Logistics xanh: Tăng cạnh tranh cho doanh nghiệp
Hiện nay, xanh hóa ngành logistics không chỉ là trách nhiệm mà còn trở thành động lực và yêu cầu bức thiết để thúc đẩy các doanh nghiệp ngành dịch vụ logistics nâng cao năng lực cạnh tranh, nâng cao hình ảnh thương hiệu, hướng tới sự phát triển bền vững và toàn diện hơn.
Đã có rất nhiều chuyên gia kinh tế và giới nghiên cứu trong lĩnh vực logistics có chung nhận định, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng như hiện nay nếu các doanh nghiệp không thực hiện nhanh và ngay các tiêu chí để xanh hóa ngành logistics thì trong tương lai doanh nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn, dần bị “đào thải” ra khỏi các hoạt động kinh doanh và thương mại và xuất nhập khẩu trong nước và toàn cầu.
Trên toàn cầu, logistics xanh đang dần trở thành một phần không thể thiếu trong chiến lược phát triển của nhiều doanh nghiệp lớn, hàng đầu thế giới như DHL, UPS và Maersk. Những công ty này đã đầu tư hàng tỷ đô la vào việc nghiên cứu và triển khai các giải pháp logistics xanh. Từ xe tải điện cho đến tàu biển sử dụng nhiên liệu thay thế. Tuy nhiên, có 1 thực tế cho thấy, việc áp dụng rộng rãi các giải pháp này vẫn còn gặp nhiều thách thức, bao gồm chi phí cao, thiếu hạ tầng hỗ trợ, và thiếu chính sách khuyến khích từ phía chính phủ.
Ở một số quốc gia như Đan Mạch và Hà Lan đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong việc phát triển logistics xanh nhờ chính sách ưu đãi thuế, đầu tư vào công nghệ và hợp tác chặt chẽ giữa chính phủ và các doanh nghiệp. Tại Việt Nam, mặc dù các bước đi ban đầu đã được thực hiện, logistics xanh vẫn còn đang ở giai đoạn phát triển sơ khai và cần được sự quan tâm nhiều hơn từ Chính phủ và các doanh nghiệp trong nước để có thể đạt được những lợi ích to lớn về mặt kinh tế và môi trường.
Theo đại diện Công ty TNHH Quốc tế Phương Nam, những lợi ích có thể kể tới như giảm phát thải khí nhà kính, tiết kiệm năng lượng và nguồn tài nguyên, bảo vệ đa dạng sinh học và các hệ sinh thái; cùng với đó, giúp giảm chi phí vận hành, nâng cao hiệu quả chuỗi cung ứng và hưởng ứng chính sách ưu đãi của Chính phủ như ưu đãi thuế, tín dụng hay hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp áp dụng giải pháp logistics xanh.
Đó là chưa kể, các công ty áp dụng logistics xanh thường được công chúng đánh giá cao về mặt trách nhiệm xã hội, giúp cải thiện mối quan hệ với cộng đồng địa phương. Thậm chí, doanh nghiệp thể hiện cam kết bảo vệ môi trường sẽ thu hút khách hàng có ý thức về môi trường, đồng thời tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường.
Tuy nhiên, cũng như nhiều doanh nghiệp logistics khác tại Việt Nam, việc triển khai logistics xanh của công ty cũng phải đối mặt với nhiều thách thức, như: các rào cản kỹ thuật và công nghệ, vấn đề về chi phí đầu tư, sự thiếu hụt trong nhận thức và sự hỗ trợ từ các cơ quan Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp.
Đầu tiên có thể kể tới là thiếu hạ tầng hỗ trợ do các phương tiện vận tải xanh như xe tải điện thường yêu cầu cơ sở hạ tầng sạc phức tạp và rộng khắp, điều mà nhiều khu vực hiện nay vẫn chưa có. Kế đến là sự hạn chế về công nghệ vì các phương tiện điện có thể không đạt được phạm vi hoạt động giống như xe sử dụng nhiên liệu hóa thạch, gây khó khăn trong các hoạt động logistics ở khoảng cách dài. Cuối cùng là việc áp dụng công nghệ thông tin để tối ưu hóa chuỗi cung ứng lại đòi hỏi kỹ năng cao và công nghệ tiên tiến, điều mà không phải mọi doanh nghiệp đều có khả năng đầu tư.
Đồng quan điểm, ông Ngô Khắc Lê, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp logistics Việt Nam cho hay, do nhận thức và hiểu biết của các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa về yêu cầu xanh hóa ngành logistics đang rất hạn chế. Nhiều doanh nghiệp đang hiểu không đúng về khái niệm logistics xanh. Họ trồng cây, trồng hoa… trong doanh nghiệp và coi đó là logistics xanh. Hoặc các doanh nghiệp nhỏ nhưng lại học theo cách làm logistics xanh của các doanh nghiệp, tập đoàn lớn. Chuyển đổi xanh đang là xu hướng và yêu cầu bắt buộc của mỗi doanh nghiệp, xong phải chọn giải pháp, phương án phù hợp với từng doanh nghiệp, lĩnh vực.
Việc đưa ra các giải pháp giúp doanh nghiệp đẩy nhanh và toàn diện quá trình xanh hóa ngành logistics cần phải được nhìn nhận rộng hơn, đưa ra các giải pháp tổng thể, khó ở đâu gỡ ở đó. Đầu tiên là phải thay đổi nhận thức về khái niệm logistics xanh; phải truyền thông liên tục, duy trì thường xuyên. Song chỉ truyền thông thì không đủ mà cần sự vào cuộc đồng hành của Chính phủ, các cơ quan quản lý; trong đó cần những chính sách cụ thể, rõ ràng như chính sách thuế là một ví dụ.
Làm sao để khai thác tốt hơn, hiệu quả hơn nữa giao thông đường thủy nội địa, đường ven biển… vừa tăng khối lượng hàng hóa vận chuyển, vừa giảm khí phát thải từ các phương tiện vận chuyển, theo ông Khắc Lê, các doanh nghiệp trong nước cần đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo, chuyển đổi số; triển khai mạnh mẽ hoạt động logistics xanh, logistics thông minh và logistics phục vụ hiệu quả trong xuất nhập khẩu hàng hóa.
Cùng với đó, áp dụng các phương tiện vận tải thân thiện với môi trường, tối ưu hóa tuyến đường và quản lý kho hàng, cùng với việc sử dụng bao bì bền vững và cải thiện hiệu suất năng lượng để việc xanh hóa hoạt động logistics không chỉ giúp giảm thiểu tác động đến môi trường mà còn mang lại lợi ích kinh tế đáng kể cho các doanh nghiệp.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Lê Sơn Hiếu, Giám đốc Công ty Vận chuyển hàng quốc tế Việt An Express cho hay, thúc đẩy logistics xanh để tăng trưởng toàn diện và bền vững không chỉ là yêu cầu của riêng Việt Nam mà là xu hướng chung của toàn thế giới. Do đó, nếu thực sự muốn khai thác được tiềm năng của logistics xanh, doanh nghiệp cần có sự đầu tư chiến lược để vừa nâng cao năng lực cạnh tranh, vừa xây dựng được hình ảnh, thương hiệu đẹp, uy tín hơn.
Những chiến lược ấy có thể là áp dụng ngay phương tiện vận tải thân thiện với môi trường, như chuyển đổi sang xe tải và phương tiện vận tải sử dụng điện hoặc hybrid để giảm phát thải khí nhà kính; sử dụng nhiên liệu sinh học, khí tự nhiên hóa lỏng (LNG), hoặc hydrogen cho các phương tiện vận chuyển hàng hóa; đồng thời, tối ưu hóa tuyến đường và quản lý kho hàng bằng việc sử dụng phần mềm quản lý vận tải - TMS hay các giải pháp phần mềm để phân tích và tối ưu hóa tuyến đường, giúp giảm số km đi không cần thiết.
Cùng với đó là ứng dụng công nghệ trong việc quản lý kho để giảm thiểu chi phí và thời gian lưu kho, cải thiện việc quản lý hàng tồn kho. Cuối cùng là sử dụng vật liệu đóng gói có khả năng tái chế hoặc phân hủy sinh học, giảm thiểu sử dụng nhựa một lần và tối ưu hóa kích thước bao bì sao cho thiết kế phù hợp chính xác với kích thước sản phẩm để giảm chi phí vận chuyển và lượng chất thải...
Với rất nhiều sáng kiến, vấn đề lựa chọn logistics xanh cần phải vượt qua được rào cản cuối cùng đó chính là cam kết mạnh mẽ trong thực thi để hướng tới sự phát triển bền vững. Khi những rào cản này được giải quyết, logistics xanh sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc hình thành một tương lai xanh, lành mạnh hơn cho cả hành tinh, không riêng gì mỗi quốc gia./.