Đây là thông tin được đưa ra tại Hội nghị “Triển khai cấp bách các biện pháp tăng cường tuân thủ quy định an toàn thực phẩm của thị trường EU” do Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động, thực vật Việt Nam (Văn phòng SPS Việt Nam) phối hợp Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức sáng 24/2.
Hội nghị với sự tham gia của các Cục: Bảo vệ thực vật; Chăn nuôi; Thú y; Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường cùng các cơ quan chuyên môn của địa phương, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp, HTX sản xuất.
2 tháng, Việt Nam nhận 16 cảnh báo từ EU
Ông Ngô Xuân Nam - Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam – thông tin, EU là khối quốc gia có những tiêu chuẩn an toàn thực phẩm cao trên thế giới - phần lớn nhờ vào bộ luật vững chắc của EU, nhằm đảm bảo thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng. Hệ thống cảnh báo nhanh về thực phẩm và thức ăn chăn nuôi (RASFF) là công cụ để đảm bảo thông tin cho phép phản ứng nhanh khi phát hiện ra các nguy cơ đối với sức khỏe sộng đồng trong chuỗi thực phẩm.
![]() |
Hội nghị “Triển khai cấp bách các biện pháp tăng cường tuân thủ quy định an toàn thực phẩm của thị trường EU” |
Năm 2024, EU phát đi 5.268 cảnh báo mối nguy đối với nông sản thực phẩm toàn cầu, trong đó, Việt Nam có 114 cảnh báo chiếm 2,2% số cảnh báo từ EU và tăng gần gấp đôi năm 2023. 2 tháng đầu năm 2025, EU phát đi 624 cảnh báo, trong đó, Việt Nam có 16 cảnh báo, chiếm 2,6%. So sánh với 1 quốc gia vùng lãnh thổ có điều kiện tương tự xuất khẩu nông sản, thực phẩm sang EU như Thái Lan, Indonesia, Malaysia,… thì con số 16 này tương đối cao.
“Đáng chú ý, 2 tháng đầu năm 2025, trong số 624 cảnh báo có 8 cảnh báo với thực phẩm mới, trong đó, có 4 cảnh báo liên quan đến sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam, chiếm 50%”, ông Ngô Xuân Nam thông tin.
Phân theo mối nguy cảnh báo nông sản, thực phẩm của Việt Nam xuất khẩu vào EU, dư lượng hóa chất (thuốc trừ sâu và thuốc thú y) vẫn chiếm tỷ lệ lớn. Năm 2024, trong 114 cảnh báo, thì cảnh báo dư lượng hóa chất là 61 cảnh báo (chiếm 53,5%). 2 tháng đầu năm 2025, cảnh báo về dư lượng hóa chất có dấu hiệu giảm xuống, chỉ chiếm 31,3% trong tổng số 16 cảnh báo với Việt Nam, tuy nhiên, lại có dấu hiệu gia tăng đối với phụ gia thực phẩm (chiếm 12,5%) và thực phẩm mới (chiếm 25%). Nguyên nhân do các doanh nghiệp chưa nắm vững được những quy định về thực phẩm mới của thị trường EU.
Nông sản, thực phẩm khi bị vi phạm tùy theo mức độ có thể bị tiêu hủy, thu hồi sản phẩm, thông báo cho nhà xuất khẩu hoặc các hình thức khác. Nếu bị tiêu hủy, thu hồi sản phẩm sẽ gây thiệt hại rất lớn cho nhà xuất khẩu.
“Cũng có ý kiến cho rằng, khi kim ngạch xuất khẩu nông sản gia tăng thì cảnh báo tăng là câu chuyện bình thường. Tuy nhiên, theo số liệu thống kê của Văn phòng SPS Việt Nam, năm 2020, Việt Nam xuất khẩu khoảng 2,91 tỷ USD nông sản sang EU và nhận 40 cảnh báo. Đến năm 2022, kim ngạch tăng lên 4 tỷ USD, đồng thời số cảnh báo cũng tăng theo lên 72. Năm 2024 vừa qua, Việt Nam lập kỷ lục xuất khẩu 4,21 tỷ USD sang EU và số cảnh báo cũng nhận ở mức kỷ lục 114. Đà tăng của xuất khẩu sau 4 năm chưa nổi 50%, trong khi số cảnh báo tăng gần 300%. Phân tích sâu hơn về dữ liệu, chúng tôi thấy rằng, không có mối tương quan giữa việc gia tăng giá trị xuất khẩu đồng nghĩa với việc gia tăng cảnh báo”, ông Ngô Xuân Nam nói.
Nguyên nhân về những cảnh báo nông sản, thực phẩm, ông Ngô Xuân Nam thông tin, xu thế các quốc gia/vùng lãnh thổ gia tăng các biện pháp an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh động thực vật (SPS) đối với nông sản thực phẩm và thủy sản nhập khẩu; xu thế sử dụng các sản phẩm an toàn, đảm bảo truy xuất nguồn gốc, sản phẩm khai thác hợp lý, sản phẩm hữu cơ, sản phẩm giảm phát thải, sản phẩm dựa trên giá trị, sản phẩm xanh...
Bên cạnh đó, nguyên nhân còn đến từ vùng trồng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón không đúng quy định. Vượt mức dư lượng thuốc bảo vệ thực vật cho phép. Kiểm soát sinh vật gây hại Kiểm soát các nguồn tác động. Chưa tuân thủ các quy định của nhà nhập khẩu vì mức dư lượng tối đa (MRL) đối với mỗi hoạt chất của mỗi sản phẩm là khác nhau. Tình trạng lạm dụng kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản, tự ý sử dụng kháng sinh, sử dụng không đúng liều lượng, thiếu hiểu biết về vi khuẩn gây bệnh,… vẫn diễn ra.
Nguyên nhân từ cơ sở đóng gói/sơ chế/chế biến trong việc kiểm tra nguyên liệu đầu vào; tuân thủ quy trình HACCP; tuân thủ các biện pháp SPS về phụ gia thực phẩm, an toàn thực phẩm đối với bao bì sản phẩm… bên cạnh đó, chưa cập nhật quy định mới của EU về danh mục “thực phẩm mới”, nhãn mác sản sản phẩm, sản phẩm tổng hợp.
Một nguyên nhân khác được ông Ngô Xuân Nam đề cập đến đó là cơ quan quản lý địa phương chưa sát sao với vấn đề liên quan đến SPS, đến ngày 20/02/2025, mới có 18/63 (28,5%) tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch thực hiện Quyết định 534/QĐ-TTg về Phê duyệt Đề án "Nâng cao hiệu quả thực thi Hiệp định về áp dụng các biện pháp vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động, thực vật (SPS) của Tổ chức Thương mại thế giới và cam kết SPS trong khuôn khổ các Hiệp định thương mại tự do". Việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm bị cảnh báo chưa được quan tâm đúng mức (chỉ có 63/114 (55,3%) sản phẩm truy xuất và có kết quả xử lý.
Doanh nghiệp cần thường xuyên cập nhật quy định mới
Tại hội nghị, 2 nội dung về quy định "thực phẩm mới" và "sản phẩm hỗn hợp" của thị trường EU cũng được các đại biểu chia sẻ. TS. Đào Văn Cường - Văn phòng SPS Việt Nam – thông tin, ưuy định (EU) 2017/2470 ngày 20/12/2017 thiết lập danh sách thực phẩm mới của Liên minh theo Quy định (EU) 2015/2283 ngày 25/11/2015 về thực phẩm mới. Mặt hàng nông sản xuất khẩu sang EU của Việt Nam thuộc thực phẩm mới như hạt é khô và các sản phẩm nước ngọt hương vị trái cây có chứa hạt é, thịt ốc bươu,…
![]() |
Sản phẩm “thịt ốc bươu” xuất khẩu từ Việt Nam nhận cảnh báo từ EU với lí do “thực phẩm mới chưa được cấp phép”. Ảnh: Minh họa |
Đối với sản phẩm hạt é khô, Việt Nam đã nhận 2 cảnh báo trên hệ thống RASFF về sản phẩm này, với lí do “thực phẩm mới chưa được cấp phép”. Sản phẩm “thịt ốc bươu” xuất khẩu từ Việt Nam nhận cảnh báo từ EU với lí do “thực phẩm mới chưa được cấp phép”.
Theo Quy định (EU) 2015/2283, thịt ốc bươu thuộc tệp “thức ăn truyền thống từ quốc gia thứ ba”, do đã được tiêu thụ tại thị trường Việt Nam nhưng chưa được sử dụng tại thị trường châu Âu. Thịt ốc bươu cần được đăng ký cấp phép và trải qua quy trình đánh giá an toàn thực phẩm để được đưa vào danh mục cấp phép của Liên minh châu Âu.
TS. Đào Văn Cường thông tin, các quy định của EU sẽ được thay đổi và cập nhật liên tục, đặc biệt tính từ đầu năm 2025, đã có những cảnh báo từ EU liên quan đến thực phẩm mới. Vì vậy, để xuất khẩu nông sản được thuận lợi, tránh bị thu hồi hoặc tiêu hủy các sản phẩm, Văn phòng SPS Việt Nam khuyến nghị các doanh nghiệp nên cập nhật thay đổi các quy định của EU thường xuyên. Trước khi xuất khẩu, doanh nghiệp cần có văn bản hỏi Văn phòng SPS Việt Nam để phối hợp với Tổng cục Y tế và An toàn thực phẩm của EU (DG-SANTE) hướng dẫn cụ thể vì các quy định này rất phức tạp và cần tuân thủ theo quy trình cụ thể.
EU không quy định về khối lượng hàng, nên đôi khi hàng hóa chỉ vài kilogram cũng bị kiểm tra và cảnh báo nếu vi phạm. Với nhóm hàng đã bị EU cảnh báo ở mức độ cao, nếu chúng ta không có giải pháp kịp thời, cải thiện, thậm chí EU sẽ không cho nhập vào thị trường này.
Để hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu, ông Ngô Xuân Nam thông tin, về trước mắt, Văn phòng SPS Việt Nam tăng cường cập nhật thông tin và phổ biến các tiêu chuẩn mới của EU đến người sản xuất (nông dân, HTX, doanh nghiệp) thực hiện đáp ứng đầy đủ các quy định về vệ sinh, an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh của thị trường EU; Các cơ quan chuyên môn tham mưu Bộ có văn bản hướng dẫn chi tiết về thủ tục xuất khẩu, ghi nhãn, chứng nhận an toàn thực phẩm,… tới các cơ sở sơ chế, chế biến, đóng gói, doanh nghiệp kinh doanh nông sản, thực phẩm xuất khẩu;
Bên cạnh đó, tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ chuỗi cung ứng, vùng nguyên liệu, các khâu sản xuất, các cơ sở sơ chế, chế biến, đóng gói, vận chuyển nhằm đảm bảo đáp ứng quy định về các biện pháp vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động, thực vật. Siết chặt việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, kháng sinh và hóa chất trong sản xuất nông sản, thủy sản. Tăng cường kiểm soát tại cửa khẩu, cải thiện quy trình kiểm nghiệm hàng hóa trước khi xuất khẩu, giảm rủi ro bị trả hàng do vi phạm quy định EU. Tăng cường truy xuất nguồn gốc và áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng như HACCP, GlobalGAP, ASC, BRC.
Văn phòng SPS Việt Nam sẽ tăng cường làm việc với các cơ quan chuyên môn của EU về việc hướng dẫn tuân thủ các quy định mới của thị trường EU, làm rõ việc truy xuất một số doanh nghiệp vi phạm nhưng chưa đầy đủ thông tin. Thông báo kết quả truy xuất nguồn gốc với EU để minh bạch thông tin quản lý an toàn thực phẩm.
Ngày 20/2 vừa qua, Văn phòng Chính phủ có văn bản số 1407/VPCP-NN thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà về thông tin báo chí phản ánh "Thực phẩm xuất khẩu của Việt Nam bị EU cảnh báo". Theo đó, nhiều loại thực phẩm liên tục bị EU cảnh báo, khiến Việt Nam rơi vào nguy cơ mất thị trường xuất khẩu tỷ USD nếu không có biện pháp chấn chỉnh kịp thời. Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương theo chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền được giao khẩn trương chỉ đạo, triển khai quyết liệt, hiệu quả các biện pháp nhằm tăng cường thông tin, phổ biến, hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm xuất khẩu thường xuyên cập nhật và thực hiện đầy đủ các quy định về vệ sinh, an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh của thị trường xuất khẩu. Cùng với đó, tăng cường kiểm tra, giám sát vùng nguyên liệu, các cơ sở sơ chế, chế biến, đóng gói nhằm đảm bảo đáp ứng quy định về các biện pháp vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động, thực vật, tránh tình trạng bị cảnh báo về an toàn thực phẩm, ảnh hưởng đến uy tín và thương hiệu nông sản, thực phẩm của Việt Nam trên thị trường quốc tế. |