Chủ nhật, 08/09/2024 - 08:29

Xúc tiến thị trường mới cho xuất khẩu hàng hoá

Trước tình hình thị trường xuất khẩu truyền thống của Việt Nam tiếp tục gặp khó, công tác xúc tiến thương mại tập trung vào các thị trường mới.

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, tháng đầu tiên của năm 2023, kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước đã giảm 17,3% so với tháng trước và giảm 25% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 1 ước đạt 25,08 tỷ USD, giảm 13,6% so với tháng trước.

Đáng nói, công nghiệp chế biến chế tạo không còn là động lực tăng trưởng của xuất khẩu khi kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng này giảm nhiều nhất tới 22,7% so với cùng kỳ năm trước, ước đạt 21,52 tỷ USD. Hàng nhiên liệu và khoáng sản ước đạt 245 triệu USD, giảm 9,7% so với cùng kỳ năm trước; hàng nông sản, lâm sản ước đạt 2,14 tỷ USD, chiếm 19,8%.

Theo lý giải của Bộ Công Thương, nguyên nhân chính dẫn tới sự sụt giảm trên là do Tết dương lịch và Tết Nguyên đán diễn ra trọn trong tháng 1 nên số ngày làm việc ít hơn tháng trước và tháng 1/2022.

xúc tiến thị trường xuất khẩu mới cho hàn
Xúc tiến thị trường mới cho xuất khẩu hàng hoá

Mặt khác, tình hình kinh tế thế giới khó khăn từ quý cuối của năm 2022 tiếp tục kéo dài sang năm nay khiến đơn hàng của doanh nghiệp chưa được cải thiện, thậm chí giảm.

Trước thực tế trên, công tác xúc tiến thương mại được lãnh đạo Bộ Công Thương giao nhiệm vụ duy trì thị trường truyền thống, khai mở thị trường mới cho xuất khẩu. Trong đó, khu vực châu Phi, Nam Mỹ là điểm đến.

Theo ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương, năm 2023 công tác xúc tiến thương được xác định là một trong những giải pháp quan trọng và hiệu quả góp phần hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất, phát triển thị trường trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu.

Bộ Công Thương đã ban hành Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại và Chương trình thương hiệu quốc gia năm 2023 với gần 300 hoạt động xúc tiến thương mại ở trong nước và quốc tế. Theo đó, sẽ có hàng trăm ngàn lượt doanh nghiệp được tham gia và hưởng lợi từ các hoạt động này.

Chương trình sẽ tập trung vào các nội dung: Kết nối giao thương doanh nghiệp Việt Nam với nhà mua hàng quốc tế; quảng bá sản phẩm xuất khẩu tại các hội chợ chuyên ngành quốc tế có uy tín tại các thị trường trọng điểm, các thị trường mới có tiềm năng; tổ chức các hội nghị ngành hàng quốc tế lớn tại Việt Nam để quảng bá tiềm năng xuất khẩu của Việt Nam, quảng bá ngành hàng xuất khẩu và các sản phẩm xuất khẩu tiêu biểu.

Đối với thị trường Trung Quốc, nhằm tranh thủ các cơ hội khi Trung Quốc đã mở cửa trở lại để đẩy mạnh khai thác thị trường cho các mặt hàng có thế mạnh như nông sản, thủy sản, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn hướng dẫn các nhà xuất khẩu hoàn thiện hồ sơ xuất khẩu chính ngạch để tận dụng các cơ hội.

Bộ Công Thương cũng đang xây dựng kế hoạch phối hợp với các Bộ, ngành Việt Nam và các cơ quan liên quan Trung Quốc tổ chức “Diễn đàn Thương mại Việt Nam - Thượng Hải lần thứ nhất về xuất khẩu chính ngạch nông, hải sản Việt Nam vào Trung Quốc qua cảng Thượng Hải” dự kiến vào tháng 4 tại Hà Nội và sẽ là diễn đàn thường niên nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - thương mại Việt Nam - Trung Quốc.
Lượt xem: 22
Tác giả: Hải Linh
Nguồn:congthuong.vn Sao chép liên kết
Tin liên quan