Chủ nhật, 24/11/2024 - 04:22

Tăng kim ngạch xuất khẩu vải thiều: Chất lượng sản phẩm vẫn là cốt yếu

Mở rộng thị trường xuất khẩu vải thiều giúp gia tăng giá trị của quả vải, góp phần nâng cao thu nhập của người nông dân và phát triển kinh tế của địa phương là mục tiêu cấp thiết.

Vải thiều Việt Nam nổi tiếng tại 2 vùng trồng là Thanh Hà (Hải Dương) và Lục Ngạn (Bắc Giang). Năm 2022, vải thiều Việt Nam được mùa với sản lượng đạt khoảng 320.000 tấn, bằng nhiều hình thức tiêu thụ khác nhau, quả vải tươi đã có mặt ở trên 30 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Tuy nhiên, để có được sản phẩm vải thiều đạt chất lượng xuất khẩu vào các thị trường yêu cầu cao vẫn đòi hỏi người nông dân, cán bộ kỹ thuật, doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước cùng nhau hợp lực để xây dựng được chuỗi các quy trình nghiêm ngặt, khép kín từ khâu lựa chọn thổ nhưỡng, chăm sóc cây trồng đến chế biến và tiêu thụ.

Chia sẻ tại Diễn đàn “Vải thiều Việt Nam vươn ra thế giới" do Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với UBND tỉnh Bắc Giang, Hải Dương tổ chức ngày 16/6 tại Hà Nội, ông Phạm Văn Dũng, Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Hồng Xuân (Bắc Giang) cho biết, để sản phẩm vải thiều đáp ứng yêu cầu của các thị trường khó tính cần có quy trình chăm sóc kĩ lưỡng, môi trường trồng vải phải đảm bảo, nhất là việc sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật theo phương pháp “4 đúng”: Đúng thuốc, đúng nồng độ, đúng liều lượng và đúng quy trình.

“Trong tất cả các quy trình chăm sóc và thu hoạch, người dân đều cần phải có nhật ký ghi chép. Đặc biệt trong khâu thu hoạch cần đảm bảo vệ sinh không có mầm mống tác nhân gây bệnh. Hiện nay quy trình bảo quản vẫn còn gặp khó khăn nhất là khâu vận chuyển, sơ chế để có thể đảm bảo chất lượng vải tươi xuất khẩu cũng như sấy lạnh hay sấy công nghệ cao cho bảo quản", ông Dũng cho hay.

Theo chia sẻ của ông Dũng, với quy trình canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP cùng sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng đã giúp giá thành vải thiều tăng cao hơn trước từ 15%-20% khiến người trồng vải thấy hài lòng.

Là doanh nghiệp chuyên thực hiện xuất khẩu vải thiều ra thị trường nước ngoài, ông Nguyễn Đức Hưng, Giám đốc Công ty Toàn Cầu cho biết, các đơn vị tổ chức xuất khẩu hiện nay vẫn đang tập trung vào xuất khẩu quả vải tươi. Tuy nhiên, số lượng được cấp phép xuất khẩu chưa cao do thời gian bảo quản chỉ tối đa 40 ngày nên rất khó để đưa vải thiều đến các thị trường xa.

Chính vì vậy, địa phương, người dân và doanh nghiệp cần thực hiện đồng bộ giải pháp phát triển cũng như cải thiện sản phẩm vải thiều xuất khẩu. Ngoài quả vải tươi xuất khẩu, Việt Nam còn có có nhiều sản phẩm chế biến từ vải thiều giúp nâng khả năng bảo quản trong thời gian dài. “Thời gian tới, doanh nghiệp sẽ phát triển thêm các sản phẩm đóng hộp, hướng tới tạo nên hệ thống đồng bộ, đưa ra sự lựa chọn đa dạng hơn nhưng vẫn giữ được hương vị đặc trưng của sản phẩm vải thiều”, ông Hưng nói thêm.

Nhận xét về vải thiều Việt Nam, ông Saadi Salama, Đại sứ Palestine tại Việt Nam cho rằng, vải thiều là một loại trái cây dần thành trở thành niềm tự hào của Việt Nam nói riêng, thế giới nói chung. Trong vòng 10 năm qua, quả vải Việt Nam đã có nhiều thay đổi về chất lượng cũng như số lượng.

“Trong thời gian thu hoạch ngắn 2 tháng, để có thể xuất khẩu vải thiều đi khắp nơi trên thế giới trong điều kiện phải tươi, các cơ quan cần có sự chuẩn bị từ trước với đối tác, doanh nhân nước ngoài để có hợp đồng mua vải trước khi tới mùa để thuận lợi trong khâu vận chuyển tới các nước trên thế giới. Đặc biệt, các sản phẩm tại các cửa hàng ở Trung Đông đều có chữ Halal (Chứng nhận tiêu chuẩn Halal) nên sản phẩm vải thiều khi xuất khẩu vào khu vực này cần quan tâm đến tiêu chuẩn này và bắt buộc phải có chữ Halal”, Đại sứ Palestine lưu ý.

Đánh giá về khả năng tăng kim ngạch xuất khẩu vải thiều thời gian tới, ông Lê Hoàng Tài, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu chủ lực của vải thiều Việt Nam (chiếm 91% kim ngạch). Ngoài ra, Việt Nam còn có các thị trường khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, UAE...

Để tiếp tục duy trì hoạt động xuất khẩu vải thiều, ông Tài cho rằng các địa phương và các ban, ngành cần có thêm các hoạt động phối hợp, ngoại giao để hỗ trợ doanh nghiệp, không chỉ vải mà nhiều loại nông sản khác từ thu hoạch đến sơ chế, xử lý sản phẩm. Do thời gian bảo quản không dài nên các doanh nghiệp cần tính với loại quả tươi có thể đưa xa đến đâu để coi trọng vấn đề logistics.

“Đẩy mạnh xuất khẩu không chỉ đơn thuần là vận chuyển mà cần cả công đoạn sơ chế, bảo quản nên các doanh nghiệp cần tập trung tìm giải pháp đồng bộ trong khâu này để xây dựng thương hiệu. Tất cả các sản phẩm từ nước nhiệt đới, nếu không xử lý tốt khâu bảo quản sẽ rất khó tiếp cận và duy trì đối tác bền vững. Với thị trường truyền thống như Trung Quốc, vải thiều càng cần phải có chất lượng cao để xâm nhập vào các thành phố lớn như Thượng Hải, Bắc Kinh...”, ông Tài khuyến cáo./.

Lượt xem: 270
Tác giả: Nguyễn Quỳnh/VOV.VN
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật