Thứ sáu, 20/09/2024 - 06:55

Hàng loạt cơ sở kinh doanh ở Đắk Lắk bán hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ

Trong 6 tháng đầu năm 2023, lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý hơn 40 cơ sở kinh doanh trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk vi phạm việc giả mạo nhãn hiệu, bán hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Hàng chục vụ vi phạm

Cục Quản lý thị trường tỉnh Đắk Lắk thông tin, trong 6 tháng đầu năm 2023, các đội Quản lý thị trường và Tổ công tác Thương mại điện tử đã giám sát, nắm bắt tình hình hoạt động của các cơ sở kinh doanh online và nhiều vi phạm đã được phát hiện, xử lý kịp thời.

Cụ thể, cơ quan chức năng đã xử lý 41 vụ vi phạm với tổng số tiền thu nộp Ngân sách Nhà nước gần 640 triệu đồng và buộc tiêu hủy số lượng lớn hàng hóa vi phạm với 426 sản phẩm giày dép, quần áo giả mạo nhãn hiệu. Ngoài ra, có tổng cộng 5.315 sản phẩm mỹ phẩm, linh kiện điện tử không rõ nguồn gốc xuất xứ bị xử lý theo quy định với tổng trị giá khoảng 430 triệu đồng.

Đơn cử, giữa tháng 4 vừa qua, Đội Quản lý thị trường số 1 phối hợp với Tổ công tác Thương mại điện tử tiến hành kiểm tra một cơ sở kinh doanh trên địa bàn phường Tân Hòa, TP Buôn Ma Thuột.

Tại đây, bà Đ.H.N là chủ cơ sở kinh doanh đang bày bán hàng trăm sản phẩm giày thể thao, trên nhãn hàng hoá không thể hiện rõ nội dung về nguồn gốc, xuất xứ hàng hoá.

Lực lượng chức năng kiểm tra một cơ sở kinh doanh sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ trên địa bàn TP.Buôn Ma Thuột. Ảnh: Bảo Trung

Lực lượng chức năng kiểm tra một cơ sở kinh doanh sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ trên địa bàn TP.Buôn Ma Thuột. Ảnh: Bảo Trung

Tại thời điểm kiểm tra, chủ cơ sở không xuất trình được hoá đơn hoặc bất kỳ chứng từ nào chứng minh tính hợp pháp của hàng hoá. Chủ cơ sở khai nhận mua hàng hoá trôi nổi trên thị trường, sau đó thêu các KOL (người có sức ảnh hưởng đến cộng đồng) tạo video ngắn để bán hàng trên các tài khoản mạng xã hội Instagram với hơn 200.000 lượt người theo dõi do bà Đ.H.N sở hữu.

Được biết, so với cùng kỳ năm 2022, kết quả xử lý vi phạm hành chính trên nền tảng thương mại điện tử 6 tháng đầu năm 2023 ở tỉnh Đắk Lắk đạt 150%.

Các hành vi vi phạm chủ yếu như kinh doanh hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ; kinh doanh hàng giả mạo nhãn hiệu; không thông báo website thương mại điện tử bán hàng với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền trước khi bán hàng, cung ứng dịch vụ đến người tiêu dùng; không đăng ký thành lập hộ kinh doanh trong những trường hợp phải đăng ký theo quy định…

Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Trao đổi với Lao Động, ông Mai Mạnh Toàn - Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Đắk Lắk nhận định: "Hiện, hoạt động thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk diễn ra vô cùng sôi động với tốc độ tăng trưởng mạnh. Cũng chính vì quy mô, doanh thu ngày càng lớn, nhiều đối tượng đã lợi dụng mọi kẽ hở để cung cấp thông tin sai lệch về hàng hóa trên internet. Nhiều đơn vị quảng bá trực tuyến rầm rộ những mặt hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng lậu, hàng giả, hàng cấm và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Do đó, cơ quan chức năng đã đưa công tác kiểm tra, xử lý vi phạm trên nền tảng thương mại điện tử trở thành một trong những nhiệm vụ trọng tâm".

Cục Quản lý thị trường tỉnh Đắk Lắk xác định thương mại điện tử là “mặt trận” trọng tâm trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả và sẽ đẩy mạnh kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh trên các nên tảng số, trên môi trường mạng nhằm ổn định thị trường và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Theo ông Toàn, đơn vị sẽ ngăn chặn triệt để tình trạng sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, góp phần bảo vệ lợi ích chính đáng của các tổ chức, cá nhân kinh doanh chân chính lẫn quyền lợi người tiêu dùng.

Đơn vị phấn đấu đến năm 2025 không còn cơ sở sản xuất, kinh doanh công khai sản xuất, bày bán hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, đồng thời không có tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh tái phạm các hành vi vi phạm pháp luật.

Tin liên quan