Doanh nghiệp miền núi đẩy mạnh xuất khẩu nông sản
Với nhiều lợi thế về sản xuất nông - lâm sản, hiện nay các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Yên Bái không chỉ quan tâm, nâng cao chất lượng hàng hóa để đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn chú trọng hoạt động xuất khẩu để tăng giá trị sản phẩm, mang lại nguồn thu ngoại tệ cho tỉnh.
Từ năm 2018, Công ty dịch vụ kỹ thuật nông lâm thuỷ sản TNĐ ở thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái đã triển khai dự án trồng cây cỏ ngọt Stevia tại 14 xã, phường dưới hình thức liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp, bởi đồng đất ở cánh đồng Mường Lò có điều kiện về thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp; đồng thời phát triển thêm tại các tỉnh lân cận như Hà Giang, Lào Cai. Sản phẩm của công ty được xuất khẩu qua đối tác.
Bà Phạm Thị Đông, Giám đốc Công ty cho biết: Để đáp ứng được chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn xuất khẩu, đòi hỏi phải thực hiện đúng quy trình trồng hữu cơ. Công ty đã tổ chức cho các hộ tham quan vườn giống, tâp huấn quy trình trồng cây, đồng thời hỗ trợ 50% cây giống, 50% phân bón.
“Hiện nay Công ty xuất khẩu cỏ ngọt Stevia sang Hà Lan. Để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu, trong hợp đồng biên bản ghi nhớ hợp tác thì mỗi tháng công ty sẽ gửi mẫu sang Hà Lan để đối tác test lại mẫu đó, đảm bảo yêu cầu xuất khẩu thì công ty mới cho xuất hàng” - bà Phạm Thị Đông nói.
Công ty Cổ phần Yên Thành ở huyện Trấn Yên là 1 trong 2 đơn vị tham gia chế biến măng tre bát độ để xuất khẩu của tỉnh Yên Bái. Thiết bị và công nghệ chế biến đáp ứng các tiêu chuẩn về xuất khẩu cho thị trường Nhật Bản và Đài Loan nên mỗi năm công ty xuất khẩu được gần 20 tấn măng khô, măng muối.
Trước nhu cầu của thị trường nước ngoài đang có xu hướng sử dụng các sản phẩm măng muối chất lượng cao, mới đây, công ty tiếp tục liên doanh với một công ty Nhật Bản đầu tư xây dựng một nhà máy sản xuất 100% măng muối tại xã Hưng Khánh, huyện Trấn Yên.
Ông Nguyễn Đức Dũng, Giám đốc Công ty cổ phần Yên Thành cho biết, nhờ liên doanh, liên kết, Công ty cổ phần Yên Thành đã sản xuất trên 2.000 tấn măng tre các loại và sản phẩm măng tre xuất khẩu sang thị trường Đài Loan, Nhật Bản với giá trị xuất khẩu đạt hơn 4 triệu USD.
Huyện Văn Yên có diện tích quế đạt khoảng 52.000 ha, hàng năm cung cấp cho thị trường trên 6.000 tấn quế vỏ khô, trên 60.000 tấn cành lá, 300 tấn tinh dầu, trên 50.000 m3 gỗ quế, trên 150 triệu cây quế giống và nhiều sản phẩm khác từ quế mang lại nguồn thu gần 1.000 tỷ đồng cho người canh tác.
Hiện nay quế Văn Yên đã có trên 6.000 ha được cấp chứng chỉ hữu cơ theo tiêu chuẩn EU và Mỹ. Các doanh nghiệp đã đưa sản phẩm Quế đến trên 30 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Ông ViJay Karunakaran, Phó Chủ tịch Công ty TNHH Olam Việt Nam nhận xét: “Chất lượng Quế của huyện Văn Yên rất tốt. Công ty chúng tôi đã đưa quế và các sản phẩm từ quế của huyện Văn Yên đến nhiều quốc gia trên thế giới. Tiềm năng để phát triển cây quế của huyện Văn Yên nói riêng cũng như của tỉnh Yên Bái nói chung rất lớn, hi vọng với các hoạt động xúc tiến thương mại khác, huyện Văn Yên sẽ phát huy được hết hiệu quả từ loại cây giá trị này”.
Những sản phẩm nông lâm sản của Yên Bái hiện nay không còn là "nàng công chúa ngủ trong rừng" mà đã được nhiều bạn hàng trong nước, quốc tế, nhiều đối tác xuất khẩu biết đến, từ đây năng cao giá trị, góp phần vào sự phát triển kinh tế của tỉnh. Tính đến tháng 10/2022, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Yên Bái ước đạt 249 triệu USD, tăng gần 37% so với cùng kỳ, bằng hơn 107% so với kịch bản tăng trưởng, đạt 88,9% kế hoạch năm./.