đồng thời, có những giải pháp dự trữ hàng hoá thiếu yếu, phòng ngừa các tình huống bất thường, cực đoan của thị trường.

Phối hợp với các bộ, ngành trong việc tham mưu điều hành giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý giá, trong đó có mặt hàng xăng dầu nhằm bảo đảm cung ứng xăng dầu trên thị trường, góp phần kiểm soát lạm phát chung theo mục tiêu của Chính phủ.

Giải pháp bình ổn giá của TPHCM rất thực chất

Trao đổi với Lao Động, ông Dương Đức Quang - Phó Tổng Giám đốc Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) - cho biết, các giải pháp bình ổn thị trường với các mặt hàng thiết yếu của TPHCM rất thực chất và kịp thời. Bởi việc theo dõi sát diễn biến của thị trường về cung cầu, diễn biến giá cả là yếu tố tiên quyết để đưa ra những chính sách điều tiết hợp lý. TPHCM là thành phố có lượng tiêu thụ lớn nhất cả nước nên việc bình ổn giá gạo tại đây cũng sẽ giúp phần bình ổn giá trên cả nước.

Theo ông Quang, ngoài gạo thì thịt heo cũng là mặt hàng thiết yếu có sức tiêu thụ lớn và có ảnh hưởng đến bữa ăn của mọi gia đình vì vậy việc bình ổn giá thịt heo cũng là nhiệm vụ quan trọng. Trung bình mỗi ngày, người dân thành phố tiêu thụ khoảng gần 10.000 con heo; với quy mô thị trường lên tới trên 500 triệu USD mỗi năm.

Do đó, việc thành lập sàn thịt heo tại TPHCM mang lại nhiều lợi ích và là một trong những giải pháp để bình ổn và đảm bảo chất lượng khi tạo điều kiện để tiêu chuẩn hóa các khâu trong chuỗi cung ứng đồng thời giúp thống kê nhanh chóng, chính xác và đầy đủ để các cơ quan quản lý đưa ra các chính sách điều tiết thị trường kịp thời, phù hợp góp phần bình ổn giá.

Theo ông Dương Đức Quang, giá xăng dầu trong nước tăng, thường sẽ kéo theo chi phí đầu vào của các nhóm mặt hàng khác tăng theo, tuy nhiên mức độ tăng giá còn phụ thuộc vào nhu cầu tiêu thụ của thị trường. Trước tình hình sức mua của nền kinh tế đang chững lại như hiện nay thì động lực tăng giá của các mặt hàng thiết yếu theo giá xăng dầu sẽ không nhiều.

Để bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu thì cần các giải pháp cải tiến, nâng cao hiệu quả sản xuất để giảm chi phí sản phẩm; cải thiện các kênh phân phối để giảm chi phí trung gian; nắm bắt sát sao, đưa ra các chính sách điều tiết thị trường hợp lý để tránh tình trạng khan hiếm tăng giá cục bộ. Ngoài ra, đối với các mặt hàng có tỉ trọng nhập khẩu, xuất khẩu lớn, biến động của giá thế giới thường kéo theo tác động gián tiếp lên giá các mặt hàng trong chuỗi sản xuất cung ứng.

“Vì thế, công tác phân tích, dự báo diễn biến giá sẽ đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Khi có được những kịch bản về giá cho 6 tháng - 1 năm, các doanh nghiệp sẽ chủ động hơn trong hoạt động sản xuất, thương mại hàng hóa và tránh nhiều rủi ro khi thị trường có những biến động khó lường” - ông nói.

Cần phát huy các đợt kích cầu

Theo chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, để kiểm soát, điều hành giá mặt hàng thiết yếu trên thị trường, cần phải phát huy các đợt kích cầu đã, đang và sẽ diễn ra từ nay trở đi, nhất là việc giảm thuế VAT. Đồng thời, cần tạo thêm sức mua xã hội một cách bền vững. Chính điều này sẽ tạo ra những đóng góp tích cực vào việc thực hiện kế hoạch lưu chuyển hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng xã hội năm 2024 làm tiền đề cho sự phát triển sản xuất thương mại dịch vụ những năm tiếp theo.

“Sự phối hợp nhịp nhàng giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ trong việc quản lý thị trường tài chính tiền tệ; sự vào cuộc nhanh chóng, kịp thời, đồng bộ và quyết liệt của các cơ quan quản lý giá cả và cơ quan quản lý thị trường, tránh các đợt tăng giá sốc vào một số thời điểm nhạy cảm” - ông Phú nói. N.Lê - C.Ngô

Tin liên quan