Thứ sáu, 20/09/2024 - 04:29

Kim ngạch xuất khẩu gạo của Đồng Tháp tăng hơn 41%

Trong 10 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu gạo của tỉnh Đồng Tháp đạt 265,56 triệu USD, tăng 41,38% so với cùng kỳ năm 2022 và đạt 114,47% so kế hoạch năm.

Xuất khẩu gạo tăng hơn 41%

Ông Nguyễn Văn Luận - Phó Giám đốc Sở Công Thương Đồng Tháp - cho biết: Từ đầu năm, thị trường xuất khẩu gạo có nhiều thuận lợi. Tính đến hết tháng 10 năm 2023, sản lượng gạo xuất khẩu của Đồng Tháp đạt 449.393 tấn, kim ngạch đạt 265,56 triệu USD, tăng 41,38% so với cùng kỳ năm 2022 và đạt 114,47% so kế hoạch năm.

Kim ngạch xuất khẩu gạo của Đồng Tháp tăng hơn 41%
Trong 10 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu gạo của tỉnh Đồng Tháp đạt 265,56 triệu USD, tăng 41,38% so với cùng kỳ năm 2022 (Ảnh: Nhật Nam)

Sở dĩ xuất khẩu gạo tăng mạnh được Sở Công Thương nhận định là do yếu tố thị trường thuận lợi. Cụ thể là nhu cầu dự trữ lương thực của nhiều quốc gia tăng cao, trong khi nguồn cung gạo từ các quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới như Ấn Độ lại hạn chế.

Trong bối cảnh đó doanh nghiệp xuất khẩu gạo Đồng Tháp đã tận dụng tốt cơ hội của thị trường để đẩy mạnh xuất khẩu, từ đó tăng đơn hàng và kim ngạch, mang lại lợi ích cho cả doanh nghiệp lẫn người trồng lúa.

Ông Trương Văn Chính - Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Xuất nhập khẩu Chơn Chính - một trong những doanh nghiệp xuất khẩu gạo lớn ở huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp - cho biết: Năm 2023 công ty đặt mục tiêu xuất khẩu gạo đạt 1.600 tỷ đồng. Do vậy từ đầu năm 2023 đến nay, công ty đã tận dụng cơ hội để đưa sản phẩm gạo của doanh nghiệp qua các nước châu Á như: Trung Quốc, Philippines, Malaysia, Indonesia… thị trường châu Âu và đạt những kết quả khả quan.

Tiềm năng xuất khẩu gạo còn lớn

Theo Sở Công Thương Đồng Tháp, dự kiến sản lượng xuất khẩu gạo năm 2023 của tỉnh đạt khoảng 584.142 tấn, tăng 41,37% so với năm 2022; kim ngạch đạt 336,26 triệu USD, tăng 66,66% so với năm 2022, đạt 144,94% kế hoạch (kế hoạch xuất khẩu gạo dự kiến đạt 338.000 tấn, kim ngạch đạt khoảng 232 triệu USD).

Với đà xuất khẩu hiện nay, Sở Công Thương tỉnh Đồng Tháp nhận định, khả năng đạt kế hoạch rất lớn. Tuy nhiên để đạt được kết quả trên các doanh nghiệp Đồng Tháp cần tiếp tục chú trọng đến việc nâng cao chất lượng gạo, truy xuất nguồn gốc và hướng đến đáp ứng các tiêu chuẩn cao của các thị trường xuất khẩu thông qua việc đầu tư phát triển vùng nguyên liệu, sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn. Đồng thời, cải tiến dây chuyền công nghệ xay xát, chế biến và tăng cường thu mua, chế biến gạo để tạo nguồn hàng cho xuất khẩu.

Mặt khác, hiện Đồng Tháp có 20 doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo được Bộ Công Thương cấp Giấy Chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo. Tuy nhiên các doanh nghiệp lại xuất khẩu chủ yếu gạo xuất khẩu sang thị trường châu Á khi chiếm tỷ lệ tới 90%, trong khi đó, tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu vào thị trường châu Âu và các thị trường khác còn khá khiêm tốn.

Do đó, Sở Công Thương đề nghị Bộ Công Thương hỗ trợ Đồng Tháp tham gia các sự kiện kết nối thị trường châu Âu, đặc biệt là mặt hàng gạo để các doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận thị trường này nhằm khai thác hiệu quả Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA). Đồng thời, đề nghị Bộ Công Thương phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất phía Trung Quốc bổ sung danh sách doanh nghiệp được xuất khẩu gạo vào thị trường này, góp phần nâng kim ngạch xuất khẩu gạo của tỉnh trong thời gian tới.

Tỉnh Đồng Tháp có diện tích gieo trồng lúa mỗi năm dao động trên dưới 500.000 ha, sản lượng ước tính trên 3,2 triệu tấn. Tỉnh định hướng phát triển ngành hàng gạo trở thành ngành hàng xuất khẩu chủ lực theo hướng bền vững thông qua phát triển vùng sản xuất lúa tập trung chất lượng cao, an toàn vệ sinh thực phẩm.
 
Lượt xem: 36
Tác giả: Minh Khuê
Tin liên quan