Thứ sáu, 20/09/2024 - 04:37

Cặp đôi dàn kịch tống tiền mẹ đẻ, có thể bị xử lý tội cưỡng đoạt tài sản

Chuyên gia pháp lý cho rằng, cặp đôi dàn dựng màn kịch bị bắt cóc, đánh đập để tống tiền mẹ đẻ, có thể bị xử lý về tội cưỡng đoạt tài sản theo quy định tại điều 170 Bộ Luật hình sự.

Cặp đôi dàn kịch tống tiền mẹ đẻ, có thể bị xử lý tội cưỡng đoạt tài sản

Như báo Tuổi trẻ Thủ đô đã thông tin, ngày 22/9, Công an huyện Ba Vì, TP Hà Nội, đang điều tra, củng cố hồ sơ để xử lý Đào.M.H (34 tuổi, ở xã Cẩm Lĩnh, huyện Ba Vì) và Trần Thị P (33 tuổi), trú tại xã Mộ Đạo, huyện Quế Võ, Bắc Ninh về hành vi dựng hiện trường giả để tống tiền.

Theo tài liệu điều tra, tối 18/9, Công an huyện Ba Vì, Hà Nội nhận được đơn trình báo của bà Phùng Thị M, trú tại xã Cẩm Lĩnh, huyện Ba Vì về việc chiều cùng ngày, một tài khoản mạng xã hội Zalo đã nhắn tin cho bà M với nội dung con trai bà là Đào Minh H đang bị “xã hội đen” bắt giữ, đánh đập. Cùng với tin nhắn là hình ảnh Đào Minh H bị trói, chảy máu ở vùng mặt và đe dọa, uy hiếp bà M phải chuyển số tiền 130 triệu đồng cho chủ nợ, nếu không H sẽ bị chặt ngón tay và giết.

Hình ảnh nam thanh niên cùng người tình dựng kịch, bôi máu đầy mặt để tống tiền mẹ đẻ

Hình ảnh nam thanh niên cùng người tình dựng kịch, bôi máu đầy mặt để tống tiền mẹ đẻ

Vào cuộc điều tra, đến chiều 19/9, Công an huyện Ba Vì đã tìm thấy Đào Minh H đang ở một mình tại phòng trọ do H thuê ở xã Yên Giá, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh. H không bị trói, giữ hay có bất kỳ thương tích nào trên cơ thể.

Quá trình làm việc, Đào Minh H khai nhận, do không tìm được việc làm nên ngày 12/9, H vay bà M 50 triệu đồng để nộp phí xin đi xuất khẩu lao động tại Nhật Bản. nhưng bà M không cho vì không muốn con đi xuất khẩu lao động.

Không có tiền, nam thanh niên này bèn rủ người yêu là Trần Thị P, dựng màn kịch bị bắt cóc, đánh đập để ép bà M chuyển số tiền 130 triệu đồng. Hiện Công an huyện Ba Vì đang củng cố hồ sơ để xử lý nghiêm các đối tượng theo quy định.

Trao đổi với PV báo Tuổi trẻ Thủ đô về vụ việc trên, Tiến sỹ, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết: Với thông tin ban đầu từ phía cơ quan chức năng thì vụ việc bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản là giàn dựng nên không thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản theo quy định tại điều 169 bộ luật hình sự.

Tuy nhiên hành vi của các đối tượng là thủ đoạn đe dọa uy hiếp tinh thần của người khác (bà Phùng Thị M, mẹ đẻ của đối tượng) nhằm chiếm đoạt tài sản. Hành vi này thỏa mãn các dấu hiệu cấu thành tội phạm của tội cưỡng đoạt tài sản quy định tại điều 170 bộ luật hình sự. Bởi vậy cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với cặp đôi này về tội cưỡng đoạt tài sản, trong đó bao gồm cả đối tượng là con của nạn nhân.

Khi lực lượng công an tìm thấy, nam thanh niên vẫn hoàn toàn bình thường, không ai bắt giữ đánh đập

Khi lực lượng công an tìm thấy, nam thanh niên vẫn hoàn toàn bình thường, không ai bắt giữ đánh đập

"Theo quy định của pháp luật thì hành vi cưỡng đoạt tài sản là hành vi đe dọa dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần của người khác nhằm chiếm đoạt tài sản. Các đối tượng đã cấu kết với nhau đưa ra những thông tin gian dối về việc bắt cóc con trai của nạn nhân khiến nạn nhân lo lắng sợ hãi nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản.

Cơ quan điều tra sẽ đánh giá tính chất mức độ của hành vi phạm tội, làm rõ phương thức thủ đoạn phạm tội và mục đích chiếm đoạt tài sản, xác định hậu quả nạn nhân lo lắng sợ hãi đến mức có thể phải giao tài sản cho đối tượng gây án để chứng minh tội phạm, chứng minh hành vi thỏa mãn các dấu hiệu cấu thành tội phạm của tội cưỡng đoạt tài sản", luật sư Đặng Văn Cường nói.

Điều 170. Tội cưỡng đoạt tài sản

1. Người nào đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm: a) Có tổ chức; b) Có tính chất chuyên nghiệp; c) Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ; d) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng; đ) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; e) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm: a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng; b) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm: a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500 triệu đồng trở lên; b) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Lượt xem: 138
Tác giả: Thành Lộc
Tin liên quan