Thứ hai, 16/12/2024 - 10:03

Bên hành lang bệnh viện: Đi khám bệnh từ nửa đêm

Tại các bệnh viện tuyến Trung ương như Bạch Mai, Việt Đức, nhiều bệnh nhân phải đến từ nửa đêm, vật vờ ở trước cửa bệnh viện để lấy số khám bệnh.

Bên hành lang bệnh viện: Đi khám bệnh từ nửa đêm

Nhiều bệnh nhân tại các bệnh viện tuyến Trung Ương phải đến từ rất sớm, xếp hàng chờ lấy số khám bệnh. Ảnh: PV

Bệnh nhân xếp hàng đợi chờ trong mỏi mệt

Tình trạng quá tải trong khám, chữa bệnh diễn ra phổ biến tại nhiều bệnh viện tuyến Trung ương.

Vào những ngày cuối tháng 10, phóng viên báo Lao Động đã có mặt tại Bênh viện Bạch Mai (quận Đống Đa, Hà Nội) và Bệnh viện Việt Đức (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) - nơi tập trung rất nhiều bệnh nhân đến khám, chữa bệnh.

Tại Bệnh viện Bạch Mai vào lúc 4 giờ ngày 29.10, hàng chục bệnh nhân đứng, ngồi, túc trực ngay trước cửa nơi tiếp nhận bệnh nhân để lấy số khám bệnh. 

Nhiều bệnh nhân đứng, túc trực trước cửa khoa để được khám bệnh. Ảnh: PV

Nhiều bệnh nhân đứng, túc trực trước cửa khoa để được khám bệnh. Ảnh: PV

Hầu hết họ là những bệnh nhân từ các tỉnh lân cận Hà Nội, đến bệnh viện từ nửa đêm, ai cũng trong tình trạng mệt mỏi, nhiều người không chịu được ngồi bệt xuống đất, chờ đến giờ bệnh viện mở cửa.

Phải ở nhà người quen từ hôm trước, bà Tiên (60 tuổi, quê tại huyện Ứng Hòa, Hà Nội) cho biết, bà đã có mặt tại bệnh viện từ rất sớm để xếp hàng chờ lấy số.

Bà Tiên đang ngồi để đợi lấy số khám. Ảnh: PV

Bà Tiên đang ngồi để chờ xếp hàng lấy số khám. Ảnh: PV

"Tôi bị bệnh tiểu đường và xương khớp đã 10 năm rồi mà uống thuốc mãi không khỏi. Hằng tháng, tôi lại phải đi một mình từ Ứng Hòa đi ra Bệnh viện Bạch Mai để lấy thuốc. Biết là vất vả nhưng chỉ mong được khám bệnh nơi uy tín, bác sĩ tốt nhất", bà Tiên cho hay.

Cách Bệnh viên Bạch Mai khoảng 3km, tại Bệnh viện Việt Đức, theo ghi nhận của phóng viên vào 5 giờ 30 phút cùng ngày, rất nhiều bệnh nhân từ khắp các tỉnh thành đang xếp hàng từ tờ mờ sáng để lấy số khám bệnh.

Nhiều bệnh nhân phải ngồi bệt xuống đất để chờ lấy giấy khám. Ảnh: PV

Nhiều bệnh nhân phải ngồi bệt xuống đất để chờ lấy giấy khám. Ảnh: PV

Ngay trước cửa phòng khám bệnh theo yêu cầu, chị Linh (33 tuổi, quê tại huyện Mê Linh, Hà Nội) cho biết, bản thân cùng con gái đã phải xếp hàng từ 4 giờ sáng để lấy số. Hiện tại đã 6 giờ mà còn hơn chục người nữa mới tới lượt.

"Ngày thường tôi thì đi làm, còn con thì đi học. Hôm nay phải bỏ dở công việc để đưa con đi khám vì bị đau vai gáy, bé bị đau ê ẩm giữa phần xương sống và phần gáy. Do bệnh viện ở dưới đó không đáp ứng đủ điều kiện y tế nên tôi với con bé hàng tháng phải đến đây để lấy thuốc", chị Linh kể.

Triển khai giải pháp giúp bệnh nhân không cần xếp hàng, lấy số

Đại biểu quốc hội Đỗ Chí Nghĩa (đoàn Phú Yên) đánh giá, tình trạng người dân tới khám, chữa bệnh tại một số bệnh viện lớn của Hà Nội vẫn phải xếp hàng từ 4 - 5 giờ sáng, thậm chí phải chen lấn, là rất bất cập.

“Nếu các bệnh viện công áp dụng chuyển đổi số, bệnh nhân có thể đăng ký qua mạng, App tại nhà và đúng ngày giờ đó có thể đến bệnh viện để khám, chữa bệnh. Như vậy, bác sỹ sẽ đỡ vất vả, còn người bệnh không phải chen lấn, chờ đợi xếp hàng mệt mỏi, rất lãng phí thời gian.

Tại một số bệnh viện tuyến đầu, quy trình xếp sổ, lấy số khám bệnh, đợi chờ xét nghiệm đang tiêu tốn lớn thời gian. Các quy trình hướng dẫn bệnh nhân tới viện khám, tư vấn dịch vụ chữa bệnh cần bài bản, chuyên nghiệp hơn nữa”, ĐBQH Đỗ Chí Nghĩa đề xuất.

Tại các hàng ghế chờ, bệnh nhân ngồi kín chỗ chờ giờ bệnh viện mở cửa. Ảnh: PV

Tại các hàng ghế chờ, bệnh nhân ngồi kín chỗ chờ giờ bệnh viện mở cửa. Ảnh: PV

Thực tế, tình trạng quá tải tại các bệnh viện tuyến Trung ương diễn ra nhức nhối nhiều năm qua. Để người dân giảm bớt vất vả cho người dân khi chờ đợi lấy số khám bệnh, năm 2021, Bộ Y tế đã triển khai dịch vụ đặt lịch khám, chữa bệnh trực tuyến.

Việc triển khai dịch vụ đặt lịch khám, chữa bệnh trực tuyến được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều tiện ích cho người dân và nhân viên y tế.

 

 Người dân chờ đợi lấy số khám bệnh từ tờ mờ sáng, họ đã đến bệnh viện từ nửa đêm.

Tuy vậy, theo lãnh đạo một số bệnh viện và chuyên gia công nghệ, để việc đặt lịch khám, chữa bệnh trực tuyến phát huy hiệu quả, còn nhiều việc phải làm, từ giải pháp kỹ thuật (vừa thuận tiện, dễ sử dụng, vừa bảo mật được thông tin), đến việc truyền thông giúp người dân hiểu và thực hiện.

Bên cạnh đó, để giải quyết tình trạng quá tải bệnh nhân, Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Việt Đức đã khánh thành cơ sở 2 tại thành phố Phủ Lý, Hà Nam vào tháng 10.2018. Thế nhưng, cho đến nay, cả hai bệnh viện đều đóng cửa và không biết đến khi nào mới đi vào hoạt động.

Lượt xem: 63
Nguồn:laodong.vn Sao chép liên kết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật