Chủ nhật, 24/11/2024 - 16:39

Cần có chính sách đột phá, khuyến khích phát triển công nghiệp điện ảnh

Sáng 29/3, các đại biểu Quốc hội thảo luận về dự án Luật Điện ảnh sửa đổi.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu.

Đồng chí Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu

Nới quy định để thu hút các nhà làm phim nước ngoài

Tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh trình bày Báo cáo về dự kiến tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi). Đây là dự án Luật có tính chuyên môn sâu, phức tạp, một số vấn đề mới chưa có nhiều kinh nghiệm thực tiễn tại Việt Nam nên việc tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật được tiến hành thận trọng, kỹ lưỡng.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, 8 nhóm vấn đề còn có ý kiến khác được các đại biểu Quốc hội quan tâm gồm: Chính sách của Nhà nước về phát triển điện ảnh, công nghiệp điện ảnh; Hợp tác đầu tư nước ngoài trong hoạt động điện ảnh; Những nội dung và hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động điện ảnh; Việc sản xuất phim gồm cung cấp dịch vụ sản xuất phim cho tổ chức, cá nhân nước ngoài, sản xuất phim sử dụng ngân sách Nhà nước, chế độ ưu đãi đối với tổ chức nước ngoài sử dụng dịch vụ sản xuất phim Việt Nam. Cùng với đó là vấn đề phổ biến phim trên không gian mạng; Việc cấp giấy phép phân loại phim, thẩm định và phân loại phim; việc phân loại phim; Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho biết, một số ý kiến đề nghị cần có chính sách đột phá hơn về đầu tư, hỗ trợ và ưu đãi của Nhà nước để phát triển điện ảnh và công nghiệp điện ảnh.

Về cung cấp dịch vụ sản xuất phim cho tổ chức, cá nhân nước ngoài, vẫn còn ý kiến đại biểu Quốc hội kiến nghị không yêu cầu các tổ chức, cá nhân nước ngoài cung cấp kịch bản phim hoặc chỉ cung cấp kịch bản phim khi sử dụng bối cảnh quay tại Việt Nam hoặc sử dụng diễn viên Việt Nam.

Vì còn ý kiến khác nên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục xin ý kiến đại biểu Quốc hội 2 phương án gồm: Phương án 1 là quy định yêu cầu kịch bản tóm tắt phim và kịch bản chi tiết nội dung quay tại Việt Nam và phương án 2 là quy định yêu cầu kịch bản đầy đủ.

Một số ý kiến đại biểu còn kiến nghị đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn thời gian cấp giấy phép cung cấp dịch vụ sản xuất phim do tổ chức, cá nhân nước ngoài; Đồng thời, có ý kiến đề nghị làm rõ quy trình hợp tác sản xuất phim, trách nhiệm của các cơ sở điện ảnh trong nước cung cấp dịch vụ phim cho tổ chức, cá nhân nước ngoài.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương)

Khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện ảnh

Tại phiên thảo luận, đại biểu Dương Minh Ánh (đoàn Hà Nội) bày tỏ quan tâm đến vấn đề thẩm quyền cấp giấy phép, thẩm định và phân loại phim. Cụ thể, trong Điều 27, điểm a quy định Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp giấy phép phân loại phim đối với phim Việt Nam do cơ sở điện ảnh của Trung ương sản xuất; UBND cấp tỉnh cấp giấy phép phân loại phim đối với phim Việt Nam do cơ sở điện ảnh của địa phương sản xuất.

Theo đại biểu Dương Minh Ánh, quy định này đặt ra những bất cập cần cân nhắc. “Việc giao địa phương cấp giấy phép phân loại phim sẽ gây áp lực lớn cho địa phương, chưa kể các địa phương vùng sâu, vùng xa còn thiếu nguồn nhân lực sẽ ảnh hưởng đến kết quả thẩm định. Vì thế, tôi cho rằng, cần giao cho cơ quan quản lý điện ảnh của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp giấy phép phân loại phim hoặc về lâu dài có thể cho phép các trung tâm thẩm định tác phẩm điện ảnh với các điều kiện đi kèm”, đại biểu Dương Minh Ánh kiến nghị.

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (đoàn Lạng Sơn) nhấn mạnh, dự thảo Luật chưa có điều khoản nào khuyến khích sự phát triển công nghiệp điện ảnh dành cho đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vì thế cần bổ sung nội dung này vào để phù hợp với thực tiễn.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) tán thành phương án một và cho rằng, việc sửa đổi Luật lần này nhằm tháo gỡ khó khăn, nút thắt cản trở sự phát triển của điện ảnh những năm qua; Tạo cơ chế, chính sách để điện ảnh Việt Nam phát triển tương xứng với tiềm năng.

Báo cáo giải trình cũng đã nêu rõ việc thu hút các tổ chức nước ngoài đến Việt Nam quay phim hoặc hợp tác sản xuất phim là rất quan trọng, góp phần nâng cao tính chuyên nghiệp của đội ngũ làm điện ảnh, đồng thời quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, thúc đẩy điện ảnh, du lịch và các dịch vụ liên quan phát triển.

Cần có chính sách đột phá, khuyến khích phát triển công nghiệp điện ảnh

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng giải trình các vấn đề đại biểu Quốc hội nêu

"Nếu ngay khâu đầu tiên tiếp cận dịch vụ sản xuất phim, các tổ chức nước ngoài đã vấp ngay rào cản là cung cấp kịch bản phim đầy đủ thì họ sẽ không mặn mà với việc sử dụng dịch vụ. Lý do là kịch bản phim đầy đủ liên quan vấn đề bản quyền, ý tưởng sáng tạo nghệ thuật. Trong sản xuất tác phẩm nghệ thuật cần giữ bí mật, tránh bị copy ý tưởng", đại biểu nói.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga băn khoăn, sẽ thế nào nếu phim chưa ra mắt khán giả mà ý tưởng kịch bản đã bị đánh cắp hay bị sao chép? Một bộ phim chỉ được coi là tác phẩm hoàn chỉnh khi ra mắt khán giả. Từ đó, đại biểu đề nghị chỉ cần cung cấp kịch bản tóm tắt và chi tiết phần quay ở Việt Nam là đủ. Bởi vì, kịch bản chi tiết mới chỉ là bộ khung, đạo diễn sau này còn có thể thêm bớt nhiều chi tiết, khác với ý tưởng ban đầu.

Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đã tiếp thu, giải trình và làm rõ một số nội dung mà các đại biểu Quốc hội quan tâm.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, để hoàn thiện dự án Luật này, cơ quan soạn thảo đã nghiên cứu 20 luật của các quốc gia phát triển để tìm ra xu hướng chung của các nước, không bị lạc hậu và qua đó đưa ra các chính sách phát triển phù hợp với thực tiễn ở Việt Nam.

Bộ trưởng nhấn mạnh, trên cơ sở các ý kiến, kiến nghị của các đại biểu Quốc hội, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu và hoàn chỉnh, trình cơ quan liên quan để dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) được thông qua tại kỳ họp thứ ba sắp tới.

Lượt xem: 522
Tác giả: Anh Đức
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật