Thứ sáu, 27/12/2024 - 22:37

Xuất khẩu gỗ dự kiến thu về 16 tỷ USD

Ngành công nghiệp gỗ Việt Nam đang có sự hồi phục tích cực, bước vào giai đoạn chuyển mình.

Công ty TNHH Đức Toàn Bình Định ở Khu kinh tế Nhơn Hội, thành phố Quy Nhơn xuất khẩu các sản phẩm đồ gỗ ngoại thất, sang thị trường Châu Âu, đạt doanh thu hơn 3 triệu USD/năm, tạo việc làm ổn định cho hơn 200 lao động. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Không chỉ mở rộng vị thế thương mại, doanh nghiệp gỗ còn từng bước khẳng định ở các phương diện công nghệ, sản xuất xanh và phát triển bền vững. Với mức tăng trưởng gần 21%, giá trị xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ đạt 13,18 tỷ USD trong 10 tháng, ngành chế biến gỗ xuất khẩu đang kỳ vọng có thể mang về từ 15,5 - 16 tỷ USD trong năm nay.

Hoa Kỳ là thị trường tiêu thụ gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam, chiếm thị phần trên 50%. Trung Quốc và Nhật Bản là hai thị trường lớn tiếp theo. So với cùng kỳ năm trước, giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ  sang thị trường Hoa Kỳ, Trung Quốc đều tăng trưởng mạnh với hai con số; riêng thị trường Nhật Bản chỉ tăng nhẹ. Trong 15 thị trường xuất khẩu chính, giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tăng mạnh nhất tại Tây Ban Nha với mức tăng trên 63%.

Nắm cơ hội tín hiệu phục hồi tích cực của thị trường, một số sản phẩm xuất khẩu chính đều tăng khá như dăm gỗ (tăng gần 38%), gỗ và sản phẩm gỗ (tăng trên 20%). Các hội, hiệp hội, doanh nghiệp chế biến gỗ và lâm sản đã nỗ lực, chủ động trong sản xuất, cũng như tìm kiếm thị trường xuất khẩu.

Đơn hàng của Công ty TNHH Xây Dựng và sản xuất MDF Hải Dương tăng trưởng khoảng 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Ông Phạm Ánh Dương, Giám đốc Công ty TNHH Xây Dựng và sản xuất MDF Hải Dương (Vinamdf) vui mừng cho biết, doanh nghiệp đã có đơn hàng đến quý I/2025.

Còn với Công ty TNHH Kẻ Gỗ, doanh nghiệp cũng vật lộn với nhiều khó khăn sau 2 năm có dịch COVID-19, nhưng năm nay đơn hàng đã có sự tăng trưởng trở lại. Ông Trịnh Xuân Dương, Giám đốc Công ty TNHH Kẻ Gỗ cho biết, thị trường sẽ ổn định và phát triển. Các sản phẩm ván dán, viên nén, dăm gỗ trong năm 2024 có tăng trưởng từ 25 - 30%.

Thị trường ván dán của Việt Nam chủ yếu là Hoa Kỳ, Nhật Bản, Malaysia; viên nén chủ yếu xuất sang Nhật Bản, Hàn Quốc trong khi thị trường chủ lực của dăm gỗ Việt Nam là Trung Quốc. Với những rủi ro từ thị trường, bất cứ doanh nghiệp nào cũng sẽ phải thích ứng nhanh, đẩy nhanh tốc độ phân tích số liệu cũng như xử lý tình huống. 

Điển hình là xu thế sản xuất và tiêu dùng tuần hoàn, doanh nghiệp phải thay đổi để thích ứng với những thay đổi này. Hay việc chuyển dịch mạnh trong cơ cấu sản phẩm với việc cho ra đời nhiều sản phẩm có tính ứng dụng trong thực tiễn đời sống. Năm 2025, doanh nghiệp tập trung phát triển nguồn nguyên liệu, rừng có chứng nhận, đồng thời, xây dựng kế hoạch mở rộng sản xuất.

Sau thời gian có những biến động về chính trị, thị trường, lãi suất… ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương (BIFA) đánh giá: Những vấn đề này đang có những tín hiệu tốt lên, tồn kho đang giảm, trong khi nhu cầu sản phẩm gỗ trên toàn cầu không giảm. Sự gia tăng trong xuất khẩu cho thấy nhu cầu tiêu thụ toàn cầu đang hồi phục và sản phẩm của Việt Nam ngày càng đáp ứng tốt các tiêu chuẩn quốc tế.

Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam chia sẻ, các doanh nghiệp FDI vừa giỏi về sản xuất, vừa làm tốt thị trường, trong khi doanh nghiệp Việt Nam mới làm tốt khâu sản xuất, còn yếu khâu thị trường, khâu xúc tiến thương mại. Các doanh nghiệp FDI mở công ty, kho, văn phòng, cửa hàng tại thị trường lớn; công tác thị trường rất hoàn chỉnh. Ngành gỗ Việt Nam đang hướng đến việc này. Các hiệp hội, doanh nghiệp đẩy mạnh khâu thị trường, xúc tiến thương mại sẽ giúp nâng vai trò của doanh nghiệp Việt Nam so với các doanh nghiệp FDI.

Theo ông Đỗ Xuân Lập, hiện ngày càng có nhiều triển lãm, xúc tiến thương mại chuyên ngành và nhiều doanh nghiệp lĩnh vực khác liên quan đến ngành cũng tham gia xúc tiến thương mại của doanh nghiệp ngành gỗ. Đồng thời, tương lai sẽ có nhiều kế hoạch cho các hội chợ tại các thành phố lớn, địa điểm trọng yếu của ngành gỗ sẽ thúc đẩy sự phát triển, tăng trưởng cho ngành

Tuy nhiên, các sản phẩm gỗ Việt Nam sang thị trường Hoa Kỳ sẽ tiếp tục có nguy cơ phải đối diện các vụ điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp của Mỹ. Theo ông Đỗ Xuân Lập, cách tốt nhất để cải thiện "sức khỏe" của ngành gỗ là các giải pháp về kỹ thuật, nâng cao công nghệ trong sản xuất; hướng tới sản xuất xanh, giảm phát thải. Đồng thời, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, phát triển thị trường, phát triển các thiết kế, nâng cao chất lượng đồ gỗ Việt Nam. Cùng đó, là có các giải pháp quản trị doanh nghiệp; trong đó, ưu tiên chuyển đổi số.

Trước những thách thức đặt ra cho ngành chế biến và xuất khẩu gỗ, ông Trần Quang Bảo, Cục trưởng Cục Lâm nghiệp cho rằng, cần đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu, xúc tiến thương mại ngành chế biến gỗ, nhất là qua các hội chợ, triển lãm chuyên ngành. 

Đặc biệt, để chuẩn bị nguồn nguyên liệu hợp pháp, chất lượng cho ngành chế biến gỗ xuất khẩu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tiếp tục triển khai thực hiện các chính sách khuyến khích phát triển gỗ lớn, gỗ có chứng chỉ quản lý rừng bền vững, phát triển hợp tác, liên kết trồng rừng sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm lâm sản.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang triển khai cấp thí điểm mã số vùng trồng rừng nguyên liệu tại các tỉnh: Bắc Giang, Lạng Sơn, Phú Thọ, Tuyên Quang và Yên Bái. Sau đó, đánh giá nhân trên diện rộng, nhằm từng bước cung cấp gỗ có nguồn gỗ hợp pháp đáp ứng các yêu cầu của thị trường quốc tế, đặc biệt là Quy định chống phá rừng (EUDR) của EU.

Lượt xem: 12
Nguồn:doanhnhanvn.vn Sao chép liên kết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật