Lãi suất huy động được dự báo sẽ tăng trở lại trong năm 2024
Theo các công ty chứng khoán, lãi suất tiền gửi hiện nay đã gần đáy và sẽ tăng trở lại trong năm 2024. Tuy nhiên, Chứng khoán MB cho rằng mức tăng của lãi suất huy động sẽ tương đối khiêm tốn.
Trong báo cáo cập nhật ngành ngân hàng, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết lãi suất huy động hiện nay đã rất thấp, và có thể sẽ tăng dần lên trong năm 2024.
Theo các chuyên viên phân tích, lãi suất thấp hiện nay phần nhiều do nhu cầu vốn của nền kinh tế còn yếu, khiến các ngân hàng không có nhiều áp lực trong huy động. Kết quả là các ngân hàng tránh được tình trạng cạnh tranh lãi suất tiền gửi, vốn thường thấy trong những giai đoạn nền kinh tế sôi động vào các năm trước.
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 13/12, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống so với đầu năm ở mức 9,87%, thấp hơn đáng kể so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh đó, VDSC cho rằng mức độ hỗ trợ của Thông tư 26 về việc cho phép tính tiền gửi của Kho bạc Nhà nước vào tỷ lệ dư nợ tín dụng trên vốn huy động (LDR) sẽ giảm dần từ năm 2024, ít nhiều khiến áp lực chi phí huy động tăng lan tỏa dần trong hệ thống.
Các nhà phân tích kỳ vọng lãi suất huy động có thể sẽ nhích dần trong năm 2024, dự theo tốc độ phục hồi cả hoạt động kinh tế.
Từ phía cho vay, VDSC cũng cho rằng nhu cầu tín dụng cũng sẽ cải thiện tương ứng theo đà phục hồi của nền kinh tế, là cơ sở để các ngân hàng thương mại duy trì mức chênh lệch hợp lý giữa lợi suất tài sản sinh lời và chi phí huy động.
Do đó, VDSC kỳ vọng vào triển vọng khả quan hơn của biên lãi thuần (NIM) khi lãi suất tiền gửi đã giảm từ tháng 3 về mức thấp hơn đại dịch. Ngoài ra, các khoản tiền gửi lãi suất cao trong quý IV/2022 sẽ đáo hạn, tạo tiền để giúp NIM cân bằng và hoàn tất quá trình tạo đáy.
Tuy nhiên, khả năng phục hồi của NIM cần xét đến nhiều yếu tố. Theo đó, khả năng cải thiện NIM sẽ phụ thuộc vào khả năng kiểm soát nợ xấu và cơ cấu kỳ hạn, lĩnh vực cho vay của từng ngân hàng. VDSC dự báo NIM ngành sẽ ổn định trong nửa đầu năm và có thể nhích nhẹ trong nửa cuối năm khi các khoản vay có lãi suất ưu đãi chuyển dần sang lãi suất thả nổi thực tế.
MBS đánh giá rằng lãi suất khó giảm sâu do tín dụng sẽ có xu hướng tăng thêm trong năm 2024. Trong bối cảnh xuất khẩu tăng trưởng tích cực hơn, dự báo ở mức 6 - 7%, đầu tư và tiều dùng đều khởi sắc trên nền thấp, các chuyên viên phân tích kỳ vọng nhu cầu sử dụng vốn sẽ quay trở lại cân bằng.
MBS cho rằng tăng trưởng tín dụng trong năm 2024 sẽ đạt khoảng 13 - 14%. Tuy nhiên, việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) kết thúc chu kỳ thắt chắt cũng sẽ là yếu tố hạn chế đà tăng của lãi suất huy động.