Hà Nội giải quyết dứt điểm hiện tượng phụ huynh xếp hàng mua, nộp hồ sơ đăng ký học
Đó là nhấn mạnh của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Nguyễn Kim Sơn trong phát biểu chỉ đạo đối với ngành Giáo dục Hà Nội tại Hội nghị tổng kết năm học 2022 - 2023, triển khai nhiệm vụ năm học 2023 - 2024 ngày 16/8.
Tới dự và chỉ đạo hội nghị còn có Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà cùng lãnh đạo các Vụ, Cục thuộc Bộ GD&ĐT, ban, ngành của thành phố.
Những quả ngọt từ sự nỗ lực của thầy và trò
Năm học 2022 - 2023, toàn ngành hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao. Sự chuyển biến tích cực của ngành Giáo dục và Đào tạo trong năm học vừa qua diễn ra toàn diện trên các mặt, đều khắp ở các cấp học, các nhà trường, cả ở công lập và ngoài công lập.
Báo cáo tổng kết năm học 2022 - 2023, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương khẳng định: Năm học vừa qua, quy mô giáo dục Hà Nội tiếp tục phát triển. Mạng lưới trường, lớp được mở rộng; Cơ sở vật chất được tăng cường đầu tư xây dựng, theo hướng kiên cố hóa, chuẩn hóa và hiện đại, đáp ứng được nhu cầu học tập của con em Nhân dân Thủ đô và yêu cầu đào tạo nhân lực trong thời kỳ mới.
Toàn cảnh hội nghị |
Toàn thành phố có 2.840 trường mầm non, phổ thông với 64.792 lớp; 2.177.000 học sinh; 122.968 giáo viên; 65.264 phòng học. Trong đó, công lập có 2.245 trường, 48.288 lớp, 1.847.956 học sinh, 88.475 giáo viên, 46.711 phòng học; Ngoài công lập có 533 trường, 15.623 lớp, 301.063 học sinh, 32.311 giáo viên, 17.634 phòng học; Có vốn đầu tư nước ngoài 40 trường, 10.541 học sinh; Trường hiệp quản 22 trường, 486 lớp, 17.440 học sinh. |
Mạng lưới các trường mầm non, phổ thông, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên tiếp tục được rà soát, bổ sung.
Năm học 2022-2023 là năm học đầu tiên tổ chức dạy học theo Chương trình giáo dục 2018 đối với lớp 10. Các nhà trường đã chủ động xây dựng tổ hợp môn học lựa chọn, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến tới học sinh và cha mẹ học sinh dự kiến các tổ hợp môn học trong phương án tuyển sinh.
Công tác chuẩn bị nguồn nhân lực cho việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 về cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu.
Công tác giáo dục đại trà được quan tâm. Hà Nội là một trong 4 tỉnh, thành phố đầu tiên trong cả nước được Bộ GD&ĐT công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 3.
Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương báo cáo kết quả năm học 2022 - 2023 tại hội nghị |
Phong trào “Nhà trường cùng chung tay phát triển - Thầy cô cùng sẻ chia trách nhiệm” giai đoạn 2022 - 2025 được các quận, huyện, thị xã, các trường hưởng ứng, triển khai thực hiện. Qua 6 tháng triển khai thực hiện, đến nay, 30/30 (100%) Phòng GD&ĐT các quận, huyện, thị xã; 80 trường trung học phổ thông trên địa bàn thành phố đã xây dựng kế hoạch, tổ chức ký kết về hợp tác về giáo dục tham gia phong trào.
Đây là một trong những giải pháp trọng tâm của Sở GD&ĐT Hà Nội nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ, góp phần từng bước thu hẹp khoảng cách, chất lượng giáo dục giữa các nhà trường, các quận nội thành và các huyện ngoại thành trên địa bàn thành phố Hà Nội; Nâng cao chất lượng giáo dục Thủ đô; Giảm thiểu tình trạnh học sinh bỏ học, học sinh “ngồi nhầm lớp”; Không để học sinh vì hoàn cảnh khó khăn bị bỏ lại phía sau, thực hiện tốt mục tiêu “học thật, thi thật, nhân tài thật”.
Hà Nội tiếp tục duy trì chất lượng giáo dục đại trà và mũi nhọn. Học sinh Thủ đô đã khẳng định vị trí dẫn đầu cả nước trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế với 8 học sinh đạt giải quốc tế. Hà Nội cũng là địa phương dẫn đầu cả nước với 141 học sinh đạt giải trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia. |
Điểm nhấn của giáo dục Thủ đô năm học 2022 - 2023 là kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Tỷ lệ tốt nghiệp chung toàn thành phố đạt 99,56%, xếp thứ 16, tăng 11 bậc so với năm 2022.
Công tác tuyển sinh trực tuyến vào các lớp đầu cấp năm học 2022 - 2023 đảm bảo nghiêm túc, công khai, minh bạch, tạo thuận lợi cho người dân, thích ứng với tình hình diễn biến phức tạp của dịch COVID-19. Kết quả, số học sinh tuyển sinh trực tuyến lớp 1 đạt 107.200/132.435 học sinh, đạt 81%; Số học sinh tuyển sinh trực tuyến lớp 6 đạt 112.795/131.255 học sinh, đạt 86%.
Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương cũng nêu rõ một số hạn chế, tồn tại của Giáo dục Thủ đô. Trong đó có công tác quy hoạch mạng lưới trường, lớp học ở một số quận nội thành chưa phù hợp dẫn đến mỗi số nơi còn có tình trạng thiếu trường học công lập. Hiệu quả phân luồng học sinh sau THCS và THPT hiệu quả còn chưa cao. Chất lượng giáo dục và đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên giữa các quận và các huyện trên địa bàn thành phố còn khoảng cách.
Công tác tuyển sinh đầu cấp còn nhiều khó khăn, sĩ số học sinh/lớp sau tuyển sinh còn cao hơn nhiều so với quy định tại điều lệ nhà trường các cấp ở một số địa bàn. Công tác giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh cũng còn những hạn chế.
Quá trình thực hiện công tác chuẩn bị, tổ chức triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 năm học 2022 - 2023 cũng gặp một số khó khăn như: Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học chưa thật đồng bộ; Giáo viên ở một số môn mới, môn “tích hợp” và hoạt động giáo dục bắt buộc còn thiếu và cần phải đào tạo, bổi dưỡng…
Trưởng phòng GD&ĐT quận Ba Đình Lê Đức Thuận chia sẻ ý kiến tại hội nghị |
Tại hội nghị, đại diện các đơn vị đã có tham luận chia sẻ về một số nội dung như công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia, xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu Chương trình giáo dục phổ thông 2018, các giải pháp nâng cao chất lượng công tác dạy và học; Nâng cao chất lượng giáo dục thường xuyên, góp phần nâng cao tỉ lệ tốt nghiệp THPT; Triển khai phong trào “Nhà trường cùng chung tay phát triển - Thầy cô cùng sẻ chia trách nhiệm” giai đoạn 2022 - 2025.
Về công tác đầu tư cơ sở vật chất, mở rộng mạng lưới trường học, năm học vừa qua, thành phố quan tâm xây mới, thành lập mới 24 trường học các cấp; Cải tạo, sửa chữa 528 trường. Công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia và trường chất lượng cao được tập trung thực hiện. Đến tháng 6/2023, tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia toàn thành phố là 72,4%. Đến thời điểm này, toàn thành phố đã công nhận được 23 trường chất lượng cao, trong đó có 17 trường công lập và 6 trường ngoài công lập. Thành phố cũng triển khai công tác chuẩn bị đầu tư xây dựng 7 trường liên cấp tiên tiến, hiện đại có diện tích 5ha trở lên. |
Là một trong những đơn vị đi đầu trong công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia, đại diện huyện Gia Lâm cho biết: Tính đến hết năm học 2022 - 2023, huyện có 73/79 trường học đạt chuẩn quốc gia, đạt tỉ lệ 92,4%. Trong bối cảnh quy mô dân số ngày càng tăng, huyện Gia Lâm sẽ tiếp tục ưu tiên nguồn lực đầu tư, xây dựng, cải tạo, mở rộng mạng lưới trường học để đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu học tập của học sinh trên địa bàn.
Chia sẻ về công tác phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng Chương trình giáo dục phổ thông 2018, đồng chí Lê Đức Thuận - Trưởng phòng GD&ĐT quận Ba Đình cho biết, một trong những ưu tiên hàng đầu của quận là đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục
Năm học 2022 - 2023, 10.159 lượt cán bộ quản lý, giáo viên của quận Ba Đình được tham gia bồi dưỡng thường xuyên, đạt tỉ lệ 100% theo kế hoạch. Trong đó, quận đặc biệt chú trọng công tác bồi dưỡng phát triển đổi ngũ để thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Đội ngũ này được bồi dưỡng về xây dựng kế hoạch chiến lược và tổ chức thực hiện các mục tiêu đề ra theo định hướng mới cho cán bộ quản lí, giáo viên diện quy hoạch; Bồi dưỡng năng lực xây dựng mục tiêu, thiết kế bài giảng cho giáo viên; Đổi mới phương pháp, vận dụng kỹ thuật dạy học tích cực, hiệu quả; Bồi dưỡng cho giáo viên triển khai các môn học, hoạt động mới như: Khoa học tự nhiên, Tin học - Công nghệ, hoạt động trải nghiệm…
Cần nỗ lực đáp ứng nhu cầu xã hội
Dự và phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đã ghi nhận nỗ lực, biểu dương thành tích mà ngành Giáo dục Thủ đô đã đạt được trong năm học vừa qua.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại hội nghị |
Giáo dục Hà Nội đã nỗ lực, cố gắng hoàn thành kế hoạch năm học 2022-2023 và hoàn thành các chỉ tiêu phát triển giáo dục. Đã và đang xây dựng, phát triển hệ thống giáo dục Thủ đô cả về quy mô và chất lượng, đẩy mạnh chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo, tiếp cận nền giáo dục tiên tiến của các nước trong khu vực và quốc tế, góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài; xây dựng xã hội học tập, tạo tiền đề phát triển kinh tế tri thức, phục vụ thiết thực yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô và đất nước.
Đặc biệt, Hà Nội là một trong 4 tỉnh, thành phố đầu tiên trong cả nước được Bộ GD&ĐT công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 3.
Nhấn mạnh đến những khó khăn, thách thức đặt ra trong quá trình đổi mới giáo dục, Bộ trưởng đề nghị Hà Nội cần ưu tiên thực hiện mọi biện pháp, quyết tâm thực hiện hiệu quả nhiệm vụ năm học 2023-2024. Đó là tập trung thực hiện hiệu quả việc triển khai Chương trình GDPT mới theo lộ trình; Tiếp tục rà soát quy hoạch mạng lưới trường lớp học; Quan tâm đến đổi mới phương pháp, xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường; Tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học, công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia.
“Trong năm học mới có rất nhiều việc phải làm, tôi đề nghị thành phố trong công tác tuyển sinh đầu cấp, dứt khoát không còn cảnh phụ huynh xếp hàng thâu đêm mua, nộp hồ sơ đăng ký nguyện vọng. Với thời đại công nghệ số, quản trị hiện đại, Thủ đô dẫn đầu cả nước đây là việc không nên. Giám đốc Sở đã rất quyết tâm nên chắc chắn thực hiện được.
Bên cạnh đó, việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, nhiều địa phương, nhà trường đã làm tốt nhưng chưa có hình thức biểu dương để làm mẫu, làm điển hình để cho các trường học, địa phương học tập và làm theo. Mong trong năm học mới Hà Nội sẽ làm được việc này và đây cũng là đặt hàng của Bộ với giáo dục Hà Nội”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Thu Hà phát biểu chỉ đạo tại hội nghị |
Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Vũ Thu Hà, thành phố Hà Nội luôn xác định giáo dục là một trong những lĩnh vực cần quan tâm đầu tư. Điều này đã được cụ thể hoá bằng nhiều chương trình, kế hoạch… So với yêu cầu phát triển, giáo dục Thủ đô vẫn còn nhiều vấn đề cần tiếp tục quan tâm như còn tình trạng thiếu trường, thiếu lớp; sĩ số học sinh/lớp ở một số trường cao hơn quy định; còn khoảng cách về chất lượng giáo dục giữa các địa phương… Năm học 2023-2024, ngành Giáo dục cần xây dựng kế hoạch chi tiết và các chương trình chuyên đề để thực hiện tốt nhiệm vụ; rà soát quy hoạch, tập trung nguồn lực triển khai các dự án đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường học theo kế hoạch; thực hiện tốt Nghị quyết của HĐND thành phố về giá dịch vụ giáo dục; rà soát, tham mưu thành phố trình HĐND thành phố các cơ chế chính sách đặc thù…
Lãnh đạo Bộ GD&ĐT, lãnh đạo thành phố Hà Nội chụp ảnh cùng các đồng chí lãnh đạo Sở GD&ĐT, các thầy cô giáo tại hội nghị |
Đồng chí Vũ Thu Hà cũng đề nghị ngành Giáo dục quan tâm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin. Trước mắt, thành phố đề nghị Sở GD&ĐT Hà Nội tham mưu kế hoạch tổ chức tuyển sinh trực tuyến ở tất cả các loại hình từ năm học 2023-2024; đẩy mạnh công tác hướng nghiệp và tiếp tục thực hiện các giải pháp quyết liệt, đồng bộ để nâng chất lượng giáo dục đại trà, giảm dần khoảng cách về chất lượng giữa các nhà trường…