Thứ sáu, 22/11/2024 - 15:01

Tín hiệu vui từ thị trường lao động Thủ đô trong những ngày đầu năm mới

Ngay sau Tết Nguyên đán, gần 98% số lao động đã quay trở lại làm việc tại các doanh nghiệp, cùng với đó, nhu cầu tuyển dụng lao động sau Tết trên địa bàn Hà Nội cũng có xu hướng tăng lên. Đây là tín hiệu vui từ thị trường lao động trong những ngày đầu năm mới.

Như mọi năm, sau Tết Nguyên đán, thị trường lao động thường có sự biến động do một số người lao động chuyển đổi công việc hoặc về quê nghỉ Tết, sau đó không trở lại Hà Nội làm việc. Thế nhưng, năm  nay, sau Tết, gần 98% số lao động đã quay trở lại làm việc tại các doanh nghiệp.

Theo Liên đoàn Lao động TP. Hà Nội, đến thời điểm này, tình hình công nhân lao động trên địa bàn Hà Nội tương đối ổn định. Tính đến trưa 30/1, đã có 161.658, công nhân, người lao động quay trở lại làm việc, chiếm 98% tổng số lao động đang làm việc trong các khu công nghiệp và chế xuất. Nhờ đó, hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp đã bình thường trở lại.

Có thể nói, đây là một trong những tín hiệu vui của thị trường lao động Thủ đô trong những ngày đầu năm mới. 

 

Tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, ông Vũ Quang Thành - Phó Giám đốc Trung tâm cho biết, ngay sau Tết, số lượng người đến tuyển dụng, tìm kiếm việc làm tăng cao so với mọi năm. Đơn vị này đã tập trung triển khai nhiều phiên giao dịch việc làm đầu Xuân để hỗ trợ cho người lao động, đồng thời, giúp các doanh nghiệp bổ sung nguồn lao động cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Số liệu tổng hợp từ Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho thấy, hiện, một số nhóm ngành có nhu cầu tuyển dụng lớn như: Vận tải – logistics; Dịch vụ nhà hàng khách sạn, du lịch; Hoạt động kinh doanh bất động sản; Hoạt động dịch vụ tài chính, ngân hàng; Công nghệ - thông tin… với tổng nhu cầu tuyển dụng từ 100.000 – 120.000 vị trí việc làm.

tin hieu vui tu thi truong lao dong thu do trong nhung ngay dau nam moi hinh anh 1

Số lượng người lao động đến tìm kiếm việc làm tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tăng cao sau Tết Nguyên đán.

Theo ông Thành, ngay từ thời điểm cuối năm 2022, đã có rất nhiều doanh nghiệp phải cho người lao động nghỉ việc, giãn việc, làm giãn ca. Ngoài những doanh nghiệp bị ảnh hưởng thì cũng còn rất nhiều doanh nghiệp đang có nhu cầu tuyển dụng thêm lao động. Ngay từ mùng 6 Tết, Trung tâm dịch vụ việc làm thành phố Hà Nội đã tiếp nhận hàng trăm doanh nghiệp đến đăng ký tuyển dụng với số lượng lớn.

“Thông qua các hoạt động nghiệp vụ của trung tâm, chúng tôi tập trung tư vấn hỗ trợ cho đối tượng là người lao động đi tìm kiếm việc làm; tư vấn cho người lao động và trực tiếp kết nối với các doanh nghiệp đang có nhu cầu tuyển tại trung tâm, giúp  họ tìm kiếm được việc làm, gắn bó lâu dài với các doanh nghiệp đang có nhu cầu tuyển dụng”, ông Vũ Quang Thành nói.

Ông Thành cho biết thêm, thời điểm từ cuối năm 2022 đến nay, Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội nắm bắt được tình hình biến động lao động tại các doanh nghiệp và đã đưa ra nhiều giải pháp để hỗ trợ người lao động. Nếu doanh nghiệp bị ảnh hưởng do bối cảnh quốc tế, đặc biệt là những người đã nghỉ việc, giãn ca thì Trung tâm sẽ tiếp cận những đối tượng lao động này, tư vấn trực tiếp để họ nhanh chóng quay trở lại thị trường lao động. Nếu người lao động bị nghỉ việc thì Trung tâm sẽ hướng họ đến các vị trí việc làm mới, giúp họ tiếp cận được với các doanh nghiệp đang có nhu cầu tuyển dụng qua trung tâm. Còn với những đối tượng là lao động nghỉ việc, giãn việc, nếu có nhu cầu làm việc part-time thì Trung tâm sẽ kết nối họ với các đơn vị tuyển dụng lao động part-time để họ có thêm thu nhập, đảm bảo cuộc sống.

tin hieu vui tu thi truong lao dong thu do trong nhung ngay dau nam moi hinh anh 2

Ông Vũ Quang Thành - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội

Trong tháng 1 vừa qua, đơn vị này đã tổ chức 20 phiên giao dịch việc làm, với 498 đơn vị, doanh nghiệp tham gia; tổng số nhu cầu tuyển dụng là 10.021 người; tổng số lao động được phỏng vấn là 4.038 lao động; số lao động được tuyển dụng tại phiên là 1.053 lao động. 

Đặc biệt, ngày 9/2, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội sẽ phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm các tỉnh: Bắc Giang, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Hưng Yên, Bắc Kạn, Lạng Sơn tổ chức Phiên giao dịch việc làm trực tuyến kết nối 7 tỉnh, thành phố. Phiên giao dịch việc làm này có sự tham gia của 60 - 80 doanh nghiệp, đa dạng các ngành nghề trên địa bàn Hà Nội và 7 tỉnh trên cả nước, tạo điều kiện cho người lao động đặc biệt là lao động thất nghiệp tiếp cận được thông tin về học nghề, việc làm cũng như cơ hội tuyển dụng phù hợp với khả năng của bản thân.

Đến hết quý 1/2023, Trung tâm dự kiến tổ chức 35 phiên giao dịch việc làm, trong đó có 33 phiên giao dịch việc làm hàng ngày và 2 phiên giao dịch việc làm online kết nối các tỉnh, thành phố. Cùng với đó, tổ chức thêm 1 phiên giao dịch việc làm chuyên đề và 1 phiên giao dịch việc làm lưu động tại các quận, huyện.

Ông Nguyễn Minh Phong - nguyên Trưởng Phòng nghiên cứu kinh tế, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội cho rằng, để bảo đảm thị trường lao động, việc làm luôn ổn định và phát triển bền vững, các cơ quan quản lý cần cung cấp thông tin thị trường lao động tại các phiên giao dịch việc làm, đồng thời, giúp các đơn vị, doanh nghiệp tuyển dụng được lao động. Cùng với đó, cần nhiều giải pháp đồng bộ, vừa hỗ trợ trong ngắn hạn giúp người lao động vượt khó, ở lại thị trường hoặc sớm trở lại thị trường, vừa hỗ trợ trong dài hạn nhằm tăng cường khả năng thích nghi, khả năng chống chịu cho người lao động trước khủng hoảng, biến động của thị trường.

Mặt khác, cần hỗ trợ bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ về lao động, hỗ trợ phát triển thị trường lao động, giải quyết việc làm thông qua các nhóm giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kết hợp đẩy mạnh nghiên cứu, dự báo thị trường lao động nhằm tìm ra chính sách phù hợp bảo đảm việc làm cho người lao động./.

Lượt xem: 4
Tác giả: Chung Thủy/VOV.VN
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật