Thị trường ô tô Việt Nam có thể khởi sắc ở tháng cuối năm
Cùng với mức giảm 50% lệ phí trước bạ, nhu cầu mua sắm thường tăng cao vào dịp cuối năm, thị trường ô tô Việt Nam có thể khởi sắc ở tháng cuối cùng áp dụng chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ.
Chính sách ưu đãi giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô lắp ráp, sản xuất trong nước được áp dụng tại Nghị định số 41/2023/NĐ-CP chỉ còn hiệu lực trong vòng hơn một tháng trước khi quay trở lại mức thu được quy định tại Nghị định số 10/2022/NĐ-CP từ ngày 1/1/2024.
Hiệp hội các Nhà sản xuất Ô tô Việt Nam (VAMA) cho rằng với những lợi ích mà chính sách ưu đãi giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ mang lại, kèm theo nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân thường tăng cao vào dịp cuối năm, thị trường ô tô sẽ khởi sắc trong tháng cuối cùng áp dụng chính sách ưu đãi giảm 50% lệ phí trước bạ.
Ngày 28/6/2023, Chính phủ ban hành Nghị định số 41/2023/NĐ-CP quy định mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô, rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô được sản xuất, lắp ráp trong nước.
Theo đó, kể từ ngày 1/7/2023 đến hết ngày 31/12/2023, mức thu lệ phí trước bạ bằng 50% mức thu quy định tại Nghị định số 10/2022/NĐ-CP ngày 15/1/2022 của Chính phủ quy định về lệ phí trước bạ.
Theo các chuyên gia, việc giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô lắp ráp, sản xuất trong nước sẽ đem lại nhiều lợi ích cho thị trường, kích thích người tiêu dùng mua sắm.
Chính sách này được kỳ vọng sẽ giúp giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất và lắp ráp ô tô trong nước do tác động tiêu cực của suy thoái kinh tế trong giai đoạn phục hồi sau đại dịch, từ đó góp phần làm tăng nguồn thu ngân sách cho Nhà nước.
Lúc chính sách ưu đãi bắt đầu được áp dụng, kỳ vọng này là có cơ sở khi nhìn vào những tác động tích cực của các “liều thuốc” giảm phí đã từng được áp dụng trước đó vào năm 2020, cuối năm 2021 và đầu năm 2022 đối với thị trường và sức mua của người tiêu dùng.
Tuy nhiên, việc áp dụng chính sách ưu đãi giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô lắp ráp, sản xuất trong nước lần này dù đã có tác động nhất định tới việc tăng sức mua, nhưng vẫn chưa mang lại khối lượng tiêu thụ và doanh số bán hàng như kỳ vọng.
Cụ thể, trong 4 tháng áp dụng chính sách giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ (tính từ tháng 7 đến hết tháng 10/2023), doanh số bán hàng của VAMA giảm 31% so với 4 tháng trước đó (4 tháng không áp dụng chính sách ưu đãi mức thu lệ phí trước bạ) và giảm 16% so với cùng kỳ 4 tháng năm ngoái (từ tháng 7 đến tháng 10/2022).
Báo cáo mới nhất về kết quả bán hàng của VAMA tháng 10 vừa qua cho thấy, sau khi tăng trưởng doanh số 13% ở tháng 9, bước sang 10/2023 dù các nhà sản xuất tiếp tục đua nhau giảm giá, khuyến mại để kích cầu, nhưng thị trường ô tô Việt Nam vẫn chững lại khi đã bước vào mùa mua sắm cao điểm trong năm.
Theo đó, doanh số bán hàng toàn thị trường ô tô của các đơn vị thành viên trong tháng 10/2023 đạt 25.369 xe, gần bằng doanh số của tháng trước (25.375 xe), nhưng giảm đến 31% so với tháng 10 năm ngoái.
Tính chung 10 tháng qua, tổng doanh số bán hàng toàn thị trường của các thành viên VAMA đạt 235.296 xe, giảm 29% so với cùng kỳ năm trước; trong đó xe du lịch giảm 32%, xe thương mại giảm 16% và xe chuyên dụng giảm 60%.
Theo các chuyên gia, việc doanh số bán ô tô tiếp tục sụt giảm mạnh kể cả khi đang áp dụng chính sách giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ cho thấy suy thoái kinh tế sau dịch bệnh vẫn còn tiếp diễn, cộng thêm các diễn biến bất ổn khó lường của kinh tế - chính trị - xã hội toàn cầu thời gian qua đã gây khó khăn cho cả doanh nghiệp lẫn người tiêu dùng.
Theo đó, hàng tồn kho của các hãng sẽ ảnh hưởng tới dòng tiền, đọng vốn, chi phí lãi suất ngân hàng tăng, cũng như ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất – vận hành của nhiều doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp…
Từ ngày 1/1/2024 trở đi, mức thu lệ phí trước bạ sẽ tiếp tục thực hiện theo quy định tại Nghị định số 10/2022/NĐ-CP ngày 15/1/2022 của Chính phủ quy định về lệ phí trước bạ và không còn ưu đãi giảm 50%.
Để tạo thêm sức bật cho thị trường trong những tháng cuối thực hiện Nghị định số 41/2023/NĐ-CP còn hiệu lực, các thành viên VAMA cho biết sẽ tiếp tục triển khai các chương trình để kích cầu người tiêu dùng như tặng thêm 50% lệ phí trước bạ còn lại cho khách hàng, giảm giá hấp dẫn thậm chí giảm giá sâu chưa từng có, bốc thăm trúng thưởng, hỗ trợ lãi suất vay, tặng bảo hiểm, tặng phụ kiện đi kèm…
Điển hình như chương trình ưu đãi giảm 100% mức thu lệ phí trước bạ cho khách hàng đặt mua xe vào ngày 11/11 của Ford Việt Nam đã có tác động tích cực cho việc gia tăng doanh số của hãng.
Honda Việt Nam giảm tiếp 50% số lệ phí còn lại bên cạnh mức hỗ trợ 50% lệ phí trước bạ từ Chính phủ cho khách hàng mua City, BR-V, HR-V, Civic và Accord cùng nhiều quà tặng khác.
Tương tự, Toyota Việt Nam cũng hỗ trợ lệ phí trước bạ 100% (bao gồm cả phần hỗ trợ lệ phí trước bạ từ Chính phủ).
Mercedes-Benz ngoài áp dụng chính sách ưu đãi 50% lệ phí trước bạ đối với các dòng xe C-Class, E-Class, GLC thế hệ mới X254 và mẫu xe hiệu năng cao Mercedes-AMG C43 4Matic, hãng còn triển khai chương trình “Tri ân khách hàng thân thiết” và chương trình tặng bộ sạc tại nhà Wallbox trị giá gần 50 triệu cho khách hàng mua xe thuần điện EQ...
Như vậy, nếu khách hàng quyết định mua hàng vào giai đoạn này của năm sẽ được tận hưởng những ưu đãi kép, ưu đãi nhiều lớp, nhiều tầng, thậm chí là các gói ưu đãi chưa từng có của các nhà sản xuất, lắp ráp và kinh doanh ô tô.
Cùng với đà giảm của lãi suất vay ngân hàng, nhu cầu mua sắm cuối năm tăng cao, các chương trình khuyến mại hấp dẫn và mức thu lệ phí trước bạ vẫn còn đang trong thời gian ưu đãi, tháng 11 và 12/2023 được coi là thời điểm phù hợp để khách hàng mua xe.
Theo đại diện VAMA, với những lợi ích mà việc giảm lệ phí trước bạ đối với ô tô lắp ráp, sản xuất trong nước mang lại, kèm theo nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân tăng cao vào dịp cuối năm, sẽ tạo động lực kích cầu mua sắm ô tô của người tiêu dùng, giúp các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh ô tô lấy lại đà tăng trưởng doanh số và thị trường ô tô nói chung sẽ khởi sắc trong những tháng cuối cùng áp dụng chính sách ưu đãi mức thu lệ phí trước bạ.