Thứ năm, 19/09/2024 - 23:12

Giao chìa khoá ôtô cho nhân viên trông giữ: Coi chừng tiền mất, tội mang

Thói quen của một số người khi đi rửa xe, hoặc ăn uống thường giao chìa khoá ôtô cho nhân viên bảo vệ hoặc rửa xe để họ tự đưa xe vào bãi gửi, hoặc khu vực dọn rửa. Việc này rất mất an toàn vì phần lớn những người này không có giấy phép lái xe, không kiểm soát được tình huống, có thể gây ra tai nạn đáng tiếc. 

Giao chìa khoá ôtô cho nhân viên trông giữ: Coi chừng tiền mất, tội mang

Vụ tai nạn tại chung cư 6th Element, quận Tây Hồ, Hà Nội. Ảnh: Tuấn Mạnh

Nhiều tai nạn đáng tiếc

Mới đây tại phố Ngô Thì Nhậm (quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội) xảy ra một vụ TNGT. Được biết, xe ôtô Mercedes do nhân viên trông giữ xe lái đi cất xe cho khách đã va chạm với xe ôtô Mini Cooper đang đỗ trên đường. Vụ tai nạn không gây thiệt hại về người, nhưng cũng là tiếng chuông để cảnh báo việc các chủ xe ôtô giao chìa khoá cho nhân viên trông giữ xe lái đã gây ra tai nạn đáng tiếc. 

Trước đó, tại đường Vũ Đức Thuận, phường Việt Hưng, quận Long Biên, Hà Nội đã xảy ra một vụ TNGT khiến 5 người bị thương mà người điều khiển phương tiện là nhân viên rửa xe trên địa bàn, không có giấy phép lái xe. 

Những vụ tai nạn giao thông liên quan đến nhân viên bảo vệ trông giữ xe hoặc nhân viên rửa xe là rất đáng tiếc. Tháng 5.2022, chiếc ôtô hiệu Mercedes Maybach tông một loạt xe máy ở hầm tại chung cư 6th Element (quận Tây Hồ, Hà Nội) có nguyên nhân do chủ xe đã giao chìa khóa cho bảo vệ điều khiển xe vào hầm. Xe ôtô đã đâm vào 17 xe máy điện, một xe máy xăng cùng 2 bốt kiểm soát của tòa nhà. Ngoài ra, vụ việc cũng khiến một nam bảo vệ khác bị gãy xương hàm.

Tháng 8.2022, ôtô biển số 51K-094.xx từ đường Trần Cao Vân ra đường Hai Bà Trưng,  khi đến giao lộ Nguyễn Thị Minh Khai (Quận 1, TPHCM) đã đâm vào một người đi bộ đang đứng dưới lòng đường lái xe gây tai nạn là bảo vệ của một nhà hàng tại phường Đa Kao, Quận 1.

Theo chủ xe Phạm Nam Anh (37 tuổi, ngụ TP Thủ Đức) khi đến nhà hàng ăn tối thì bảo vệ kêu cứ đậu xe trước quán và để chìa khóa trên xe. Đến khi đang ăn gần xong thì chủ xe nhận được tin báo xe gây tai nạn.

Chủ xe cũng phải có trách nhiệm

Theo ông Nguyễn Văn Thanh - chuyên gia về vận tải ôtô, khi khách đi xe ôtô đến nhà hàng thì nhân viên bảo vệ phải hướng dẫn hoặc tự mình lái xe thay khách hàng sắp xếp xe vào nơi đỗ xe của nhà hàng. Tuy nhiên, những nhân viên bảo vệ, hoặc rửa xe này phải được nhà hàng tuyển chọn và có đủ điểu kiện để lái xe.

Ông Trần Văn Thế - chủ một nhà hàng ở phố Trung Hoà (Hà Nội) - thì cho rằng, không phải bất cứ nhân viên nào cũng được giao việc nhận và gửi xe giúp khách. Những nhân viên này phải có bằng lái xe và đã trải qua lái thực tế. Tuy nhiên, trong quá trình điều khiển phương tiện cũng không thể tránh được, do đó các chủ xe quen xe nên gửi, đỗ xe thay vì để nhân viên điều khiển.

Xe gắn máy, ôtô và các thiết bị được trang bị và hoạt động bằng máy móc được gọi là nguồn nguy hiểm cao độ.

Như vậy, chủ sở hữu sẽ chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại nếu nhân viên trông giữ xe lái xe gây tai nạn trong lúc thực hiện công việc.

Theo luật sư Nguyễn Đức Toàn (Đoàn Luật sư Hà Nội), căn cứ Điều 601 Bộ luật Dân sự, chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra, nếu chủ sở hữu đã giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng thì người này phải bồi thường, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Trong Bộ luật Dân sự 2015 quy định trách nhiệm bồi thường thiệt hại do người làm công, người học nghề gây ra.

Theo đó, các cá nhân, pháp nhân phải bồi thường thiệt hại do người làm công gây ra trong khi thực hiện công việc được giao và có quyền yêu cầu người làm công có lỗi trong việc gây thiệt hại phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật. 

Tin liên quan