Thứ năm, 19/09/2024 - 08:48

Cà Mau: Tiết kiệm chi trong quản lý hành chính được hơn 22 tỷ đồng

Nhằm nâng cao hiệu quả công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, UBND tỉnh Cà Mau chú trọng nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị và doanh nghiệp trong việc lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức, triển khai thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; thường xuyên quan tâm giáo dục về phẩm chất, đạo đức và trách nhiệm công vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tại các cơ quan, đơn vị. Cùng với đó, tỉnh tăng cường chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí bằng nhiều hình thức, đa dạng nội dung để nâng cao, thống nhất nhận thức, trách nhiệm với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân và toàn xã hội.

Khẳng định rõ tầm quan trọng của thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lâm Văn Bi cho biết, đây là một nhiệm vụ trọng tâm, luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, theo dõi, giám sát, tổng kết, đánh giá của HĐND và sự điều hành chủ động, linh hoạt của UBND trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Từ đó, các chủ trương, chính sách và giải pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã được thực hiện nhất quán ở các cấp, góp phần nâng cao phòng ngừa, ngăn chặn và đẩy lùi lãng phí.

UBND tỉnh Cà Mau thực hiện giải pháp siết chặt kỷ luật tài khóa, ngân sách nhà nước; bảo đảm chi chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả, đúng dự toán được HĐND tỉnh quyết nghị. Việc thực hiện triệt để tiết kiệm các khoản chi thường xuyên và các khoản chi chưa thực sự cần thiết đã góp phần bảo đảm nguồn lực cho phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, bổ sung vốn đầu tư phát triển và hỗ trợ phục hồi kinh tế của tỉnh. Đây là giải pháp phù hợp, linh hoạt, mang lại hiệu quả thiết thực trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ở Cà Mau thời gian qua.

Thời gian tới, UBND tỉnh tiếp tục tăng cường công tác quản lý, sử dụng vốn đầu tư xây dựng cơ bản; có giải pháp khắc phục tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, nhất là vốn của 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó có các nguồn vốn từ các năm trước chuyển sang năm 2024. Mặt khác, tỉnh quan tâm xử lý các tồn tại, hạn chế trong công tác quyết toán, tất toán các dự án, công trình hoàn thành, việc thu hồi tạm ứng; kiểm tra, rà soát, chấn chỉnh, xử lý tình hình quản lý, sử dụng, xây dựng đề án sử dụng tài sản công vào mục đích liên doanh, liên kết, kinh doanh, cho thuê đảm bảo theo đúng quy định; về tình hình quản lý, sử dụng nhà đất, đất công được giao còn nhiều hạn chế, bất cập, chưa đúng quy định; đẩy nhanh tiến độ định giá đất cụ thể của các địa phương; sớm có giải pháp xử lý các công trình nước sạch nông thôn sử dụng không hiệu quả, lãng phí...

Sáu tháng đầu năm 2024, tỉnh Cà Mau thực hiện tiết kiệm dự toán chi thường thường xuyên theo chỉ đạo của Chính phủ để tạo nguồn cải cách tiền lương của tỉnh với số tiền hơn 174 tỷ đồng. Địa phương còn thực hành tiết kiệm chi trong quản lý hành chính được hơn 22 tỷ đồng; tiết kiệm trong mua sắm, sửa chữa phương tiện đi lại hơn 5,5 tỷ đồng; thu hồi tạm ứng hơn 81 tỷ đồng trong tổng số 757 tỷ đồng cần thu hồi trong giai đoạn 2024 - 2025; tiết kiệm trong chi đầu tư xây dựng với số tiền hơn 59 tỷ đồng; tiết kiệm chi phí, giá thành sản xuất kinh doanh hơn 3,5 tỷ đồng; tiết kiệm trong quản lý đầu tư xây dựng hơn 1,2 tỷ đồng...

Đơn cử, UBND tỉnh Cà Mau chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Đề án quản lý xe ô tô công tập trung của các đơn vị cấp tỉnh trên địa bàn. Qua thống kê, toàn tỉnh có 3.131 lượt đăng ký sử dụng xe ô tô công tập trung trong sáu tháng đầu năm nay. Cụ thể, có 1.404 lượt sử dụng xe 4 chỗ, 1.386 lượt sử dụng xe 7 chỗ, 341 lượt sử dụng xe từ 10 - 16 chỗ; trung bình từ 17-18 lượt/ngày. Việc điều động xe ô tô luôn kịp thời, đáp ứng yêu cầu công tác của các cơ quan, đơn vị, các lái xe đều chấp hành nghiêm túc quy định của pháp luật khi tham gia giao thông. Cùng với việc thực hiện rà soát, sắp xếp lại xe ô tô công theo định mức, tiêu chuẩn quy định tại Nghị định số 72/2023/NĐ-CP ngày 26/9/2023 của Chính phủ quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô, tỉnh đã góp phần tiết kiệm đáng kể nguồn ngân sách nhà nước.

Bên cạnh đó, cơ quan chức năng thực hiện thanh tra, kiểm tra hành chính 71 cuộc, qua đó phát hiện sai phạm về kinh tế phải thu hồi với số tiền hơn 5,8 tỷ đồng. Thanh tra, kiểm tra chuyên ngành 655 cuộc đối với 1.246 cơ sở, cá nhân; phát hiện 133 tổ chức, cá nhân vi phạm, quyết định xử phạt với số tiền hơn 3,2 tỷ đồng.

Mặc dù UBND tỉnh đã quyết liệt triển khai nhiều giải pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, song tình trạng lãng phí, chưa tiết kiệm vẫn còn tồn tại trên một số lĩnh vực với mức độ khác nhau. Do vậy, tỉnh luôn đề cao vai trò, trách nhiệm của của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương gắn với việc tăng cường công tác kiểm tra nội bộ, nhằm kịp thời phát hiện những hạn chế và phòng ngừa, ngăn chặn từ xa những hành vi vi phạm pháp luật trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí./.

Kim Há

Lượt xem: 5
Tác giả: Quách Kim Há
Nguồn:TTXVN Sao chép liên kết
Tin liên quan