Thứ hai, 21/04/2025 - 20:35

Hai ca tử vong vì sởi, Bộ Y tế yêu cầu đẩy mạnh tiêm vaccine đợt 3

Theo Bộ Y tế, số ca mắc sởi trên cả nước trong tuần này đã có xu hướng chững lại, tuy nhiên đã ghi nhận hai ca tử vong. Bộ Y tế đã chỉ đạo các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng, chống dịch sởi năm 2025, đợt 3.

Hai ca tử vong vì sởi, Bộ Y tế yêu cầu đẩy mạnh tiêm vaccine đợt 3

PGS. TS Đỗ Duy Cường Viện trưởng, Viện Y học Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cùng các bác sĩ đánh giá biến chứng viêm phổi ở bệnh nhân sởi. Ảnh: Nguyên Hà

TS Hoàng Minh Đức, Cục trưởng Cục Phòng bệnh (Bộ Y tế) cho biết, trong tuần 16 (từ 12 - 17.04.2025), cả nước ghi nhận 4.122 trường hợp nghi mắc sởi, giảm 8,8% so với tuần trước (4.519 trường hợp), tuy nhiên, có hai ca tử vong liên quan đến sởi, trong đó một ca là bệnh nhân đang điều trị ung thư, có nhiều bệnh nền và một ca là trẻ nhập viện muộn sau 3 ngày. Tính từ đầu năm 2025, cả nước đã ghi nhận 76.312 trường hợp nghi mắc sởi tại 63 tỉnh, thành phố, trong đó có 8.614 trường hợp dương tính.

Về tình hình dịch, TS Hoàng Minh Đức nhận định số ca mắc sởi có xu hướng giảm. Các tỉnh phía Bắc ghi nhận sự gia tăng số ca mắc bắt đầu từ năm 2025 (năm 2024 có số ca mắc rất thấp), trong khi số ca mắc ở các khu vực khác đã chững lại và không tăng rõ rệt như trước.

Hầu hết các tỉnh, thành phố đã khẩn trương xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai tại địa phương, huy động sự tham gia hỗ trợ của các ban ngành, các cấp chính quyền tại địa phương trong việc rà soát đối tượng, tổ chức triển khai. Đến hết ngày 17.4.2025, 52/54 tỉnh đạt tỉ lệ tiêm trên 95% (đạt chỉ tiêu theo kế hoạch); 2/54 tỉnh tỉ lệ tiêm cao từ 90-95%.

Trước tình hình dịch sởi, ngành Y tế đã triển khai các biện pháp quyết liệt. Bộ Y tế đã gửi công văn tới Viện Vệ sinh Dịch tễ/Pasteur và Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, yêu cầu rà soát và đề xuất đối tượng tiêm vaccine phòng, chống sởi. Đồng thời, Bộ Y tế chỉ đạo phối hợp với các đơn vị liên quan để xây dựng Kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng, chống dịch sởi năm 2025 đợt 3. Ngoài ra, Bộ cũng yêu cầu các cơ sở y tế tăng cường công tác khám chữa bệnh và kiểm soát lây nhiễm.

PGS.TS. Đỗ Duy Cường - Viện trưởng Viện Y học Nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai) - cho biết, số ca mắc sởi điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai đáng lưu ý, nhóm người lớn từ 30 đến 65 tuổi chiếm tỉ lệ cao, nhiều bệnh nhân xuất hiện biến chứng nguy hiểm như viêm phổi, viêm não, thậm chí phải lọc máu hoặc hỗ trợ ECMO. Đặc biệt, có tới 75% người bệnh không nhớ rõ tiền sử tiêm vaccine sởi - điều này cho thấy tâm lý chủ quan trong việc phòng bệnh vẫn còn phổ biến trong cộng đồng.

“Bệnh sởi có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng như viêm não, viêm phổi, viêm kết mạc, viêm giác mạc và các nhiễm trùng khác. Những biến chứng này có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, thậm chí đe dọa tính mạng của người bệnh. Không chỉ đối với trẻ em, bệnh sởi ở người lớn cũng có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm”, TS Cường cảnh báo.

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, dịch sởi bùng phát theo chu kỳ mỗi 5 năm, và hiện tại, chúng ta đang trong chu kỳ dịch. Tỉ lệ tiêm chủng giảm khiến số người có nguy cơ mắc bệnh tích lũy, dẫn đến khả năng bùng phát dịch cao. Để ngăn ngừa dịch bệnh, cần bao phủ vaccine trên 95% với hai liều vaccine phòng sởi trong cộng đồng, TS Hoàng Minh Đức khuyến nghị các địa phương đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng để tăng miễn dịch cộng đồng, đồng thời giám sát và phát hiện bệnh nhân kịp thời, xử lý nhanh chóng để ngăn ngừa dịch lây lan rộng.

Tin liên quan
Đang chờ cập nhật