Khuyến cáo doanh nghiệp xuất khẩu nông, thủy sản vào Australia
Do việc chậm thông quan hàng hóa nhập khẩu, nhất là ở khâu kiểm dịch vào Australia nên các doanh nghiệp cần có kế hoạch xuất khẩu từng chủng loại mặt hàng vào những thời gian thích hợp.
Theo Thương vụ Việt Nam tại Australia, kể từ khi xảy ra đại dịch Covid-19, đặc biệt là thời điểm gần đây, việc chậm thông quan hàng hóa nhập khẩu, nhất là ở khâu kiểm dịch đã trở nên trầm trọng, tập trung ở hai bang New South Wales và Victoria. Một trong những lý do chính là hiện nay Australia đang thiếu lao động ở nhiều lĩnh vực, trong khi đó thương mại tăng trưởng và việc lây nhiễm Covid-19 vẫn diễn ra phức tạp.
Không chỉ mặt hàng tôm mà các mặt hàng cần phải kiểm dịch khi nhập khẩu vào Australia đều phải đối diện với tình trạng bị chậm trễ trong kiểm dịch, thông quan (không riêng gì hàng hóa từ Việt Nam). Do đó, khi xuất khẩu mặt hàng nông, thuỷ sản nói chung vào Australia, để hạn chế sự chậm trễ trong khâu kiểm dịch, Thương vụ Việt Nam tại Australia đề xuất DN cần điền đầy đủ và chính xác thông tin của khách hàng để khâu đánh giá ban đầu không mất nhiều thời gian.
Nếu hàng hóa của DN sẵn sàng để kiểm dịch trong thời gian ngắn (có thể cung cấp hàng kiểm dịch trong vòng 30 phút), DN cần phải thể hiện yêu cầu này trong mục “option” trong yêu cầu kiểm dịch, khi đó DN có thể được xếp vào thứ tự ưu tiên. Trường hợp DN cần kiểm dịch ngoài giờ, cần nêu rõ thời gian và tình trạng sẵn sàng của hàng hóa.
Bên cạnh đó, Thương vụ Việt Nam tại Australia cũng đề nghị DN xuất khẩu tuân thủ đầy đủ các điều kiện nhập khẩu vào Australia để tranh phát sinh thêm thời gian trong điều kiện khó khăn hiện nay. Đối với hàng hóa bị ảnh hưởng bởi kiểm dịch chậm, DN nên có kế hoạch xuất khẩu dài hạn, đàm phán với nhà nhập khẩu để nhà nhập khẩu cùng chia sẻ chi phí trong thời gian chờ kiểm dịch.
Với nông sản tươi theo mùa vụ, Thương vụ Việt Nam tại Australia đã đề xuất nhà nhập khẩu vận chuyển bằng đường hàng không. Đồng thời, vận động các nhà nhập khẩu ở Tây Australia, Nam Australia - nơi không bị quá tải như 2 bang nêu trên đẩy mạnh nhập khẩu hàng hóa. Với các lô hàng quả tươi đến Australia, Thương vụ chủ động làm việc với nhà nhập khẩu về lịch nhập và đề xuất phối hợp, có ý kiến với cơ quan kiểm dịch.
“Đối với mặt hàng trái cây tươi, đề nghị DN đàm phán với nhà nhập khẩu để có thể vận chuyển bằng đường hàng không, đồng thời phối hợp với Thương vụ để đẩy mạnh quảng bá, thúc đẩy tiêu thụ với giá tốt”, đại diện Thương vụ Việt Nam tại Australia khuyến cáo.
Trong 6 tháng năm 2022, thương mại song phương Việt Nam và Australia đạt hơn 8 tỷ USD. Xuất khẩu từ Việt Nam sang Australia tăng trưởng ấn tượng hơn 33% so với cùng kỳ năm 2021. Nhiều mặt hàng tăng trưởng mạnh, trong đó có mặt hàng tôm./.