Thứ sáu, 20/09/2024 - 08:34

Năm 2024, Khánh Hoà phấn đấu xuất khẩu đạt 2 tỷ USD

Dù dự báo đối diện nhiều khó khăn, thách thức mới, nhưng Khánh Hoà quyết tâm đưa kim ngạch xuất khẩu năm 2024 đạt 2 tỷ USD, tăng 7% so với kế hoạch đề ra.

Chiều 14/3, UBND tỉnh Khánh Hoà tổ chức Hội nghị Triển khai các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu hàng hoá tỉnh năm 2024, do Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Hữu Hoàng chủ trì.

Dự hội nghị lãnh đạo Sở Công Thương, đại diện các sở, ban, ngành, doanh nghiệp có liên quan.

Khánh Hoà phấn đấu xuất khẩu 2 tỷ USD hàng hoá trong năm 2024
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Đức Thảo

Thu về 1,75 tỷ USD nhờ xuất khẩu trong năm 2023

Báo cáo tại hội nghị cho biết, năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hoá toàn tỉnh Khánh Hoà ước đạt hơn 1,75 tỷ USD, tăng 5,94% so với năm 2022, đạt 100% kế hoạch đề ra trong năm 2023.

Trong đó, khu vực kinh tế tư nhân chiếm tỉ trọng lớn nhất, khoảng 59%, ước đạt 1,032 tỷ USD. Theo sau là khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, khoảng 37,4%, ước đạt 654,64 triệu USD; kinh tế nhà nước (ước đạt 60,7 triệu USD) và kinh tế tập thể (ước đạt 1,94 triệu USD).

Về các nhóm mặt hàng xuất khẩu, thuỷ sản là mặt hàng xuất khẩu lớn nhất, trị giá 729,03 triệu USD (với 101.750 tấn các loại), tuy nhiên giảm 1,75% về giá trị. Cùng giảm còn có mặt hàng dệt may, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 77,32 triệu USD, giảm 20,18%. Ngoài ra, những mặt hàng như cà phê, sản phẩm thuốc lá, tàu biển,… đều tăng về giá trị.

Khánh Hoà phấn đấu xuất khẩu 2 tỷ USD hàng hoá trong năm 2024
Thuỷ sản là mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Khánh Hoà. Ảnh: Đức Thảo

Về công tác triển khai các Hiệp định thương mại tự do (FTA), trong năm 2023, Phòng Quản lý Xuất nhập khẩu khu vực Khánh Hòa đã cấp 3.983 Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa ưu đãi (C/O) giảm 6,84% so với cùng kỳ năm trước, cấp chủ yếu sang thị trường các nước Liên minh châu Âu (30,59 %), thị trường Hàn Quốc (23,37%), thị trường Trung Quốc (8,46%); thị trường Nhật Bản (10,02%); thị trường các nước Asean (13,86%).... chủ yếu chủ yếu mặt hàng thủy sản (73,25%), thủ công mỹ nghệ (7,0%), sản phẩm gạo (5,78%), dệt may (4,50%),…

Tạo đà để xuất khẩu bứt phá

Theo Phó Giám đốc Sở Công Thương Huỳnh Tấn Hải, năm 2024, tỉnh Khánh Hoà phấn đấu kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 2 tỷ USD, tăng hơn so với kế hoạch 7% (1,87 tỷ USD).

Tuy nhiên, năm nay hoạt động xuất khẩu dự báo vẫn đối diện với nhiều rủi ro, khó đoán. Như xu hướng bảo hộ thương mại xuất hiện nhiều hơn; tiêu dùng bền vững ngày càng được quan tâm; xu hướng dịch chuyển nguồn cung ngày càng rõ rệt;...

Trao đổi tại hội nghị, nhiều doanh nghiệp đã kiến nghị nhiều vấn đề, trong đó có khó khăn về cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa ưu đãi (C/O); chi phí logistics; thị trường xuất khẩu; thiếu nguồn cung, nguyên vật liệu; về các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp từ nhà nước; các nguồn vốn vay; nguồn lao động;…

Khánh Hoà phấn đấu xuất khẩu 2 tỷ USD hàng hoá trong năm 2024
Ông Lê Hữu Hoàng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Khánh Hoà. Ảnh: Đức Thảo

Phát biểu chỉ đạo, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Khánh Hoà Lê Hữu Hoàng đánh giá cao ý kiến, kiến nghị của các sở, ngành, doanh nghiệp về các khó khăn, vướng mắc tồn động, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất khẩu.

Đồng thời giao các đơn vị tổng hợp các khó khăn, vướng mắc; các đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp, kịp thời tham mưu UBND tỉnh có các giải pháp, tháo gỡ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong trong hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh.

Ông Lê Hữu Hoàng cho hay, dù kim ngạch xuất khẩu của tỉnh thời gian qua tăng trưởng dương, tuy nhiên vẫn còn một số ngành hàng tăng trưởng chậm, chưa đạt như kỳ vọng.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Khánh Hoà đề nghị, Sở Công Thương phải thường xuyên tổ chức các cuộc đối thoại giữa cơ quan nhà nước với các doanh nghiệp, hội doanh nghiệp để kịp thời nắm bắt, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp trên địa bàn.

Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương tăng cường công tác dự báo, cảnh báo sớm cho các doanh nghiệp những mặt hàng có thể gặp rủi ro do điều tra phòng vệ thương mại.

Ông Lê Hữu Hoàng cũng chia sẻ, các doanh nghiệp cần tích cực tham gia các hội nghị tập huấn, phổ biến các FTA mà Việt Nam là thành viên, đặc biệt các FTA thế hệ mới. Cùng với đó, nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất; tăng cường chuyển đổi số, thương mại điện tử. Đặc biệt, sử dụng nguyên vật liệu có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đúng quy định; đa dạng hoá thị trường xuất khẩu nhằm mục tiêu bền vững.

 
Lượt xem: 12
Tác giả: Đức Thảo
Tin liên quan