Thứ sáu, 22/11/2024 - 22:49

Đà Nẵng kỳ vọng sản phẩm OCOP 4 sao “xuất ngoại”

Ăn miếng bánh khô mè giòn rụm kèm theo bát nước chè xanh đã trở thành thú vui không thể thiếu của nhiều người dân Quảng Nam - Đà Nẵng.

Anh Huỳnh Đức Sol - chủ cơ sở bánh khô mè Bà Liễu Mẹ luôn tâm niệm phải phát triển nghề truyền thống của gia đình, phát triển thương hiệu bánh khô mè Cẩm Lệ (Ảnh Đ.Minh)
Anh Huỳnh Đức Sol - chủ cơ sở bánh khô mè Bà Liễu Mẹ luôn tâm niệm phải phát triển nghề truyền thống của gia đình, phát triển thương hiệu bánh khô mè Cẩm Lệ (Ảnh Đ.Minh)

Thương hiệu bánh khô mè Bà Liễu Mẹ (quận Cẩm Lệ) không chỉ nức tiếng ở Đà Nẵng, Quảng Nam mà có mặt ở rất nhiều địa phương trên cả nước và còn theo tay du khách làm món quà quê sang xứ người.

Bánh “bảy lửa” gia truyền

Anh Huỳnh Đức Sol - truyền nhân của bánh khô mè Bà Liễu Mẹ tự hào nói: "Gia đình tôi có truyền thống làm bánh khô mè khoảng 200 năm nhưng bắt đầu sản xuất thường xuyên và xây dựng thương hiệu được hơn 30 năm nay. Tôi là đời thứ 3 kế nghiệp. Chiếc bánh khô mè là món ăn dân dã của người xưa, nó không thể thiếu trong dịp Tết cổ truyền và theo chân du khách thập phương trở thành món quà quê ý nghĩa”.

Chủ xưởng bánh khô mè Bà Liễu Mẹ kể: "Trong gia đình tôi có ông cố tổ năm đó đi dự thi ở kinh thành Huế. Để chuẩn bị lương thực cho ông mang đi đường, vừa dễ mang, dễ ăn, bà cố tổ nghĩ ra món bánh khô mè này. Sau khi mời các quan viên và hàng xóm ăn thử ai cũng khen và từ đó món bánh khô mè ra đời.

Có vị đại quan, sau khi thưởng thức bánh khô mè đã hết lời khen ngợi rằng “Đây chính là loại bánh xưa nay hiếm, thật xứng tầm “đệ nhất danh bính”. Nhìn bánh tuy mộc mạc nhưng khi ăn vào thì lại “đánh thức” được cả ngũ quan của thực khách” đó chính là “thị giác, khứu giác, vị giác, cảm giác, thính giác”.

Khi bẻ đôi chiếc bánh, sẽ nhìn thấy đường tơ vàng óng ánh do đường kéo ra mà thành (Ảnh Đ.Minh)
Khi bẻ đôi chiếc bánh, sẽ nhìn thấy đường tơ vàng óng ánh do đường kéo ra mà thành (Ảnh Đ.Minh)

Theo đó, ngũ quan mắt nhìn nhiều màu: Trắng ngà của mè rang, vàng mơ của những tơ đường thắng; Mũi ngửi được nhiều mùi (mè rang, hương quế Trà My, mùi thơm dịu của gừng); miệng nếm vị ngọt của đường, bùi của bột nếp, béo của mè rang, cay thơm của gừng và quế; Nhai thấy mềm, cứng, xốp, giòn và tai nghe âm vỡ rào rạo của bánh.

Nói về ý nghĩa tên gọi bánh “bảy lửa”, ông Huỳnh Đức Khiển (SN 1963) cho hay, quá trình làm bánh phải qua 7 ngọn lửa nên được gọi là bánh bảy lửa. Trong bảy ngọn lửa đó không hoàn toàn là nướng mà còn có hấp, lửa nấu nước đường… Thời xưa vừa đói vừa nghèo, gia đình nào có gạo, có nếp là đem rang xay thành bột để trữ làm lương thực.

Nếu chỉ nhìn qua sẽ thấy món bánh khô mè Bà Liễu Mẹ không có gì quá đặc biệt nhưng khi tìm hiểu sẽ thấy rất nhiều sự thú vị xoay quanh món bánh này. Để tạo nên một chiếc bánh khô mè, người dân ở đây sử dụng các nguyên liệu gồm hỗn hợp gạo - nếp, mè, đường, gừng tươi và bột quế.

Đầu tiên, người làm trộn bột gạo với bột nếp cho hòa vào nhau, sau đó tẩm bột với nước để tạo độ ẩm rồi vào khuôn tạo hình, đem hấp cách thủy, cuối cùng là nướng trên than hoa cho giòn. Độ ngon của bánh chính là ở khâu nướng này, bánh phải được nướng qua 2 lần (đã có sự cải tiến trước đó), lần thứ nhất nướng trên than nóng, trong khoảng 10 phút, yêu cầu phải trở bánh liên tục để bánh chín đều.

Lần thứ hai, người thợ chỉ nướng trên than nóng vừa, từ 10-15 phút để bánh có độ giòn xốp nhất định; Tiếp đó, nhúng qua mô lớp đường mía non, sau đó lăn qua mè hoặc nếp rang. Bánh mà lăn qua nếp gọi là bánh khô nổ, bánh lăn qua mè gọi là bánh khô mè.

Đồng thời, một chiếc bánh khô mè hoàn hảo là khi ruột xốp giòn, thơm mùi mè và nếp, có vị ngọt của đường mía, vị thơm nồng của quế, gừng. Khi bẻ bánh ra, chúng ta sẽ thấy kéo sợi của đường non. Món bánh khô mè ngoài để ăn chơi còn thích hợp để đặt trên các mâm cúng gia tiên trong ngày giỗ, Tết và làm quà tặng.

Anh Huỳnh Đức Sol hy vọng sẽ thực hiện dự án làng truyền thống trải nghiệm nấu bánh khô mè, mang chiếc bánh khô mè đến gần hơn với giới trẻ và du khách thập phương (Ảnh Út Vũ)
Anh Huỳnh Đức Sol hy vọng sẽ thực hiện dự án làng truyền thống trải nghiệm nấu bánh khô mè, mang chiếc bánh khô mè đến gần hơn với giới trẻ và du khách thập phương (Ảnh Út Vũ)

Vừa khuấy đều nồi nước đường, anh Sol vừa nói: "Bánh khô mè chính thức được thương mại hóa vào năm 1998. Đến năm 2013, tôi mới gây dựng thương hiệu của gia đình. Ở vùng miền nào cũng có bánh truyền thống và ngày càng mai một đi. Không muốn nghề bánh gia truyền mất đi, tôi dành toàn bộ thời gian của mình cùng những gì mình học được tạo lập xưởng với cách làm hiện đại hơn".

Hiện công đoạn nướng, hấp bánh bằng than hoa, than củi được thay thế bằng lò điện để giảm ô nhiễm môi trường và không để khói bụi than dính lên sản phẩm mà chất lượng vẫn giữ nguyên; Chỉ cần chệch 30 giây hay 1 phút thôi thì sẽ ảnh hưởng đến chiếc bánh. Già đường khiến bánh bị cứng, còn non đường thì bánh không giòn, không giữ được độ thơm.

“Sản phẩm đã đăng ký bảo hộ thương hiệu năm 2013 tại Cục Sở hữu trí tuệ. Việc lập xưởng cũng giúp thương hiệu của chúng tôi được đi xa hơn. Thị trường bánh kẹo cạnh tranh về mẫu mã hàng truyền thống đã không bằng các loại khác nên chúng tôi cạnh tranh bằng chất lượng và vệ sinh”, anh Huỳnh Đức Sol, chủ cơ sở bánh khô mè Bà Liễu Mẹ, kể lại.

Bên cạnh thứ quà quê giản dị truyền thống bánh khô mè, còn có bánh khô nổ với sự giòn ngon của lớp nếp nở và vị ngọt dẻo thơm mùi gừng (Ảnh Đ.Minh)
Bên cạnh thứ quà quê giản dị truyền thống bánh khô mè, còn có bánh khô nổ với sự giòn ngon của lớp nếp nở và vị ngọt dẻo thơm mùi gừng (Ảnh Đ.Minh)

Kỳ vọng xuất khẩu sản phẩm OCOP 4 sao

Để hút khách, năm nay cơ sở bánh khô mè Bà Liễu Mẹ tạo ra sản phẩm mới là bánh khô mè từ gạo lứt, được nhiều người tiêu dùng đón nhận. Sắp tới, cơ sở sẽ cho ra nhiều sản phẩm có hương vị mới như sầu riêng, tinh than tre… Thương hiệu đã cải tiến khâu đóng hộp bánh 24 cái nhỏ tách rời và có thể bảo quản trong vòng năm tháng.

Được biết, với slogan “Cả tấm lòng gửi trao” thương hiệu bánh khô mè Bà Liễu Mẹ được sản xuất và chế biến trên tinh thần kế thừa tinh hoa ẩm thực, bằng phương pháp sản xuất truyền thống và luôn được cải tiến nhằm đáp ứng ngày càng cao nhu cầu thị hiếu người tiêu dùng.

Điều đặc biệt là bánh khô mè Bà Liễu Mẹ chỉ sử dụng các nguyên liệu chính từ sản phẩm nông nghiệp với chất lượng cao, được kiểm định an toàn thực phẩm, tuyệt đối không dùng chất phụ gia.

Bánh được nhúng nước đường nóng chảy, dẻo tựa mạch nha rồi lăn qua mè (Ảnh Út Vũ)
Bánh được nhúng nước đường nóng chảy, dẻo tựa mạch nha rồi lăn qua mè (Ảnh: Út Vũ)

Anh Sol chia sẻ, mặc dù chưa đưa được sản phẩm xuất khẩu theo đường chính ngạch nhưng bánh khô mè - sản phẩm OCOP 4 sao của cơ sở sản xuất bánh khô mè Bà Liễu Mẹ (phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) đã có đối tác quốc tế tìm hiểu, đàm phán để xuất khẩu.

“Tháng 10/2012, bánh khô mè Cẩm Lệ đã được tổ chức Kỷ lục Việt Nam công nhận và lọt vào Top 10 đặc sản bánh ngon, quà tặng nổi tiếng Việt Nam. Thời gian tới, đơn vị kỳ vọng sẽ nhận được sự hỗ trợ của ngành Công thương Đà Nẵng thông qua việc xúc tiến, kết nối, quảng bá sản phẩm ở thị trường quốc tế, tạo cơ hội để có thể sớm xuất khẩu”, anh Huỳnh Đức Sol nói.

Hiện nay, mỗi ngày cơ sở sản xuất từ 3.000 - 4.000 sản phẩm bánh khô mè các loại, tạo công ăn việc làm ổn định cho 20 lao động với mức lương dao động 5 - 6 triệu đồng/người/tháng.

Hiện nay, mỗi ngày cơ sở sản xuất từ 3.000 - 4.000 sản phẩm bánh khô mè các loại, tạo công ăn việc làm ổn định cho 20 lao động (Ảnh Út Vũ)
Hiện nay, mỗi ngày cơ sở sản xuất từ 3.000 - 4.000 sản phẩm bánh khô mè các loại, tạo công ăn việc làm ổn định cho 20 lao động (Ảnh: Út Vũ)

Vào các dịp cận Tết Nguyên đán, cơ sở bánh khô mè Bà Liễu Mẹ phải tăng cường khoảng 30 lao động thời vụ để đảm bảo số lượng đơn hàng tăng gấp đôi so với ngày thường.

Chiếc bánh khô mè Bà Liễu Mẹ không chỉ là món bánh cổ truyền được dâng lên bàn thờ ông bà ngày lễ Tết, mà đã trở thành đặc sản nổi tiếng được bày bán ở nhiều siêu thị, cửa hàng đặc sản trên cả nước.

Lượt xem: 9
Tác giả: Đoàn Minh - Út Vũ
Nguồn:tuoitrethudo.com.vn Sao chép liên kết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật