Bộ Y tế chỉ đạo tăng cường kiểm tra, hậu kiểm thực phẩm trên toàn quốc
Cục An toàn thực phẩm vừa chỉ đạo các Sở Y tế, Chi cục toàn thực phẩm tăng cường công tác kiểm tra, hậu kiểm để phát hiện thực phẩm giả, kém chất lượng.
Bộ Y tế chỉ đạo tăng cường kiểm tra, hậu kiểm thực phẩm sau vụ hàng trăm loại sữa giả bị công an phanh phui. Ảnh minh họa: AI
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 41/CĐ-TTg ngày 17.4.2025 về xử lý vụ việc sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, Cục An toàn thực phẩm (ATTP) - Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế các tỉnh thành phố trực thuộc trung ương, Sở ATTP TP HCM, Ban quản lý ATTP TP Đà Nẵng, Chi cục ATTP các tỉnh thành phố khẩn trương thực hiện loạt biện pháp để kiểm soát thực phẩm giả, kém chất lượng.
Tăng cường quản lý sản phẩm tự công bố, đăng ký bản công bố theo hướng dẫn tại công văn số 2792/ATTP-SP của Cục ATTP; Chủ động xây dựng kế hoạch hậu kiểm và triển khai hậu kiểm theo công văn số 2792/ATTP-SP, 730/ATTP-PCCTr và 296/ATTP-PCCTr của Cục ATTP.
Bên cạnh đó chủ động phối hợp với chính quyền địa phương, tăng cường tuyên truyền để hướng dẫn người dân tránh mua phải thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả hoặc chưa được cấp Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố.
Trong đó nhấn mạnh, thực phẩm bảo vệ sức khỏe không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh; thực phẩm bảo vệ sức khỏe phải được cấp Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm.
Thông tin tra cứu tại: https://vfa.gov.vn và https://dichvucong.moh.gov.vn; Người tiêu dùng cần kiểm tra kỹ thông tin sản phẩm trên nhãn: tên, ngày sản xuất, hạn dùng, thành phần, công dụng, cảnh báo, địa chỉ thương nhân…
Hướng dẫn phân biệt quảng cáo vi phạm (ví dụ: quảng cáo có bác sĩ, cam kết khỏi bệnh, thiếu dòng cảnh báo…). Tham khảo video cảnh báo vi phạm tại website của Cục ATTP; Phối hợp với Sở Công Thương và các cơ quan chức năng kiểm tra, hậu kiểm, phát hiện và xử lý kịp thời các sản phẩm giả, kém chất lượng; Rà soát các sàn thương mại điện tử, ứng dụng bán hàng, website… để gỡ bỏ các sản phẩm chưa công bố.
Phối hợp với Sở VHTT&DL để kiểm tra, xử lý nghiêm quảng cáo sai phạm trên mạng xã hội.
Bộ Công an vừa triệt phá đường dây sản xuất sữa giả với quy mô lớn, có doanh thu gần 500 tỉ đồng xảy ra tại Công ty Cổ phần Dược quốc tế Rance Pharma và Công ty Cổ phần Dược dinh dưỡng Hacofood Group.
Đường dây này sản xuất, buôn bán, tiêu thụ sữa giả với số lượng lớn tại Hà Nội và nhiều tỉnh, thành trong cả nước, khiến người dân hết sức lo ngại về vấn đề thực phẩm, thực phẩm bảo vệ sức khỏe tràn lan, kiểm soát lỏng lẻo như hiện nay.