Thứ sáu, 22/11/2024 - 04:49

Cần hành lang pháp lý vững chắc cho xã hội hoá y tế

Xã hội hóa trong lĩnh vực y tế hiện nay đang gặp nhiều khó khăn do hành lang pháp lý chưa hoàn thiện, có nhiều lỗ hổng dẫn tới những khó khăn cho bệnh viện trong triển khai.

Cần cơ chế huy động thu hút xã hội hóa trong khám chữa bệnh

Ngành Y tế đang là "điểm nóng" thu hút sự quan tâm của nhân dân đặc biệt là sau vụ việc của công ty Việt Á. Ngày 13/6, thảo luận về Dự án Luật Khám chữa bệnh (sửa đổi), vấn đề xã hội hoá y tế và đầu tư cho y tế cơ sở cũng làm "nóng" nghị trường Quốc hội.

Đặc biệt, nhiều khó khăn trong vấn đề liên doanh, liên kết xảy ra trong thời gian qua như khó khăn về định giá quyền sử dụng đất, định giá tài sản trên đất; khó khăn về thương hiệu của cơ sở y tế công lập để tính tỷ lệ phân chia giữa bệnh viện công và bệnh viện tư; khó khăn liên quan đến định giá tài sản của bệnh viện tư liên doanh liên kết; khó khăn liên quan đến thời gian hợp đồng thực hiện liên doanh, liên kết.

Y bác sĩ điều trị bệnh nhân COVID-19
Ảnh minh hoạ

Vì vậy, hàng loạt các vụ việc đã xảy ra như tình trạng lạm dụng các chi phí xét nghiệm, chi phí liên quan đến người bệnh trong sử dụng tài sản liên doanh, liên kết.

Qua theo dõi các vụ án trong lĩnh vực y tế, việc "thổi giá" không chỉ phát hiện trong dự án đấu thầu, mua sắm trang thiết bị y tế mà còn trong triển khai đề án xã hội hóa liên doanh liên kết tại bệnh viện công lập.

Trong khi đó, hiện tượng thiếu thuốc, khan hiếm vật tư y tế diễn ra suốt nhiều tháng qua tại các cơ sở y tế. Nhiều nguyên nhân được đưa ra, nhưng trong đó, chủ yếu là các cơ sở y tế vẫn còn e dè thực hiện các gói thầu mua sắm thiết bị y tế.

Trước tình hình thiếu thuốc điều trị theo diện bảo hiểm y tế, Bộ Y tế đã yêu cầu các địa phương và cơ sở y tế công lập mua sắm để kịp thời cung ứng thuốc. Sở Y tế nhiều tỉnh, thành phố đã yêu cầu các đơn vị khắc phục tình trạng thiếu thuốc, thiếu vật tư, trang thiết bị y tế, không để ảnh hưởng đến công tác điều trị và chăm sóc người bệnh.

Ông Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết, vượt qua đại dịch COVID-19, ngành Y tế lại đối mặt với thách thức lớn trong việc phục hồi. Bên cạnh những khó khăn vốn có như thiếu nhân lực, chất lượng cơ sở vật chất, thuốc men..., cán bộ nhân viên ngành Y lại chịu thêm sức ép về tinh thần vì những biến cố trong thời gian gần đây. Cán bộ ngành Y đang bối rối, loay hoay vì "đi đâu cũng vướng, làm gì cũng có thể sai khi hệ thống pháp luật chưa hoàn chỉnh".

Bệnh nhân chịu nhiều thiệt thòi

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho biết, Việt Nam có hệ thống và tổ chức mạng lưới y tế cơ sở có quy mô vào loại hàng đầu thế giới, với các trạm y tế được tổ chức đến tận các xã, phường, thị trấn.

Đây là mô hình mà kể cả các quốc gia phát triển trên thế giới cũng không có được. Tuy nhiên với đội ngũ nhân viên y tế vừa thiếu, vừa yếu, các trạm y tế đã không phát huy được chức năng chăm sóc sức khoẻ người dân từ sớm, từ xa, ngay từ cơ sở.

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân điều trị tại Trung tâm Chống độc
Ảnh minh hoạ

“Thực tiễn tại các thành phố lớn cho thấy việc phân bổ trạm y tế theo địa giới hành chính là không còn phù hợp, khi quy mô dân số tại một số phường ở Hà Nội hay TP HCM lên đến gần 100.000 dân vẫn chỉ được bố trí 1 trạm y tế với số lượng nhân lực tối đa 10 nhân viên”, Giám đốc Sở Y tế chia sẻ.

Bà Hà cũng cho hay nhiều năm qua, ngành Y tế đã đưa ra nhiều giải pháp như tăng cường nhân, vật lực, đưa bác sĩ mới ra trường về trạm y tế thực hành, luân phiên người hành nghề từ tuyến trên về tuyến dưới… Tuy nhiên, tất cả đều chưa đem lại hiệu quả rõ rệt.

Đặc biệt, hơn 2 năm vừa qua, đại dịch COVID-19 đã càn quét làm sức khoẻ nhân dân bị tổn thương nặng nề, yêu cầu chống dịch như chống giặc đã bộc lộ thêm tính bất cập của hệ thống pháp luật y tế hiện hành.

Để giải quyết được vấn đề này, hệ thống y tế phải có các trung tâm chẩn đoán hình ảnh, trung tâm xét nghiệm, trung tâm hồi sức cấp cứu vùng được đầu tư các công nghệ hiện đại. Tất cả phải liên thông kết quả chẩn đoán, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả trong đầu tư nhưng vẫn đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân.

Theo GS.TS Nguyễn Anh Trí (Đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội), nguyên Viện trưởng Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương cho biết, thực tế một số bệnh viện công trên toàn quốc xảy ra tình trạng thiếu vật tư y tế, thuốc men, sinh phẩm, thậm chí thiếu cả thiết bị y tế không phải là câu chuyện mới.

Cũng theo ông Nguyễn Anh Trí, hiện nay y tế cả nước đang chao đảo, những chiến binh áo trắng kiên cường trong chống dịch COVID-19, trong hoạt động bảo vệ sức khỏe Nhân dân nay đang buông tay đứng nhìn. Họ nhìn thấy hoạt động mua sắm thuốc men, vật tư sinh phẩm đang bị đứt gãy nghiêm trọng vì các nhà thầu rất dè dặt cung cấp vì các công ty tư vấn thẩm định hoặc tan vỡ hoặc tạm nghỉ.

"Thiệt thòi lớn nhất đã xảy ra cho chính người bệnh, cho chính người dân, cán bộ y tế chúng tôi đang nhìn thấy và rất đau lòng về điều đó. Cán bộ y tế muốn làm nhưng vì thiếu một hành lang pháp lý đầy đủ và phù hợp nên không thể làm được", ông Trí chia sẻ.

Nhiều bệnh nhân khi tới các bệnh viện khám, nhưng bác sỹ không chỉ định thực hiện được các kỹ thuật do bệnh viện thiếu vật tư, hóa chất.

Lượt xem: 286
Tác giả: Phương Thu
Nguồn:tuoitrethudo.com.vn Sao chép liên kết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật