Thứ ba, 17/09/2024 - 00:01

Đổi mới, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2021-2026

Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu giải quyết dứt điểm những vụ việc nổi cộm, tồn đọng kéo dài, nhất là các vụ việc phức tạp có liên quan đến đất đai, tài nguyên, môi trường...

Khẳng định vai trò cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, năm 2021 là năm đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, cũng là năm cả nước tổ chức rất thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Qua đó, đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện, có dấu ấn nổi bật và ngày càng khẳng định vai trò là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân ở địa phương, đóng góp quan trọng vào thành quả và kết quả thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của cả nước trong năm 2021.Trong bối cảnh chịu tác động lớn của đại dịch Covid-19, ngay sau cuộc bầu cử thành công, HĐND các tỉnh, thành phố đã bắt tay ngay vào thực hiện các chức năng, nhiệm vụ theo luật định với nhiều cố gắng, nỗ lực, đổi mới sáng tạo, linh hoạt, thích ứng với thực tiễn từng địa phương, tiếp tục nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả trong mọi hoạt động để triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ các tỉnh, thành phố và Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.

Qua báo cáo tổng kết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và tham luận của đại biểu HĐND các tỉnh, thành phố, Chủ tịch Quốc hội đã khái quát những kết quả hoạt động chủ yếu của HĐND cấp tỉnh, thành phố như: Tham gia lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức rất thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 trong điều kiện bị tác động, ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 nhưng với tỷ lệ 99,60% cử tri cả nước tham gia bỏ phiếu, ngày bầu cử 23/5/2021 đã thực sự trở thành ngày hội lớn của toàn dân.

Bên cạnh đó, tổ chức thành công nhiều kỳ họp của HĐND tỉnh để kịp thời cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh, thành phố nhiệm kỳ 2020-2025, các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ.

Ngay sau khi cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 thành công tốt đẹp, mặc dù tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhất là tại Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Hà Nam... nhưng HĐND tỉnh, thành phố đã tổ chức thành công kỳ họp thứ nhất, kiện toàn tổ chức bộ máy HĐND, đồng thời xem xét, quyết định một số giải pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 và duy trì phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội của địa phương.

Ngoài việc tổ chức 2 kỳ họp thường lệ, nhiều tỉnh, thành phố tổ chức kỳ họp bất thường, trong đó một số tỉnh, thành phố đã tổ chức từ 3 đến 6 kỳ họp để quyết định nhiều nội dung quan trọng về công tác phòng, chống dịch Covid-19 theo tinh thần Nghị quyết 30 của Quốc hội khóa XV và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Từ đầu nhiệm kỳ 2021-2026 đến nay, không kể các Nghị quyết về công tác nhân sự, HĐND cấp tỉnh đã ban hành Nghị quyết với số lượng lớn, có địa phương ban hành tới 190 Nghị quyết, tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, phòng chống dịch Covid-19 và các nhiệm vụ cụ thể thuộc chức năng, thẩm quyền của HĐND theo quy định của pháp luật.

Đồng thời, thực hiện tốt hoạt động giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban, Tổ đại biểu và Đại biểu HĐND; đổi mới, nâng cao chất lượng chất vấn và trả lời chất vấn, tổ chức nhiều hoạt động giám sát chuyên đề; chú trọng nâng cao chất lượng, linh hoạt hình thức tiếp xúc cử tri (trực tuyến, trực tiếp; kết hợp trực tuyến, trực tiếp); tăng cường công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, giải quyết các kiến nghị của nhân dân và cử tri, tỷ lệ giải quyết các kiến nghị của cử tri đạt cao, trên 85%…

Nhìn chung trong năm 2021, HĐND tỉnh, thành phố đã luôn quán triệt và tổ chức thực hiện tốt chủ trương của Đảng, các Nghị quyết của Quốc hội, UBTVQH, Chính phủ; việc hướng dẫn, chỉ đạo sâu sát, toàn diện, kịp thời của y ban Thường vụ Quốc hội, triển khai quyết liệt thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc và Đại hội Đảng bộ các cấp, bám sát chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo luật định, vượt qua nhiều khó khăn, thử thách khắc nghiệt, cam go của đại dịch Covid-19, có nhiều mô hình mới, cách làm hay, đổi mới, sáng tạo, linh hoạt, thích ứng mọi điều kiện, hoàn thành tốt đẹp nhiệm vụ được giao năm 2021 và tạo tiền đề, điều kiện cho việc thực hiện nhiệm vụ của cả nhiệm kỳ, giai đoạn 2021-2026- Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

8 phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2022

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tích, kết quả đạt được, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, hoạt động của HĐND vẫn còn một số tồn tại, hạn chế chủ yếu sau: Chất lượng kỳ họp của HĐND, hoạt động của Thường trực HĐND, các Ban của HĐND, các Tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND có lúc, có nơi còn bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu và kỳ vọng của nhân dân, cử tri.

Đổi mới, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2021-2026

Hiệu quả của công tác giám sát nhìn chung còn hạn chế; hoạt động giám sát chuyên đề, tái giám sát còn ít. Hoạt động giải trình tại phiên họp của Thường trực HĐND có nơi, có lúc còn hình thức, chất lượng thấp. Còn để xảy ra sai phạm trong quản lý, sử dụng ngân sách Nhà nước, tài sản công, đầu tư công, nhất là lĩnh vực đất đai, quản lý tài nguyên, môi trường; trong việc huy động, quản lý và phân bổ các nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch Covid-19, trong việc mua sắm, đấu thầu thuốc, thiết bị, vật tư y tế (điển hình là sai phạm có liên quan đến vụ án tại Công ty Việt Á)…

Về phương hướng, nhiệm vụ và các giải pháp công tác năm 2022 của HĐND tỉnh, thành phố, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý: Thứ nhất, tiếp tục quán triệt, thấm nhuần chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban HĐND, Tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND được quy định tại luật tổ chức chính quyền địa phương số 77/2015/QH13, được sửa đổi, bổ sung theo luật số 47/2019/QH14 “ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tổ chức Chính phủ và Luật tổ chức chính quyền địa phương ”, nhất là đối với các đại biểu mới tham gia lần đầu là đại biểu HĐND.

Thứ hai, rà soát, xây dựng hoặc hoàn thiện và tổ chức thực hiện Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng kỳ họp HĐND, chất lượng hoạt động của Thường trực HĐND, các Ban HĐND, các Tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND. Việc đổi mới, nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND phải bám sát chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc và Đại hội Đảng bộ tỉnh, thành phố.

Thứ ba, kịp thời ban hành các Nghị quyết để tổ chức thực hiện và giám sát việc tổ chức thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội, tài chính - ngân sách, đầu tư công năm 2022, các chương trình mục tiêu quốc gia.

Thứ tư, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền và ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ hoạt động của HĐND.

Thứ năm, tiếp tục rà soát, hoàn thiện và tổ chức thực hiện tốt quy chế phối hợp giữa Đoàn đại biểu Quốc hội với HĐND, Thường trực HĐND, các Ban của HĐND, với UBND và MTTQVN tỉnh, thành phố để phát huy hiệu quả từng cơ quan, tổ chức.

Thứ sáu, tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, thường trực cấp ủy đối với tổ chức hoạt động của HĐND; chủ động tham mưu với cấp ủy trong việc kiện toàn các chức danh còn thiếu so với quy định và công tác quy hoạch đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách nhiệm kỳ 2026-2031…

Thứ bảy, UBTVQH tiếp tục làm rõ nội hàm, hoàn thiện các văn bản hướng dẫn và giám sát hoạt động của HĐND; nghiên cứu đổi mới việc tổ chức hội nghị HĐND theo khối tỉnh, thành phố; tăng cường tổ chức hội thảo, tọa đàm, trao đổi kinh nghiệm hoạt động của HĐND tỉnh, thành phố theo các chuyên đề....

Thứ tám, việc phối hợp, đề xuất, chuẩn bị nội dung và chương trình của các kỳ họp HĐND phải đảm bảo theo đúng trình tự, thủ tục, thời gian, chất lượng, kiên quyết không trình những văn bản không có trong chương trình hoặc không đủ điều kiện để trình theo quy định của pháp luật; công tác thẩm tra các báo cáo, dự thảo Nghị quyết của các Ban của HĐND phải quyết liệt đổi mới, phải chủ động từ sớm, từ xa, đảm bảo khách quan, trung thực, có chính kiến…

Lượt xem: 177
Tin liên quan