Thứ sáu, 11/07/2025 - 19:20
Tin mới

Họp Tổ điều hành thị trường trong nước quý II năm 2025

Sáng 11/7, tại Hà Nội đã diễn ra cuộc họp Tổ điều hành thị trường trong nước quý II năm 2025.

Tham gia cuộc họp có ông Phan Văn Chinh, Tổ Phó Tổ Điều hành thị trường trong nước, Phó Cục trưởng Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước, Bộ Công Thương; ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước, Bộ Công Thương; đại diện Sở Công Thương các tỉnh, thành phố; đại diện các Hiệp hội, ngành hàng...

Ông Phan Văn Chinh phát biểu khai mạc cuộc họp (Ảnh: Phương Lan)

Ông Phan Văn Chinh phát biểu khai mạc cuộc họp (Ảnh: Phương Lan)

Nguồn cung hàng hoá nửa đầu năm đáp ứng nhu cầu người dân

Báo cáo tại cuộc họp, bà Lê Thị Hồng, Thường trực Tổ điều hành thị trường trong nước thông tin, nửa đầu năm 2025, thị trường hàng hóa thế giới tiếp tục chịu sự ảnh hưởng đan xen của các yếu tố kinh tế vĩ mô, địa chính trị và điều chỉnh chính sách tiền tệ của các nền kinh tế lớn. Bối cảnh địa chính trị phức tạp, xu hướng điều chỉnh chính sách tiền tệ tại Mỹ, cùng sự phân hóa cung - cầu ở từng nhóm mặt hàng khiến giá cả hàng hóa tăng - giảm đan xen. Giá các mặt hàng năng lượng và kim loại quý tăng do yếu tố rủi ro toàn cầu, trong khi nông sản và nguyên liệu công nghiệp có biến động mang tính chu kỳ và phụ thuộc vào nhu cầu thực tế sản xuất và tiêu dùng. Giá phân bón thế giới có xu hướng tăng mạnh trong những tháng đầu năm, sau đó giảm trong quý II và đến cuối tháng 6 đang có dấu hiệu phục hồi, tiệm cận mức giá đầu năm…

Bà Lê Thị Hồng thông tin về tình hình hàng hoá nửa đầu năm (Ảnh: Phương Lan)

Bà Lê Thị Hồng thông tin về tình hình hàng hoá nửa đầu năm (Ảnh: Phương Lan)

Ở trong nước, 6 tháng đầu năm 2025, thị trường hàng hóa trong nước tiếp tục duy trì ổn định về tổng thể, nguồn cung hàng hóa đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng của người dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đặc biệt trong các dịp tiêu dùng cao điểm như Tết Nguyên đán Ất Tỵ, kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5.

Với sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Bộ Công Thương và các Bộ, ngành, Sở Công Thương các địa phương trong công tác chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết, triển khai các Chương trình bình ổn thị trường, nguồn cung các mặt hàng thiết yếu nhóm năng lượng, nguyên vật liệu, lương thực, thực phẩm luôn đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng. Một số mặt hàng thiết yếu có biến động cục bộ về giá, nổi bật là thịt lợn trong giai đoạn quý I do những vấn đề về nguồn cung trong giai đoạn gối vụ và ảnh hưởng của dịch bệnh, tuy nhiên, vấn đề này đã nhanh chóng được xử lý và thị trường đã trở lại ổn định từ đầu quý II đến nay.

Bên cạnh đó, trong giai đoạn vừa qua, công tác kiểm tra, kiểm soát chất lượng hàng hóa tiếp tục được tăng cường, đặc biệt sau những chỉ đạo quyết liệt của Trung ương, những bất cập về chất lượng, nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa đặt ra yêu cầu cần được quan tâm, kiểm soát chặt chẽ hơn trong thời gian tới để siết lại kỷ cương trên thị trường, tạo niềm tin vững chắc cho người tiêu dùng.

Với những diễn biến như vậy, số liệu của Cục Thống kê – Bộ Tài chính cho thấy, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý II/2025 tăng 7,96% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng trưởng khá cao trong giai đoạn 5 năm trở lại đây (chỉ thấp hơn tốc độ tăng 8,56% của quý II/2022 - giai đoạn phục hồi sau dịch bệnh Covid-19).

Đối với thị trường nội địa, ước tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 6/2025 đạt 570.238 tỷ đồng, giảm 0,17% so với tháng trước. Trong đó, mức giảm chủ yếu do các nhóm hàng may mặc, dịch vụ lưu trú, ăn uống (giảm lần lượt 0,59% và 0,51%); các nhóm khác tăng nhẹ từ 0,18 - 0,97%. Ước tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 6 tháng đầu năm 2025 đạt 3.416.791 tỷ đồng, tăng 9,27% so với cùng kỳ năm 2024.

Trong đó, các nhóm có mức tăng cao hơn mức tăng chung gồm nhóm lương thực, thực phẩm, văn hóa phẩm giáo dục và các nhóm du lịch dịch vụ (mức tăng từ 9,53 - 23,23%); các nhóm còn lại gồm hàng may mặc, đồ dùng trang thiết bị gia đình, phương tiện đi lại chỉ tăng từ 0,16 - 6,09% so với cùng kỳ năm trước. Nếu loại trừ yếu tố tăng giá, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 6 tháng đầu năm 2025 tăng 7,12% so với cùng kỳ năm trước.

Cuộc họp Tổ điều hành thị trường trong nước quý II/2025 (Ảnh: Phương Lan)

Cuộc họp Tổ điều hành thị trường trong nước quý II/2025 (Ảnh: Phương Lan)

Về Chỉ số giá tiêu dùng (CPI), CPI tháng 6 tăng 0,48% so với tháng trước. CPI bình quân 6 tháng đầu năm tăng 3,27% so với cùng kỳ năm 2024 (đang trong giới hạn kiểm soát lạm phát Quốc hội giao).

Với công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, trong 06 tháng đầu năm 2025, đặc biệt 01 tháng gần đây dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã ban hành nhiều kế hoạch, văn bản chỉ đạo, đôn đốc các cơ quan, đơn vị, lực lượng chức năng liên quan tăng cường công tác giám sát, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về kinh doanh hàng nhập lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ trên phạm vi cả nước. Đặc biệt, là tập trung vào nhóm mặt hàng, lĩnh vực: thương mại điện tử, lương thực, thực phẩm, dược liệu, thuốc chữa bệnh, thực phẩm hỗ trợ sức khỏe...

Điển hình như: Công điện số 2755/CĐ-BCT ngày 18/4/2025 về tăng cường công tác giám sát, kiểm tra, kiểm soát thị trường, đặc biệt là sản phẩm sữa, thuốc, thực phẩm bảo vệ sức khỏe; Quyết định số 1398/QĐ-BCT ban hành Kế hoạch cao điểm giám sát, kiểm tra, xử lý các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong tình hình mới…

Trong 6 tháng năm 2025 (15/12/2024 đến 14/6/2025): lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra 11.568 vụ; xử lý 9.919 vụ vi phạm; tổng số tiền xử lý vi phạm hành chính 266 tỷ đồng; trong đó, xử phạt vi phạm hành chính 121 tỷ đồng; trị giá hàng hóa vi phạm 145 tỷ đồng; đã thu nộp ngân sách nhà nước 141 tỷ đồng; chuyển cơ quan điều tra 76 vụ có dấu hiệu hình sự.

Tiếp tục triển khai mạnh các giải pháp kích cầu tiêu dùng

Theo Tổ Điều hành thị trường trong nước, trong nửa cuối năm 2025, dự báo, tình hình căng thẳng chính trị đang leo thang tại nhiều khu vực trên thế giới (Trung Đông, châu Á, châu Âu...), đặc biệt tại các khu vực sản xuất các mặt hàng nhiên liệu, năng lượng là đầu vào cho sản xuất, kinh doanh mà Việt Nam đang phải nhập khẩu. Do đó sẽ ảnh hưởng đến chi phí nguyên liệu đầu vào và mặt bằng giá hàng hóa trong nước trong thời gian tới.

Cuộc họp được kết nối trực tuyến đến nhiều hiệp hội, ngành hàng (Ảnh: Phương Lan)

Cuộc họp được kết nối trực tuyến đến nhiều hiệp hội, ngành hàng (Ảnh: Phương Lan)

Bên cạnh đó, xu hướng bảo hộ thương mại của các nước lớn ảnh hưởng đến thị trường tiêu thụ các hàng hóa xuất khẩu, tạo áp lực tiêu thụ hàng hóa cho thị trường trong nước.

Tình hình thiên tai, dịch bệnh trong các tháng cuối năm tiềm ẩn nhiều rủi ro (các cơn bão lớn chủ yếu tập trung vào nửa cuối năm, dịch bệnh trên vật nuôi dễ bùng phát khi thời tiết chuyển mùa).

Thêm nữa, trước thực trạng hàng hóa kém chất lượng vừa bị phát hiện và xử lý thời gian vừa qua, người tiêu dùng có sự thận trọng hơn trong mua bán hàng hóa.

Trong bối cảnh đó, Tổ Điều hành thị trường trong nước đề xuất một số giải pháp như các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 08 tháng 01 năm 2025 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 và Nghị quyết số 25/NQ-CP ngày 05 tháng 02 năm 2025 của Chính phủ về mục tiêu tăng trưởng các ngành, lĩnh vực và địa phương bảo đảm mục tiêu tăng trưởng cả nước năm 2025 đạt 8% trở lên. Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 01 tháng 3 năm 2025 của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ giải pháp trọng tâm, đột phá thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng cả nước năm 2025 đạt 8% trở lên.

Tiếp tục phối hợp chặt chẽ, theo dõi sát diễn biến cung cầu hàng hóa, giá cả, thị trường; chủ động và linh hoạt triển khai các biện pháp điều tiết cung cầu và bình ổn thị trường, thúc đẩy tiêu dùng hàng sản xuất trong nước nhằm phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế nhưng vẫn bảo đảm thực hiện nhiệm vụ kiềm chế lạm phát và an sinh xã hội.

Tổ Điều hành thị trường trong nước đề nghị Sở Công Thương các địa phương, các hiệp hội, ngành hàng, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng hóa nghiêm túc triển khai các nội dung được giao tại Chỉ thị số 08/CT-BCT ngày 04 tháng 4 năm 2025 của Bộ Công Thương về việc thực hiện các giải pháp tiếp tục đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước, kích cầu tiêu dùng năm 2025 và Công văn số 5061/BCT-TTTN ngày 08 tháng 7 năm 2025 của Bộ Công Thương về việc đẩy mạnh triển khai các giải pháp phát triển thị trường trong nước kích cầu tiêu dùng năm 2025.

Lượt xem: 3
Tác giả: Phương Lan
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật