Thứ năm, 21/11/2024 - 19:43

Giảm TNGT: Vá "lỗ hổng" kỹ năng bên cạnh trách nhiệm

Năm 2012, số người chết vì TNGT ở Việt Nam xấp xỉ 10.000 người. Sau một thập kỷ, con số này đã giảm gần một nửa, xuống còn khoảng 5.800 người tử vong trong 11 tháng của năm 2022.

Điều đó cho thấy sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị trong việc kéo giảm thiệt hại do TNGT, đặc biệt với xe máy, phương tiện tham gia giao thông chủ yếu.

Tuy nhiên, bình quân mỗi ngày có 17 người “ra đi không trở về” vẫn là một con số rất đau lòng, đòi hỏi sự quyết tâm hơn nữa của cả cơ quan quản lý và toàn xã hội.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn liên quan phương tiện mô tô, xe máy như hạ tầng giao thông còn bất cập, tai nạn do phương tiện khác mang đến, hay kỹ năng lái xe chưa theo kịp với sự phát triển. Tuy nhiên, cần phải khẳng định, ý thức chấp hành luật giao thông một bộ phận người điều khiển xe máy còn kém.

 

Những hình ảnh người xe máy vượt đèn đỏ, đi ngược chiều, phóng nhanh vượt ẩu, không đội mũ bảo hiểm, sử dụng rượu bia, sử dụng điện thoại khi lái xe,… ai cũng có thể dễ dàng bắt gặp. Bên cạnh những người cố tình vi phạm vì chủ quan, vì thuận tiện trước mắt, thì cũng có không ít người chưa biết, chưa được tiếp cận đầy đủ thông tin.

Hạ tầng giao thông, các loại phương tiện cơ giới hiện đại đang phát triển rất nhanh, tuy nhiên, kỹ năng lái xe của nhiều người lại không theo kịp. Họ không biết “điểm mù” của xe ô tô, họ không biết những nguy cơ và cách phòng tránh tai nạn, do chương trình đào tạo lái xe chưa cập nhật, do khó khăn trong việc tiếp cận kiến thức, đặc biệt với người dân vùng nông thôn, miền núi.

Hạ tầng giao thông dù phát triển nhưng việc tổ chức giao thông ở một số nơi còn nhiều bất cập, chưa tách dòng phương tiện ô tô, xe máy, khiến nhiều người đi xe máy trở thành nạn nhân của tai nạn do phương tiện khác đâm vào.

Vì vậy, để nâng cao ý thức người tham gia giao thông và “vá” lỗ hổng kỹ năng, bên cạnh trách nhiệm của mỗi người dân thì trách nhiệm của cơ quan quản lý phải được đặt lên hàng đầu. Trước tiên là các hình thức tuyên truyền sâu rộng, dễ hiểu, hấp dẫn, với nhiều kênh, phương tiện truyền thông khác nhau để kiến thức đến được tất cả người dân.

Trong đó, cần đẩy mạnh giáo dục ngay từ ghế nhà trường. Những bài học, buổi tuyên truyền về ATGT đang được thực hiện ở các cấp đã mang đến nhiều hiệu quả, song tất cả mới chỉ dừng lại ở mức chuyên đề, học sinh dễ dàng quên đi nếu xung quanh các em có những người vi phạm.

giam tngt va lo hong ky nang ben canh trach nhiem hinh anh 1

Mỗi người dân cần có trách nhiệm với sự an toàn của chính mình khi tham gia giao thông.

Do đó, đạo đức, lối sống, ý thức chấp hành pháp luật nói chung và luật giao thông nói riêng cần được tăng cường hơn nữa trong chương trình giáo dục, thay vì chú trọng vào những kiến thức chuyên môn, “hàn lâm”, ít có cơ hội áp dụng trong thực tiễn.

Những bài học ấy nếu duy trì thường xuyên, nhiều lần qua nhiều năm học, “mưa dần thấm lâu”, thì sẽ xây dựng được một thế hệ công dân mới biết thượng tôn pháp luật.

Thứ hai, các ban, ngành chức năng, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về giao thông, trong đó có các chế tài đủ sức răn đe; xem xét mở rộng các hình thức khác như tạm giữ phương tiện, buộc lao động công ích,… để hình thành ý thức chấp hành pháp luật của công dân, ngăn chặn suy nghĩ “nộp tiền phạt là xong”.

Thứ ba là tiếp tục nâng cấp hạ tầng, hoàn thiện việc tổ chức giao thông để đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông. Thứ tư, cập nhật chương trình đào tạo lái xe với những kiến thức, kỹ năng mới phù hợp với thực tiễn, siết chặt công tác sát hạch để những lời rỉ tai về chuyện “mua bằng, bao đậu” không còn tồn tại.

Thứ năm, tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm một cách nghiêm minh, không có trường hợp ngoại lệ và duy trì thường xuyên, liên tục để dần thay đổi hành vi của người tham gia giao thông. Tăng cường hỗ trợ công nghệ để nâng cao hiệu quả giám sát, xử lý, từng bước tháo gỡ những khó khăn để tiến tới xử phạt nguội tất cả phương tiện trên tất cả tuyến đường.

Bên cạnh trách nhiệm của cơ quan quản lý, mỗi người dân cũng cần có trách nhiệm với sự an toàn của chính mình khi tham gia giao thông. Sẽ hữu ích hơn nếu bạn dùng thời gian tiêu khiển để tìm hiểu, cập nhật luật giao thông và những kiến thức, kỹ năng lái xe an toàn.

Thay vì suy nghĩ tai nạn xảy ra với ai đó đen đủi, thì hãy nghĩ rằng, nó có thể xảy ra với mình, hoặc chính mình mang đến cho người khác, để ra đường với tâm thế cẩn trọng hơn, tuân thủ các quy tắc an toàn một cách nghiêm túc hơn./.

Lượt xem: 11
Tác giả: Minh Hiếu/VOV-Giao Thông
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật