Thứ sáu, 20/09/2024 - 06:50

Động thái đơn thương độc mã của nước xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới khó cứu thị trường

Việc cắt giảm sản lượng dầu của Saudi Arabia - nước xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới - cũng không cứu được giá dầu suy yếu.

Động thái đơn thương độc mã của nước xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới khó cứu thị trường

Nhân viên một công ty dầu mỏ của Saudi Arabia. Ảnh: AFP

Trong tháng thứ hai liên tiếp, Saudi Arabia - nhà sản xuất hàng đầu của Tổ chức Xuất khẩu Dầu mỏ thế giới (OPEC) - đã tự nguyện gia hạn cắt giảm sản lượng dầu 1 triệu thùng/ngày thêm một tháng nữa, lần này là đến tháng 8.

Việc cắt giảm sẽ đưa sản lượng của Saudi Arabia xuống gần 9 triệu thùng/ngày, mức thấp nhất trong vài năm.

Saudi Arabia đã đơn thương độc mã hy sinh khối lượng bán ra để cứu giá dầu suy yếu, nhưng cho đến nay không mấy thành công.

Giá dầu giao ngay đã phản ứng tích cực, với giá dầu WTI tăng 2,1%, giao dịch ở mức 71,25 USD/thùng vào lúc 11h45 giờ ET ngày 3.7, trong khi dầu Brent tăng 2,0% lên mức 76,15 USD/thùng.

Nhưng các nhà giao dịch dầu mỏ vẫn không bị thuyết phục. Marwan Younes, giám đốc đầu tư của quỹ phòng hộ Massar Capital Management, cho biết lợi nhuận có thể chỉ tồn tại trong thời gian ngắn.

“Vấn đề là khi cắt giảm sản lượng trong một môi trường vốn đã yếu kém, tác động sẽ bị hạn chế” - Ole Hansen, người đứng đầu bộ phận chiến lược hàng hóa tại Ngân hàng Saxo, nói với tờ Wall Street Journal.

Tháng trước, Phố Wall duy trì tâm lý giảm giá sau khi Saudi Arabia tuyên bố gia hạn giảm sản lượng lần thứ nhất. Siêu đầu cơ dầu mỏ Jeff Currie của Goldman Sachs một lần nữa giảm dự báo giá dầu Brent tháng 12, lần này xuống còn 86 USD/thùng từ 95 và 100 USD trước đó.

Currie giải thích lý do giảm dự báo là vì nguồn cung ngày càng tăng từ Nga, Iran và Venezuela cùng nỗi lo ngại suy thoái cũng gia tăng.

Các nhà phân tích tại ngân hàng Citi cũng khá bi quan, cho biết việc cắt giảm của Saudi Arabia không có khả năng duy trì giá dầu ở mức cao 80 hoặc 90 USD do nhu cầu mờ nhạt và nguồn cung ngoài OPEC mạnh hơn vào cuối năm.

Vụ phá sản của Ngân hàng Silicon Valley (SVB) ở Mỹ vào tháng 3 đã kích hoạt dòng vốn ồ ạt chảy từ dầu sang kim loại quý khi tâm lý hoang mang lan rộng, sợ rằng đây có thể là giai đoạn đầu của một cuộc khủng hoảng tài chính và ngân hàng mới.

Theo các nhà phân tích hàng hóa tại Standard Chartered, sự sụp đổ của SVB đã dẫn đến xu hướng bán khống nhanh chưa từng có trên thị trường dầu mỏ, với khối lượng bán khống đầu cơ lớn hơn gấp sáu lần so với giai đoạn sau sự sụp đổ của ngân hàng Lehman Brothers và Bear Stearns vào năm 2008.

Như dự đoán, giá dầu đã giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều năm chỉ trong vài ngày trước khi bắt đầu phục hồi nửa vời nhờ quyết định cắt giảm sản lượng tự nguyện của một số thành viên OPEC+ vào ngày 2.4.

Tuy nhiên, không phải tất cả đều bi quan. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), mức tiêu thụ dầu toàn cầu vẫn đang trên đà tăng 2 triệu thùng/ngày trong năm nay, lên mức cao nhất mọi thời đại là 101,9 triệu thùng/ngày.

Hàng tồn kho đang dần thắt chặt và sẽ tiếp tục cạn kiệt khi OPEC+ thực hiện các đợt cắt giảm sản lượng mới. Dự trữ dầu thô lần đầu tiên giảm xuống dưới mức trung bình 5 năm trong năm nay. Tuần trước, nhu cầu xăng đã tăng 992 nghìn thùng/ngày, lên mức cao nhất trong 15 tháng là 9,511 triệu thùng/ngày.

Ngân hàng Standard Chartered dự đoán, việc cắt giảm của OPEC+ cuối cùng sẽ loại bỏ thặng dư tích tụ trên thị trường dầu mỏ toàn cầu trong vài tháng qua.

Theo các nhà phân tích, lượng lớn dầu dư thừa bắt đầu hình thành vào cuối năm 2022 và sang cả quý 1 năm 2023. Theo ước tính, lượng dầu tồn kho hiện cao hơn 200 triệu thùng so với đầu năm 2022 và cao hơn 268 triệu thùng so với mức tối thiểu của tháng 6 năm 2022.

Tuy nhiên, giới phân tích đang lạc quan rằng lượng dư thừa trong 2 quý vừa qua sẽ biến mất vào tháng 11 nếu việc cắt giảm được duy trì cả năm. Trong một kịch bản ít lạc quan hơn, điều tương tự sẽ đạt được vào cuối năm nếu việc cắt giảm hiện tại được đảo ngược vào khoảng tháng 10 và vào thời điểm đó, dầu sẽ tăng giá.

Tin liên quan