Thứ sáu, 22/11/2024 - 20:20

Triển khai 5 giải pháp làm lành mạnh môi trường kinh doanh hàng hoá

Nhằm góp phần bình ổn thị trường, từng bước làm lành mạnh môi trường kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; đóng góp vào hiệu quả quản lý nhà nước; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp và người tiêu dùng, tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024 do Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) tổ chức chiều 4/1, ông Trần Hữu Linh- Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường khẳng định: Năm 2024, Tổng cục Quản lý thị trường sẽ triển khai 5 nhiệm vụ trọng tâm.

Cụ thể, toàn lực lượng thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Bộ Công Thương về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; đặc biệt chú trọng ngành hàng, lĩnh vực thuộc định hướng kiểm tra năm 2024 của Bộ trưởng, kế hoạch chuyên đề của Ban chỉ đạo 389 Quốc gia…và thực hiện nghiêm hoạt động kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo chức năng, nhiệm vụ.

Bên cạnh đó, lực lượng sẽ phối hợp với các đơn vị của Văn phòng Chính phủ để hoàn thiện dự thảo Quyết định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Quản lý thị trường đã trình Thủ tướng Chính phủ trong năm 2023 nhằm mục tiêu xây dựng tổ chức bộ máy hoạt động hiệu quả, phù hợp tầm nhìn phát triển của lực lượng.

Cùng đó, tổng hợp đánh giá hành vi vi phạm trên thực tiễn và căn cứ trên cơ sở quy định của Nghị định số 80/2023/ND-CP về kinh doanh xăng dầu; rà soát, tham mưu Bộ phương án xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 99/2020/NĐ-CP đối với quy định xử phạt vi phạm hành chính trong kinh doanh xăng dầu.

Đồng thời, tổng hợp rà soát các nội dung trong thực tiễn thi hành Nghị định số 98/2020/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và Nghị định số 17/2022/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa chất và vật liệu nổ công nghiệp; điện lực, an toàn đập thủy điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và vảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; hoạt động dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí. 

Qua đó, đánh giá, nghiên cứu đề xuất tham mưu Bộ xây dựng trình Chính phủ xem xét sửa đổi bổ sung các quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ người tiêu dùng. Ngoài ra, lực lượng cũng triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ của Đề án 319 về chống hàng giả, bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025 góp phần nâng cao năng lực công vụ của công chức Quản lý thị tường và góp phần tạo điều kiện thúc đẩy hoạt động thương mại điện tử.

Theo ông Trần Hữu Linh, về quản lý hoạt động công vụ và công chức quản lý thị trường, tiếp tục siết chặt kỷ luật công vụ; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác quản lý đơn vị; phối hợp chặt chẽ với cơ quan, lực lượng chức năng, cơ quan thông tin truyền thông tại trung ương và địa phương để hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao.

Đặc biệt, Tổng cục Quản lý thị trường sẽ kiến nghị Bộ Công Thương xem xét, nghiên cứu xây dựng quy định về truy xuất nguồn gốc, thu hồi và xử lý thực phẩm không bảo đảm an toàn. Thuốc lá thế hệ mới là mặt hàng có nguy cơ gây hại đến người sử dụng và có dấu hiệu vi phạm tăng cao. Hơn nữa, loại hàng hóa này cũng được Tổ chức y tế thế giới (WHO) khuyến nghị Việt Nam ban hành quy phạm cấm thuốc lá điện tử và sản phẩm thuốc lá nung nóng và đi kèm là biện pháp thực thi mạnh mẽ. Do đó, Tổng cục quản lý thị trường kiến nghị Bộ Công Thương xem xét, phối hợp với bộ, ngành liên quan sớm nghiên cứu ban hành quy định quản lý và chế tài xử phạt vi phạm.

Ông Trần Hữu Linh cho biết: Việc phối hợp ngang - dọc đem lại hiệu quả rõ nét. Năm 2023, quản lý thị trường tiếp tục ghi nhiều dấu ấn khi toàn lực lượng đã thanh tra, kiểm tra 71.928 vụ; xử lý 52.351 vụ vi phạm; chuyển cơ quan điều tra 174 vụ có dấu hiệu tội phạm. Kết quả này đã đóng góp vào hiệu quả quản lý nhà nước của ngành công thương trong thực hiện các giải pháp quản lý, điều hành chặt chẽ việc điều chỉnh cung cầu những hàng hóa, từng bước làm lành mạnh môi trường kinh doanh; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp và người tiêu dùng. 

Tuy nhiên, theo ông Trần Hữu Linh, kết quả này không chỉ có sự phối hợp theo ngành dọc mà còn có sự đóng góp quan trọng của phối hợp "ngang" - giữa các lực lượng chức năng như Công an, Hải quan, Biên phòng và các cơ quan thanh tra chuyên ngành trong việc xây dựng cơ chế chính sách và kiểm tra, xử lý vi phạm. 

Ông Đặng Văn Dũng - Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 đánh giá cao lực lượng Quản lý thị trường và các đơn vị thành viên thuộc Ban Chỉ đạo 389 Bộ Công Thương làm việc rất trách nhiệm, cố gắng và có nhiều kết quả đáng ghi nhận. Đặc biệt, trong năm qua, theo ông Dũng, sự phối hợp, hợp tác giữa Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia và Ban Chỉ đạo 389 Bộ Công Thương rất chặt chẽ, hiệu quả. 

"Dấu ấn của quản lý thị trường trong năm 2023 đó là việc phối hợp, trình Chính phủ ban hành Đề án 319 về chống hàng giả trên thương mại điện tử đến năm 2025. Sự ra đời của Đề án là vô cùng cần thiết, cấp bách trong bối cảnh thương mại điện tử bùng nổ, bên cạnh những mặt tích cực, thương mại điện tử cũng đã, đang đặt ra những thách thức cho các lực lượng chức năng trong công tác đấu tranh phòng, chống hàng giả",  ông Dũng đánh giá. 

Trong năm 2023 lực lượng đã xử lý trên 52.000 vụ việc vi phạm, con số này một lần nữa khẳng định vị trí, vai trò là lực lượng chủ công trong đấu tranh , phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Đề xuất các giải pháp để nâng cao hiệu quả phòng, chống hàng giả trên môi trường mạng, bà Lê Hoàng Oanh - Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) đề xuất, lực lượng quản lý thị trường cả nước tăng cường phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số trong việc rà soát, phát hiện xử lý vi phạm về hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Cùng đó, đề nghị hai bên đẩy mạnh hơn nữa phối hợp đào tạo, tập huấn và nâng cao năng lực thực thi pháp luật về thương mại điện tử cho công chức quản lý thị trường. Cục trưởng Lê Hoàng Oanh đặc biệt kiến nghị Tổng cục tiếp tục ứng dụng công nghệ số trong quản lý nghiên cứu và xây dựng giải pháp tổng thể để bảo vệ người tiêu dùng trên thương mại điện tử; trong đó, chú trọng việc phối hợp xây dựng hệ cơ sở dữ liệu tập trung, chia sẻ thông tin giữa các bộ, ngành trong phát hiện sớm, đấu tranh, ngăn chặn hàng giả trên thương mại điện tử.

Ấn tượng với kết quả của lực lượng quản lý thị trường trong năm 2023, ông Nguyễn Minh Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu - Tổng cục Hải quan chia sẻ: Việc phối hợp giữa lực lượng quản lý thị trường và hải quan trong hoạt động kiểm tra, kiểm soát trên thương mại điện tử chỉ khoảng 5%, còn khá khiêm tốn so với thực trạng hiện nay. Do vậy, ông Nguyễn Minh Tuấn kiến nghị hai lực lượng sẽ đẩy mạnh phối hợp hơn nữa trong điều tra, truy vết, phát hiện và xử lý vụ việc vi phạm, nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. 

Trong khi đó, Thiếu tướng Đỗ Ngọc Cảnh - Cục trưởng Cục Phòng chống ma túy và Tội phạm, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Bộ Quốc phòng cho biết, những năm gần đây hoạt động vận chuyển, buôn bán hàng giả qua biên giới đã giảm. Các đối tượng vi phạm lợi dụng những kẽ hở trong chính sách thông quan hàng hóa để cất giấu, ngụy trang đưa hàng vi phạm vào sâu trong nội địa. Hàng hóa vi phạm chủ yếu là hàng tiêu dùng, thực phẩm, pháo nổ... 

Mới đây, có vụ việc buôn lậu vàng qua cửa khẩu tại Quảng Trị. Trên biển, các hành vi vi phạm chủ yếu là gian lận xăng dầu qua nghề cá. Doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu lợi dụng buôn bán hàng hóa, giấy tờ vận chuyển để buôn lậu xăng dầu...

"Thương mại điện tử bùng nổ, phát sinh thêm nhiều hành vi, thủ đoạn vi phạm mới, do vậy, cần phải có sự phối hợp tốt hơn, chắc chắn hơn giữa các lực lượng chức năng hiệu quả của chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả sẽ cao hơn rất nhiều", Thiếu tướng Đỗ Ngọc Cảnh đề xuất và cho rằng, không chỉ tăng cường phối hợp ở cấp Trung ương mà sự phối hợp giữa lực lượng chức năng ở cấp địa phương cũng cần được chú trọng./.

Lượt xem: 19
Nguồn:doanhnhanvn.vn Sao chép liên kết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật