Thứ sáu, 20/09/2024 - 07:09

Dồn lực đưa Dự án đường dây 500kV mạch 3 về đích đúng hẹn

Bản tin Chuyển động Công Thương ngày 24/4/2024 gồm các thông tin về thị trường, hoạt động thương mại đáng chú ý, với những nội dung chính sau đây:

Dồn lực đưa Dự án đường dây 500kV mạch 3 về đích đúng hẹn; Hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng hiệu quả cam kết trong các FTA; Lần đầu tiên Việt Nam trở thành nước xuất khẩu gạo lớn nhất vào Singapore; Lấy ý kiến nhân dânvề chính sách về mua bán điện trực tiếp.

Dồn lực đưa Dự án đường dây 500kV mạch 3 về đích đúng hẹn

undefined
Dồn lực đưa Dự án đường dây 500kV mạch 3 về đích đúng hẹn

Chiều 23/4, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên - Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Nhà nước các chương trình, công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành năng lượng đã chủ trì cuộc họp kiểm điểm tiến độ và tình hình thực hiện các dự án đường dây 500KV mạch 3 từ Quảng Trạch đến Phố Nối.

Trong hai tuần vừa qua, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia đã chỉ đạo quyết liệt đối với 9 tỉnh, thành phố có dự án đường dây 500kv mạch 3 đi qua, do vậy công tác bàn giao mặt bằng hành lang tuyến và công tác thi công đã có chuyển biến nhất định, tuy nhiên vẫn chưa đạt kế hoạch đề ra. Đặc biệt là việc bàn giao mặt bằng hành lang tuyến đã không thể hoàn thành trước ngày 15/4/2024 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Trưởng Ban Chỉ đạo.

Hiện toàn tuyến mới bàn giao được 306/503 khoảng néo, đạt khoảng 61%, tăng 54 khoảng néo (khoảng 10,73%) so với cuộc họp giao ban ngày 9/4/2024. Hiện còn 197/503 khoảng néo chưa bàn giao mặt bằng. Bên cạnh đó, công tác cung cấp vật tư, thiết bị và thi công cũng gặp nhiều khó khăn. Một số gói thầu cung cấp vật tư thiết bị chậm tiến độ hoặc có nguy cơ chậm tiến độ so với hợp đồng. Ngoài ra, địa hình, địa chất phức tạp, mặt bằng thi công chật hẹp… cũng là những trở ngại trong quá trình hoàn thành tiến độ dự án.

Trong thời gian tới, để hoàn thành và đảm bảo tiến độ dự án đường dây 500kv mạch 3, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Nhà nước các chương trình, công trình dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành năng lượng đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp cùng các Bộ, ngành sớm có ý kiến thẩm định để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt khung chính sách bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng trong tháng 4/2024 để Chủ đầu tư có đủ căn cứ hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng.

Cùng đó, đề nghị UBND các tỉnh có dự án đi qua tiếp tục đôn đốc, chỉ đạo các sở ngành, các huyện, thị xã có dự án đi qua tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các hộ dân bàn giao các khoảng néo còn lại để Chủ đầu tư thực hiện công tác rải, kéo dây dẫn (dự kiến bắt đầu từ ngày 26/4/2024).

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, phải khẩn trương giải quyết giải phóng mặt bằng, nỗ lực cao nhất thực hiện các thủ tục tái định cư cho các hộ dân, đảm bảo di rời các hộ dân xong trước ngày 15/6/2024 để đóng điện công trình vào cuối thàng 6/2024.

Hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng hiệu quả cam kết trong các FTA

undefined
Việc thực thi có hiệu quả các FTA thời gian qua đã giúp mở rộng, đa dạng thị trường, sản phẩm xuất khẩu

Bộ Công Thương được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao, các bộ ngành liên quan hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng hiệu quả các cam kết trong các FTA đã ký kết; đẩy mạnh đàm phán, ký kết các FTA mới.

Trong hàng loạt các giải pháp nhằm mở rộng, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, đảm bảo mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu của năm 2024, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương phải thông tin kịp thời cho doanh nghiệp về việc điều chỉnh các chính sách, quy định của các nước về xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa, đặc biệt là hàng nông sản chủ lực như gạo, cà phê,... và đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước.

Theo Bộ Công Thương, việc thực thi có hiệu quả các FTA thời gian qua đã giúp mở rộng, đa dạng thị trường, sản phẩm xuất khẩu, tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Theo đó, quy mô xuất nhập khẩu cuối năm 2022 đã vượt 730 tỷ USD. Cán cân thương mại được cải thiện rõ rệt theo hướng chuyển từ thâm hụt sang thặng dư. Tính đến 15/4/2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa cả nước đạt xấp xỉ 209 tỷ USD.

Với 16 FTA đã ký kết và thực thi, 3 FTA đang tích cực đàm phán và sớm ký kết trong thời gian đã và tiếp tục tạo cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp xuất - nhập khẩu nội địa.

Lần đầu tiên Việt Nam trở thành nước xuất khẩu gạo lớn nhất vào Singapore

undefined
Nhu cầu nhập khẩu gạo của Singapore tăng cao từ năm 2023 và tiếp tục duy trì trong ba tháng đầu năm 2024

Theo Thương vụ Việt Nam tại Singapore, ba tháng đầu năm 2024 đã đánh dấu sự vươn lên của ngành lúa gạo, khi lần đầu tiên Việt Nam là quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất vào thị trường Singapore, chiếm 32,03% thị phần.

Nhu cầu nhập khẩu gạo của Singapore tăng cao từ năm 2023 và tiếp tục duy trì trong ba tháng đầu năm 2024 do lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ và sự phục hồi nhanh lượng du khách du lịch đến Singapore.

Đặc biệt, trong ba tháng đầu năm nay, xuất khẩu gạo của Việt Nam sang thị trường Singapore tiếp tục tăng trưởng tốt, đạt khoảng 36,15 triệu SGD, tăng 80,46% so với cùng kỳ năm ngoái.

Bên cạnh mặt hàng thế mạnh truyền thống của Việt Nam là gạo tẻ trắng, hai nhóm hàng khác là gạo nếp và gạo thơm xay xát hoặc tróc vỏ cũng vươn lên chiếm lĩnh phần lớn thị phần tại Singapore, lần lượt đạt 80,08% và 73,33%. Đây là nhân tố chính đưa gạo Việt Nam vượt qua Thái Lan và Ấn Độ trở thành quốc gia chiếm thị phần gạo lớn nhất tại Singapore.

Lấy ý kiến nhân dân về chính sách về mua bán điện trực tiếp

Bộ Công Thương đang lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Nghị định quy định cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn.

Trên cơ sở triển khai các nhiệm vụ của Quốc hội và Chính phủ giao tại Nghị quyết số 55-NQ/TW, Luật Điện lực, Nghị quyết số 103/2023/QH15 và Nghị quyết số 937/NQ-UBTVQH15, đồng thời phù hợp với thực tiễn, cần thiết xây dựng hệ thống chính sách đồng bộ và hoàn chỉnh về mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện với khách hàng sử dụng điện lớn, Bộ Công Thương đã xây dựng dự thảo Nghị định liên quan đến vấn đề này.

Trong dự thảo Nghị định, Bộ Công Thương đề xuất 2 chính sách cụ thể. Một là chính sách mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện và khách hàng sử dụng điện lớn qua đường dây riêng. Hai là chính sách mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện và khách hàng sử dụng điện lớn thông qua lưới điện quốc gia

Bộ Công Thương nhấn mạnh, việc xây dựng Nghị định về quy định cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn nhằm đáp ứng xu hướng sử dụng năng lượng sạch của khách hàng sử dụng điện. Góp phần thu hút đầu tư vào việc phát triển bền vững năng lượng tái tạo nhằm bảo vệ môi trường; hướng đến việc triển khai thị trường bán lẻ điện cạnh tranh tại Việt Nam.

Mặt khác, nâng cao tính hiệu quả của công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện và khách hàng sử dụng điện.

Lượt xem: 5
Tác giả: Thực hiện Nhóm phóng viên
Tin liên quan