Thứ sáu, 22/11/2024 - 22:30

Tháng 1/2024, xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc tăng gần 3 lần

Kim ngạch xuất khẩu thủy sản tháng 1/2024 đạt gần 750 triệu USD, tăng 64% so với cùng kỳ năm 2023. Nếu so sánh với các tháng thông thường thì doanh số tháng 1/2024 vẫn cao hơn khoảng 24-25%. Đây là tín hiệu tích cực cho tháng mở đầu năm 2024.

Nhiều mặt hàng thuỷ sản tăng trưởng ấn tượng

Theo số liệu thống kê từ Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản (Vasep), bên cạnh kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ, các mặt hàng chủ lực đều có bứt phá đáng kể như: tôm tăng 71%, cá tra tăng 97%, cá ngừ tăng 57%, mực và bạch tuộc tăng 45%, các loại cá khác tăng 50%.

 Những mặt hàng thuỷ sản chủ lực đều tăng trưởng trong tháng 1. Ảnh: Vasep

Về thị trường, tăng đột phá nhất là Trung Quốc & Hồng Kông (Trung Quốc) khi tăng gấp hơn 3 lần, xuất khẩu sang Mỹ tăng 63%, sang Nhật Bản tăng 43%, sang EU tăng 34%...

Tháng 1, Trung Quốc đã trở thành thị trường nhập khẩu thủy sản lớn thứ 2 của Việt Nam, sau Nhật Bản. Riêng mặt hàng tôm và cá tra thì Trung Quốc là thị trường lớn nhất trong tháng này, khi kim ngạch xuất khẩu tăng gấp gần 4 lần so với tháng 1/2023. Tháng 1 năm nay cũng là thời điểm các nhà nhập khẩu Trung Quốc tăng mua hàng phục vụ cho Tết Nguyên đán.

Sản lượng tôm của Trung Quốc có thể giảm trong năm 2024

Theo Undercurrent News, ông Robins McIntosh, Giám đốc công ty Charoen Pokphand Foods của Thái Lan, chuyên gia trong ngành tôm, dự báo sản lượng tôm của Trung Quốc sẽ giảm trong năm 2024. 

Ông cho biết sản lượng tôm Trung Quốc có thể giảm từ 1,15 triệu tấn xuống 1,1 triệu tấn. Dự báo này được đưa ra tại Hội nghị Thị trường Thuỷ sản Toàn cầu (GSMC) diễn ra vào hồi tháng 1. Trong đó, sản lượng tôm của Trung Quốc bao gồm 1 triệu tấn tôm thẻ chân trắng và 150.000 tấn tôm sú. 

Tuy nhiên, nhìn vào bức tranh chung của thị trường và của ngành thủy sản năm 2024, đa số các doanh nghiệp đều nhìn thấy còn nhiều thách thức và khó khăn làm chậm khả năng phục hồi sản xuất, xuất khẩu.

Thông tin từ Vasep, một số doanh nghiệp tôm cho biết đơn hàng đầu năm vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện vì sức mua của thị trường vẫn yếu. Vẫn còn những vấn đề như: lượng tồn kho nhiều, giá mua thấp, khó cạnh tranh với tôm Ấn Độ, Ecuador…

Có một số doanh nghiệp nhìn thấy tín hiệu khả quan hơn về đơn hàng, nhưng lo lắng về nguồn nguyên liệu vì đang mùa nghịch, lại dịch bệnh nên sản lượng tôm thấp.

Lo ngại về nguy cơ bị áp thuế chống trợ cấp cũng là một rào cản đối với nhà nhập khẩu ở Mỹ và các công ty xuất khẩu Việt Nam. Giá chào bán tôm Việt Nam vẫn khá cao so với các nước khác, gây tâm lý e ngại cho những bên nhập khẩu.

Đối với ngành cá tra, sản xuất và thị trường đang có dấu hiệu khả quan hơn. Đơn hàng trong tháng 1 và tháng 2 bắt đầu khởi sắc, do vậy giá cá tra nguyên liệu đã thoát đáy, tăng từ 25-26.000 đồng/kg năm 2023 lên 28-29.000 đồng/kg đầu năm nay. Tuy nhiên, khách hàng nhập khẩu vẫn thận trọng với giá mua. Do vậy, các doanh nghiệp cá tra cũng hy vọng xuất khẩu năm nay tăng nhẹ so với năm 2023, có thể đạt được con số lạc quan là 2 tỷ USD, tăng hơn 10% so với 1,8 tỷ USD năm 2023.

Ngành hải sản cũng như thủy sản nói chung đang phải chịu tác động của nhiều biến số khó lượng như: xung đột ở Nga – Ukraine, căng thẳng Biển Đỏ, cước vận tải tăng vọt. Ngoài ra, riêng với hải sản khai thác như cá ngừ, mực, bạch tuộc và nhiều loài cá biển gần như bị đình trệ vì vấn đề thẻ vàng IUU cùng với những khó khăn về nguyên liệu thiếu hụt.

Nhu cầu thị trường và giá xuất khẩu được dự đoán sẽ nhích dần lên, hy vọng tôm Việt Nam không bị áp thuế chống trợ cấp, thẻ vàng IUU được tháo gỡ, trên cơ sở đó, các doanh nghiệp nhận định tình hình có thể sẽ khởi sắc trong nửa cuối năm và kết quả cả năm sẽ tăng trưởng nhẹ so với năm 2023, đạt khoảng 9,5 tỷ USD. 

Một vài giải pháp cho ngành tôm

Trao đổi với phóng viên DNVN trước thềm Tết Nguyên Đán 2024, ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT CTCP Thực phẩm Sao Ta cho biết: “Ấn Độ và Ecuador có thể phải mất 5-10 năm nữa mới đạt được trình độ chế biến tôm của Việt Nam bây giờ. Vậy câu hỏi đặt ra lúc này là bước phát triển tiếp theo của Việt Nam là gì để giữ khoảng cách về trình độ chế biến với họ? Câu trả lời là mức độ chế biến của Việt Nam sẽ sâu hơn, phức tạp hơn và giá thành hạ xuống".

"Hiện nay, nhu cầu người tiêu dùng cực kỳ đa dạng và xu thế hiện nay là sản phẩm “xanh”. Ngoài ra, các yêu cầu hiện ngày càng khắt khe ví dụ thực phẩm phải bên ngoài đẹp mẫu mã, bên trong ngon, bổ và càng rẻ thì càng tốt!

Do đó tốc độ đi lên của trình độ chế biến tôm Việt sẽ phụ thuộc sự phối hợp từ bộ phận Nghiên cứu và Phát triển (R&D) của các doanh nghiệp với chuyên gia ẩm thực từng thị trường mà hình thành từng bước", ông Lực nói.

Bên cạnh đó, xu hướng tiêu dùng trong tương lai là các sản phẩm tích hợp nhiều tiện ích, đơn giản trong chế biến nhưng vẫn giữ được chất dinh dưỡng và đảm bảo khẩu vị, do đó, các doanh nghiệp cũng cần lưu ý để cho ra thị trường sản phẩm phù hợp. 

"Và khi xu hướng “xanh” ngày càng được coi trọng nhất là sau COP26 và các cam kết của COP28 trong việc trung hòa carbon, việc duy trì diện tích tôm sinh thái như tôm - rừng, tôm - lúa, tôm quảng canh... (phát thải âm) sẽ là thế mạnh để nâng tầm tôm Việt trong tương lai", Chủ tịch Sao Ta dự báo. 

Lượt xem: 29
Nguồn:doanhnhanvn.vn Sao chép liên kết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật