Chủ nhật, 13/04/2025 - 05:06

Không điều trị kịp thời, đối tượng nào cũng có nguy cơ diễn biến nặng khi bị sởi

Từ đầu năm 2025 đến nay, Hà Nội ghi nhận 2 ca tử vong do sởi. Theo bác sĩ, nếu không điều trị kịp thời, đối tượng nào cũng có nguy cơ diễn biến nặng khi bị sởi.

Không điều trị kịp thời, đối tượng nào cũng có nguy cơ diễn biến nặng khi bị sởi

Không điều trị kịp thời, đối tượng nào cũng có nguy cơ diễn biến nặng khi bị sởi. Ảnh: Việt Anh

Theo thống kê của Bộ Y tế, tính đến đầu tháng 4.2025, cả nước đã ghi nhận hơn 54.000 ca mắc sởi. Riêng tại Hà Nội, tính đến nay đã có 2 ca bệnh tử vong do sởi.

Trong tháng 3.2025, do không tiêm vaccine phòng bệnh sởi nên bệnh nhi sinh năm 2021 (44 tháng tuổi) ở Nam Từ Liêm, Hà Nội đã tử vong.

Mặc dù chủ yếu ca mắc sởi thường gặp ở trẻ em nhưng người lớn mắc sởi vẫn có nguy cơ chuyển nặng. Mới đây nhất, một bệnh nhân là người lớn (Hà Nội) mắc sởi trên nền bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và đái tháo đường đã tử vong sau hai tuần điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai. Đây cũng là ca tử vong đầu tiên do sởi ở người trưởng thành trong năm 2025.

Theo các bác sĩ, sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính, lây truyền qua đường hô hấp. Sởi có các triệu chứng như sốt, phát ban, viêm đường hô hấp, viêm kết mạc mắt và tiêu hóa.

Bác sĩ CKII Đào Văn Cao, Trưởng Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện E cho biết, đối với những bệnh nhân bị bệnh nền, khả năng miễn dịch của bệnh nhân rất thấp nên nguy cơ mắc bệnh và trở nặng sẽ cao hơn những bệnh nhân bình thường.

"Biến chứng hay gặp ở bệnh nhân bị sởi là viêm cơ tim, một số bệnh lý viêm phổi kẽ, viêm tai giữa, viêm phổi... Vì vậy, bệnh nhân cần theo dõi sức khỏe thường xuyên để phát hiện sớm, điều trị sớm, tránh để bệnh phát triển nặng thêm", bác sĩ CKII Đào Văn Cao chia sẻ.

Cũng theo bác sĩ Cao, đa số các ca bệnh đến điều trị tại bệnh viện trong thời gian qua đều không nhớ tiền sử tiêm vaccine của mình và không rõ tiền sử tiếp xúc.

Tại Bệnh viện Nhi Hà Nội cũng từng tiếp nhận một số trường hợp bệnh nhi nhiễm sởi trong khi đang điều trị bệnh nền.

Theo ThS.BS Nguyễn Văn Trưởng, Phó Trưởng khoa, Phụ trách khoa Hồi sức tích cực - Chống độc Bệnh viện Nhi Hà Nội, những bệnh nhi có bệnh nền thường sẽ bị sởi nặng hơn những bệnh nhi bình thường. Các bệnh nhân có bệnh nền như teo cơ tủy, suy dinh dưỡng, bệnh dow... khi đến viện điều trị bệnh sởi đa số đều phải thở oxy, thở máy.

"Để giảm nguy cơ trẻ diễn biến nặng, đặc biệt là trẻ có bệnh lý nền, chúng tôi phải theo dõi thường xuyên để phát hiện sớm nhất các dấu hiệu nặng, từ đó can thiệp sớm giúp bệnh nhân hồi phục, tránh diễn biến nặng", ThS.BS Nguyễn Văn Trưởng cho biết.

Cũng theo các bác sĩ, ở những người chưa tiêm vaccine phòng sởi, nguy cơ mắc bệnh khi tiếp xúc với nguồn bệnh cũng rất cao. Hiện nay, việc tiêm vaccine sởi là một biện pháp phòng bệnh rất an toàn và hiệu quả. Việc tiêm vaccine đầy đủ không chỉ giúp bảo vệ bản thân mà còn giúp kiểm soát dịch bệnh trong cộng đồng.

Tin liên quan
Đang chờ cập nhật