Thứ sáu, 20/09/2024 - 05:02

Diễn đàn kinh tế - xã hội Việt Nam 2022: Đánh giá toàn diện, khách quan thực trạng nền kinh tế

Diễn đàn Kinh tế - xã hội Việt Nam 2022 sẽ xem xét đánh giá toàn diện, khách quan thực trạng nền kinh tế trong 9 tháng đầu năm 2022 và dự báo cả năm 2022.

Ngày 15/9, Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội; Ban Kinh tế Trung ương; Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam tổ chức họp báo Diễn đàn kinh tế xã hội Việt Nam 2022: Củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững.

Giảm giá xăng dầu cần xem lại yếu tố cấu thành giá xăng dầu

Ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phát biểu tại buổi họp báo

Diễn đàn sẽ diễn ra trong cả ngày 18/5 với khoảng 400 đại biểu tham dự trực tiếp tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia và một số chuyên gia, nhà khoa học ở nước ngoài tham dự theo hình thức trực tuyến.

Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm 2021 đã tập hợp, bổ sung các luận cứ khoa học, thực tiễn giúp Quốc hội, Chính phủ đưa ra các quyết sách quan trọng nhằm phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, tập trung trong 2 năm 2022 và 2023. Cho đến nay, các chính sách đã từng bước đi vào cuộc sống, vừa có tác động trước mắt, vừa có tác động lâu dài và nhận được sự quan tâm, đánh giá cao của dư luận trong nước cũng như quốc tế.

Năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng trong thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời tạo tiền đề để “bứt phá” thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025.

Tuy nhiên, theo dự báo của các tổ chức trong nước và quốc tế, giai đoạn sắp tới, kinh tế - xã hội nước ta phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nền kinh tế tiềm ẩn nhiều rủi ro về ổn định vĩ mô, các cân đối lớn, nhất là về điện, xăng dầu; áp lực lạm phát tăng cao cộng hưởng với sự gia tăng giá cả nhập khẩu đầu vào, chi phí vận tải, logistics, nguy cơ gián đoạn nguồn cung từ Trung Quốc, ảnh hưởng từ xung đột Nga - Ukraine.

Qua đó, tác động đến đời sống người dân, nhất là người nghèo, người có thu nhập thấp; làm giảm sức chống chịu và phục hồi của doanh nghiệp, ảnh hưởng đến các chính sách hỗ trợ đã ban hành.

Vì vậy, để đạt các mục tiêu, nhiệm vụ theo các nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết khác của Quốc hội, tiếp nối thành công của Diễn đàn năm 2021, Diễn đàn năm 2022 dự kiến được tổ chức sẽ bổ sung thêm luận cứ khoa học, thực tiễn, tham khảo kinh nghiệm quốc tế, tham vấn các chuyên gia trong và ngoài nước, cùng với bám sát diễn biến, tình hình, từ đó có phân tích, dự báo, kịp thời đề xuất các giải pháp chính sách giảm thiểu tác động tiêu cực, nắm bắt các cơ hội, thời cơ, đặc biệt là đối với chính sách tài khóa, tiền tệ, chính sách an sinh - xã hội...

Đồng thời có cơ chế kiểm tra, giám sát để hỗ trợ nền kinh tế vượt qua khó khăn, phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng, phát triển bền vững. Các ý kiến phát biểu thẳng thắn, khách quan, đa chiều và có cơ sở tại Diễn đàn sẽ là nguồn tư liệu quý để các cơ quan của Đảng, Quốc hội và Chính phủ nghiên cứu, tham khảo để tham mưu ban hành các chính sách quan trọng trong thời gian tới.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, Diễn đàn Kinh tế - xã hội Việt Nam 2022 sẽ tập trung trao đổi, thảo luận về các nội dung như: Làm rõ bối cảnh quốc tế; xu hướng cơ cấu lại nền kinh tế; các căng thẳng, xung đột, xu hướng dịch chuyển địa kinh tế và thách thức mới đối với phục hồi và phát triển kinh tế bền vững.

Bên cạnh đó, đánh giá toàn diện, khách quan thực trạng nền kinh tế Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2022 và dự báo cả năm 2022. Trao đổi, tham vấn ý kiến về các vấn đề nóng của kinh tế - xã hội trong nước và quốc tế; các vấn đề về thể chế phát triển trong bối cảnh mới; nhận diện rủi ro lạm phát, rủi ro tài chính, tài khóa, tiền tệ; các vấn đề về khoa học công nghệ, giáo dục, lao động, y tế, an sinh xã hội và các chính sách, giải pháp ứng phó.

Đồng thời rà soát, đánh giá việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong thời gian qua, đặc biệt là Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; Nghị quyết số 32/2021/QH15 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; Nghị quyết số 16/2021/QH15 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025; Nghị quyết số 30/2021/QH15 về Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV; việc thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam (các FTA: CPTPP, EVFTA; RCEP; SDGs; COP26.

Bên cạnh đó, đưa ra các đề xuất, kiến nghị và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và ứng phó với thách thức, vấn đề mới phát sinh; làm rõ các ưu tiên vào một số trọng tâm trong điều hành kinh tế vĩ mô cũng như trong phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Trả lời báo chí, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, Diễn đàn năm 2021 đã được đánh giá rất tốt khi đã huy động được nhiều chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước đóng góp những quan điểm, gợi mở chính sách, đề xuất cụ thể… cho các cơ quan của Chính phủ và Quốc hội.

Nhờ những kết quả đầu vào quan trọng này, tại Kỳ họp bất thường của Quốc hội đã đồng thuận rất cao để ban hành Nghị quyết số 43 về chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

“Nhờ các gói hỗ trợ mà kinh tế - xã hội, 8 tháng đầu năm đã có nhiều chuyển biến tích cực: Chỉ số sản xuất công nghiệp 8 tháng đầu năm tăng 9,4%; nhiều lĩnh vực khác lấy lại được quy mô so với thời điểm trước khi dịch bệnh diễn ra. Bên cạnh đó, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm…” - ông Vũ Hồng Thanh nêu.

Bên cạnh những chuyển biến tích cực, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế nhấn mạnh việc không được chủ quan, nóng vội, cần nhìn nhận thẳng thắn những khó khăn, thách thức từ những tác động bên ngoài cũng như vấn đề nội tại của nền kinh tế.

“Nhiều tổ chức quốc tế đang dự báo tăng trưởng của thế giới, đặc biệt là những nền kinh tế lớn sẽ thấp hơn so với dự báo. Cùng với đó là khó khăn đến từ lạm phát tăng cao” - ông Thanh cho hay, đồng thời chia sẻ, Việt Nam với nền kinh tế có độ mở lớn sẽ gián tiếp chịu tác động từ những ảnh hưởng của nền kinh tế thế giới trên nhiều lĩnh vực như: Đầu tư, xuất nhập khẩu…

Diễn đàn Kinh tế-xã hội Việt Nam 2022 gồm 1 Phiên toàn thể và 2 Phiên hội thảo chuyên đề. Trong đó, phiên Hội thảo chuyên đề số 1 với chủ đề: “Đẩy mạnh cải cách thể chế - Hoàn thiện chính sách về đất đai, giải pháp quan trọng trong phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội”.

Phiên Hội thảo chuyên đề số 2 với chủ đề: “Thúc đẩy việc thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, tạo động lực phục hồi sản xuất, kinh doanh và phát triển bền vững”.

Phiên toàn thể và Tọa đàm cấp cao với chủ đề “Củng cố nền kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững”.

 

 
Lượt xem: 152
Tin liên quan