Việt Nam và Pháp thiết lập quan hệ ngoại giao ở cấp Đại sứ ngày 12/4/1973. Sau khi thống nhất đất nước, hai nước đã tăng cường quan hệ hợp tác trong nhiều lĩnh vực. Về hợp tác thương mại kinh tế, hiện nay, Pháp là đối tác thương mại châu Âu lớn thứ năm của Việt Nam (sau Đức, Hà Lan, Anh và Italia). Kim ngạch thương mại năm 2022 đạt 5,3 tỷ USD, tăng 10% so với 4,8 tỷ USD năm 2021, đạt 7,6 tỷ Euro vào năm 2023. Hai bên đang nỗ lực tận dụng các lợi thế để triển khai hiệu quả Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA).
Từ thị trường Pháp, ông Vũ Anh Sơn - Tham tán Thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Pháp đã có những trao đổi với phóng viên Báo Công Thương về tình hình hoạt động hợp tác kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp hai nước kể từ khi EVFTA có hiệu lực, cũng như kiến nghị, đề xuất, những giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng hợp tác thương mại Việt Nam - Pháp trong thời gian tới.
Là người có thực tiễn công tác lâu năm tại địa bàn Pháp, ông đánh giá như thế nào về tình hình khai thác thông tin và tận dụng những lợi thế từ thị trường Pháp của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam kể từ khi EVFTA có hiệu lực?
Nhận nhiệm vụ tại Pháp từ tháng 10/2020, chỉ hai tháng sau khi Hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực. Điều này cho tôi được trải nghiệm và chứng kiến trực tiếp những thay đổi rõ rệt trong cách các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận và khai thác thông tin thị trường Pháp.
Trong thời gian qua, có thể nói rằng các doanh nghiệp Việt Nam đã trở nên chủ động hơn trong phương thức tìm kiếm và tiếp cận thông tin thị trường. Nhiều doanh nghiệp đã mạnh dạn hơn trong việc tham gia trực tiếp vào các hoạt động tìm hiểu thị trường, chẳng hạn như cử đại diện đến Pháp để tham gia các hội chợ thương mại quốc tế và khảo sát thực tế. Bên cạnh đó, Thương vụ cũng ghi nhận sự chuyên nghiệp ngày càng cao trong việc chuẩn bị kế hoạch phát triển thị trường, từ khâu nghiên cứu thông tin cho đến lập chiến lược tiếp cận.
Những tiến bộ này, một phần không nhỏ là minh chứng rõ nét cho hiệu quả của các chương trình phổ biến thông tin, đào tạo doanh nghiệp, tư vấn thị trường và hỗ trợ kết nối đối tác mà Bộ Công Thương, thông qua Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ, Cục Xúc tiến thương mại và các cơ quan Thương vụ, đã triển khai một cách chủ động và hiệu quả trong những năm gần đây. Các doanh nghiệp là đối tượng hưởng thụ các chương trình này từ giai đoạn đầu, giai đoạn tìm hiểu, đã không còn cảm giác xa lạ và dè dặt với thị trường đích mà họ đang nhắm đến.
Thị trường Pháp, với nhiều nét đặc thù của một thị trường cữa ngõ và cộng đồng Việt kiều lớn, do vậy, Thương vụ đã đặc biệt chú trọng đẩy mạnh các hoạt động cung cấp thông tin, nâng cao nhận thức của doanh nghiệp để xây dựng thị trường Pháp là khởi điểm cho các doanh nghiệp Việt Nam mong muốn xây dựng thương hiệu tại thị trường châu Âu.
Tuy nhiên, do nguồn lực còn hạn chế, các chương trình hỗ trợ và nâng cao năng lực vẫn chưa thể phổ cập đến đông đảo cộng đồng doanh nghiệp xuất khẩu. Vì vậy, trong thời gian tới, Thương vụ Việt Nam tại Pháp xác định cần phải làm nhiều hơn nữa để giúp các doanh nghiệp khai thác hiệu quả và tối đa hóa những lợi thế mà EVFTA mang lại, đặc biệt tại thị trường Pháp - một trong những cửa ngõ quan trọng vào EU.
Pháp không chỉ là một thị trường có nhu cầu cao về chất lượng sản phẩm mà còn có các tiêu chuẩn khắt khe về môi trường và xã hội đối với hàng hóa nhập khẩu và lưu thông. Đây chính là thách thức lớn đối với doanh nghiệp, hàng hóa Việt Nam. Xin ông chia sẻ những khó khăn khi doanh nghiệp tiếp cận thị trường này? Thương vụ đã có những hoạt động hỗ trợ thông tin thị trường và tư vấn cho doanh nghiệp xây dựng thương hiệu như thế nào?
Khi xuất khẩu hàng hóa vào châu Âu, một trong những khó khăn lớn nhất mà doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt là các quy định khắt khe về chất lượng sản phẩm, đặc biệt trong các ngành hàng như nông sản, thực phẩm chế biến, và dệt may. Các tiêu chuẩn liên quan đến phát triển bền vững, bao gồm đóng gói thân thiện với môi trường và truy xuất nguồn gốc, ngày càng được nhấn mạnh. Về cơ bản, các điều kiện tiêu chuẩn khắt khe này áp dụng chung cho toàn châu Âu.
Với Pháp, đặc thù của thị trường là hàng hóa nhập khẩu vào Pháp chủ yếu phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng trong nước Pháp, tức là khi nhà nhập khẩu quyết định nhập một mặt hàng nào đó, họ đã phải tính luôn tới thị hiếu, nhu cầu tiêu dùng tại sở tại. Tức là đã “cá nhân hóa” khi đưa ra quyết định nhập khẩu.
Bên cạnh đó, là một thị trường đã được “định hình” từ lâu, ở đó không chỉ các nhà xuất khẩu, bản thân số lượng các nhà nhập khẩu cũng đã ổn định và hầu hết đã có những đối tác cung cấp tin cậy của mình. Điều này khiến cho việc cạnh tranh trên thị trường Pháp càng gay gắt.
Còn về phía ta, các doanh nghiệp Việt Nam, mặc dù có sản phẩm tốt, chúng ta vẫn còn gặp hạn chế về kỹ năng tiếp cận thị trường, khả năng nghiên cứu khách hàng, và thậm chí đôi khi thiếu sự chuẩn bị kỹ lưỡng trong hồ sơ xuất khẩu hay tài liệu quảng bá sản phẩm. Điều này đã ảnh hưởng đến việc xây dựng niềm tin với đối tác Pháp.
Trong bối cảnh nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn, Thương vụ Việt Nam tại Pháp đã nỗ lực, phối hợp, tổ chức các chương trình Tuần hàng Việt Nam tại Pháp. Trong ảnh là sự kiện: Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cùng đại diện Tập đoàn Carrefour và Công ty T&T FOODS cắt băng khai mạc Tuần hàng Việt Nam tại Pháp năm 2021 |
Trước những khó khăn này, Thương vụ Việt Nam tại Pháp đã và đang thực hiện nhiều hoạt động để hỗ trợ doanh nghiệp, như các hội chợ, triển lãm kết hợp các hoạt động kết nối giao thương, tìm kiếm cơ hội hợp tác...
Ngoài ra, đối với thị trường Pháp, Thương vụ Việt Nam tại Pháp đã có những nghiên cứu, báo cáo và làm việc các Cục, Vụ thuộc Bộ Công Thương và xác định rằng việc đưa hàng Việt Nam tiếp cận các chuỗi phân phối nước ngoài để có thể bán tại các nước sở tại, cho người tiêu dùng bản địa, dưới thương hiệu Việt Nam là một phương thức hiệu quả, bền vững đối với hoạt động xuất khẩu hàng hóa và có tầm quan trọng đặc biệt trong công tác xây dựng Thương hiệu quốc gia Việt Nam.
Vì vậy, trong thời gian qua một loạt các hoạt động cụ thể đã được triển khai theo định hướng này và chúng ta đã thành công bước đầu lần đầu tiên xây dựng một số thương hiệu hàng Việt Nam tại các siêu thị, đại siêu thị tại Pháp.
Dù vậy, phải thừa nhận rằng, khối lượng công việc này rất lớn so với nguồn lực hiện có của Thương vụ. Do đó, trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực phối hợp với các cơ quan liên quan để gia tăng hỗ trợ, không chỉ giúp doanh nghiệp tiếp cận thị trường Pháp hiệu quả hơn, mà còn từng bước xây dựng thương hiệu Việt Nam tại đây như một hình mẫu uy tín và chất lượng tại EU.
Ông có nhắc đến ưu tiên của thương vụ là hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng hơn nữa các ưu đãi của Hiệp định EVFTA và xây dựng thương hiệu tại thị trường này. Vậy xin ông cho biết thương vụ đã và đang triển khai những kế hoạch triển này như thế nào.
Pháp là một thị trường với những đặc thù rất phù hợp để phát triển hàng hóa Việt Nam. Trước hết, đây là quốc gia có dân số lớn thứ hai tại châu Âu, với gần 68 triệu người. Pháp không chỉ là một thị trường tiêu thụ nội địa lớn mà còn là trung tâm tái xuất quan trọng, nhờ vị trí địa lý thuận lợi và hệ thống logistics phát triển.
Ngoài ra, văn hóa tiêu dùng Pháp rất đa dạng và cởi mở, đặc biệt với các sản phẩm nhập khẩu chất lượng cao, tạo cơ hội lớn cho hàng hóa Việt Nam. Bên cạnh đó, Pháp sở hữu thị trường bán lẻ lớn thứ hai tại châu Âu, với tổng giá trị khoảng 470 tỷ euro, và là nơi xuất phát của 4 trong số 10 tập đoàn bán lẻ lớn nhất châu Âu.
Pháp cũng là quốc gia có cộng đồng người châu Á lâu đời và lớn nhất tại EU, trong đó cộng đồng Việt kiều tại Pháp là đông nhất châu Âu, với gần 400 nghìn người. Cộng đồng này không chỉ là kênh phân phối quan trọng mà còn là cầu nối văn hóa giúp hàng Việt dễ dàng tiếp cận người tiêu dùng sở tại.
Nhận thức rõ những đặc thù này, Thương vụ Việt Nam tại Pháp đã phối hợp chặt chẽ với Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ và các cơ quan liên quan để xây dựng và triển khai kế hoạch dài hạn nhằm tiếp cận các hệ thống phân phối bán lẻ tại thị trường Pháp. Thương vụ Việt Nam tại Pháp đang hướng tới mục tiêu không chỉ đưa hàng hóa Việt Nam vào hệ thống bán lẻ lớn, mà còn xây dựng thương hiệu quốc gia và khẳng định hình ảnh hàng hóa Việt Nam có chất lượng cao tại đây.
Hai bộ khung chính là Đề án Thương hiệu quốc gia Việt Nam (Vietnam Value) và Đề án Thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia mạng phân phối nước ngoài đã cung cấp định hướng chiến lược và nền tảng để Thương vụ triển khai chương trình hợp tác toàn diện với các hệ thống phân phối sở tại. Nhờ đó, Thương vụ Việt Nam tại Pháp đã thiết lập kênh trực tiếp đưa hàng Việt Nam vào các hệ thống phân phối bán lẻ lớn nhất tại Pháp và châu Âu.
Thông qua các đề án đã phá vỡ thế bị động trước đây, giúp doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận các nhà phân phối bán buôn thực phẩm châu Á lớn nhất tại Pháp, châu Âu, và mở rộng mạng lưới hợp tác với các nhà nhập khẩu bán sỉ tại chợ đầu mối lớn nhất Pháp - Rungis.
Ngoài ra, Thương vụ Việt Nam tại Pháp đã tổ chức thành công các hoạt động quảng bá như "Tuần hàng Việt Nam," đưa hàng trăm sản phẩm lên kệ các hệ thống siêu thị lớn và lần đầu tiên đưa gạo mang thương hiệu Việt Nam vào đại siêu thị châu Âu.
Với một kế hoạch tổng thể và nỗ lực không ngừng, Thương vụ Việt Nam tại Pháp đã tạo dựng nền tảng vững chắc không chỉ để thúc đẩy sự hiện diện của hàng hóa Việt Nam mà còn xây dựng hình ảnh một quốc gia có sản phẩm chất lượng và đáng tin cậy. Đây là bước tiến quan trọng để hàng hóa Việt Nam không chỉ hiện diện, mà còn tạo dấu ấn bền vững tại thị trường châu Âu đầy tiềm năng này.
Một trong những hoạt động nổi bật mà Thương vụ Việt Nam tại Pháp triển khai trong thời gian qua là tổ chức chương trình Tuần hàng Việt Nam tại Pháp thông qua các hệ thống siêu thị, đại siêu thị của nước này. Ảnh: Thương vụ Việt Nam tại thị trường Pháp |
Như vậy có thể thấy các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu tại Pháp đang được triển khai rất bài bản từ phía Bộ Công Thương, cụ thể ở đây là các thương vụ. Câu hỏi đặt ra là xây dựng thương hiểu không phải là sân chơi cho mọi doanh nghiệp xuất khẩu, để làm được điều này, các doanh nghiệp cần phải lưu ý những gì? Đâu là lời khuyên của ông cho các doanh nghiệp?
Đúng như vậy, xây dựng thương hiệu tại nước ngoài là một quá trình dài hạn và đòi hỏi nguồn lực đáng kể, không phải là sân chơi cho tất cả mọi doanh nghiệp xuất khẩu. Tuy nhiên, đối với những doanh nghiệp đã xác định mục tiêu phát triển bền vững tại các thị trường quốc tế, đặc biệt là Pháp - một thị trường đòi hỏi cao về chất lượng và uy tín - việc xây dựng thương hiệu là yếu tố không thể thiếu.
Vậy doanh nghiệp cần lưu ý những gì? Tôi xin chia sẻ một số điểm quan trọng:
Thứ nhất, xác định rõ thị trường mục tiêu và giá trị cốt lõi của thương hiệu. Doanh nghiệp cần nghiên cứu kỹ lưỡng thị hiếu và văn hóa tiêu dùng tại Pháp, xác định phân khúc khách hàng cụ thể, và đảm bảo sản phẩm của mình đáp ứng được những yêu cầu khắt khe nhất. Đây là một thị trường mà sự cá nhân hóa trong sản phẩm, tính thẩm mỹ có ảnh hưởng lớn đến quyết định mua sắm.
Thứ hai, đầu tư vào chất lượng sản phẩm và tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế. Người tiêu dùng Pháp rất coi trọng chất lượng và tính bền vững của sản phẩm. Do đó, các doanh nghiệp Việt Nam phải đảm bảo rằng sản phẩm của mình không chỉ đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật và an toàn thực phẩm, mà còn đáp ứng các yêu cầu về môi trường, trách nhiệm xã hội, và truy xuất nguồn gốc.
Thứ ba, doanh nghiệp cần tận dụng các chương trình hỗ trợ từ phía Bộ Công Thương và các Thương vụ. Chúng tôi không chỉ hỗ trợ thông tin thị trường, kết nối doanh nghiệp, mà còn tạo cơ hội cho các sản phẩm Việt Nam tham gia vào các sự kiện quảng bá thương hiệu tại Pháp.
Thứ tư, xây dựng chiến lược tiếp thị hiệu quả. Thương hiệu không thể xây dựng trong một sớm một chiều. Điểm quan trọng nhất trong khâu này là tìm được đối tác tại Pháp tin cậy và cùng nhau phối hợp, đồng hành đẩy mạnh truyền thông để xây dựng lòng tin với người tiêu dùng tại Pháp. Doanh nghiệp cần xác định đây là một quá trình dài hạn, đòi hỏi sự đầu tư không chỉ về tài chính mà cả về chiến lược và con người.
Để kết lại, lời khuyên của tôi là doanh nghiệp hãy xem việc xây dựng thương hiệu không chỉ là một mục tiêu kinh doanh, mà còn là một cam kết để mang đến những giá trị bền vững, phù hợp với yêu cầu của thị trường và kỳ vọng của người tiêu dùng Pháp. Với cách tiếp cận đúng đắn và sự hỗ trợ từ các cơ quan liên quan, tôi tin rằng doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể thành công trong việc xây dựng thương hiệu tại Pháp và châu Âu.
Xin cảm ơn ông!