Thứ năm, 21/11/2024 - 13:26

Nghi Sơn nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện

Xác định đầu tư cơ sở vật chất là yếu tố quan trọng để nâng cao chất lượng giáo dục, với mục tiêu hết năm 2025 có 84% trường học đạt chuẩn quốc gia, những năm qua, ngành Giáo dục thị xã Nghi Sơn (tỉnh Thanh Hóa) đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Chất lượng giáo dục đại trà, giáo dục mũi nhọn từng bước được nâng lên, công tác quản lý giáo dục được đổi mới, đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên không ngừng phát triển về mọi mặt.

* Từng bước cải thiện chất lượng giáo dục

Trường Trung học cơ sở Hải Bình (thị xã Nghi Sơn) hiện có 1.104 học sinh. Những năm gần đây, chất lượng giáo dục của nhà trường từng bước được cải thiện nhờ được thị xã quan tâm đầu tư nhiều về cơ sở vật chất hạ tầng. Để đủ điều kiện đạt trường chuẩn quốc gia mức độ 1, năm 2021, trường được đầu tư xây dựng 2 dãy nhà hai tầng kiên cố, khang trang, đáp ứng đủ nhu cầu học tập, phòng học chức năng; sửa chữa và sơn mới lại các phòng học cũ, xây dựng khuôn viên sáng, xanh, sạch, đẹp... Cùng với đó, nhà trường đã đầu tư các hạng mục sân chơi thể thao, trang bị 20 máy tính, 100% lớp học được trang bị tivi thông minh kết nối internet. Qua đó, góp phần đổi mới phương pháp dạy và học, phát huy tính tích cực của học sinh, nâng cao chất lượng giáo dục cho nhà trường.

Theo thầy giáo Lê Minh Quân, Hiệu trưởng Trường Trung học Cơ sở Hải Bình, được đầu tư về cơ sở vật chất, thiết bị giáo dục là nền tảng giúp nhà trường từng bước nâng cao chất lượng giáo dục. Đơn cử như việc trang bị tivi thông minh ở các lớp học giúp cho các tiết học trở nên sinh động, dễ hiểu hơn; các thầy cô giáo dễ dàng tìm kiếm tài liệu, học liệu, hình ảnh minh họa cho bài giảng của mình. Nhờ đó, chất lượng giáo dục ngày càng tăng lên...

Với 663 học sinh, chia làm 16 lớp học nhưng hiện nay Trường Trung học cơ sở Đào Duy Từ (phường Nguyên Bình, thị xã Nghi Sơn) đang thiếu 2 phòng học. Năm học 2024 - 2025, Ban Giám hiệu nhà trường có nhiều giải pháp nỗ lực khắc phục khó khăn, từng bước nâng cao chất lượng giáo dục.

Hiện nay, nhà trường đã phải dồn phòng Tin học vào phòng Thư viện để có thêm phòng học bộ môn tổ chức dạy học cho các học sinh. Theo chỉ tiêu của Bộ Giáo dục và Đào tạo giao, nhà trường hiện thiếu 16 giáo viên trực tiếp đứng lớp. Để khắc phục bài toán thiếu giáo viên, đơn vị đã chủ động ký hợp đồng với một số sinh viên sư phạm mới ra trường; đồng thời, động viên giáo viên dạy tăng buổi, tăng tiết. Nhờ đó, chất lượng giáo dục từng bước được nâng cao. Năm học 2023 - 2024, nhà trường chú trọng đến việc phát hiện và bồi dưỡng năng khiếu cho học sinh. Ngay từ đầu năm học, trường đã tổ chức tuyển chọn và thành lập các đội tuyển, lên kế hoạch và triển khai tổ chức ôn luyện, qua đó chất lượng mũi nhọn đạt kết quả khả quan, có 31 học sinh đoạt giải học sinh giỏi các môn văn hóa cấp thị xã.

Theo thầy giáo Phạm Văn Quảng, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Đào Duy Từ, dù còn thiếu phòng học và giáo viên, nhưng những năm qua, nhà trường luôn nhận được sự quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất của thị xã, 16 phòng học đều được kiên cố hóa; máy tính phục vụ cho học sinh học Tin học được trang bị đầy đủ. Các lớp đều được đầu tư tivi thông minh kết nối internet giúp thầy và trò thuận lợi hơn trong quá trình giảng dạy và tiếp thu kiến thức.

* Nâng tầm phát triển giáo dục và đào tạo

Theo báo cáo của Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Nghi Sơn, cùng với những kết quả đạt được, tình trạng thiếu phòng học, phòng học xuống cấp trên địa bàn nhiều năm qua đã dẫn đến áp lực quá tải do phải dồn lớp. Cũng do thiếu phòng học, nhiều trường chỉ tổ chức dạy 1 buổi/ngày, ảnh hưởng đến quyền lợi của học sinh và chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ.

Để nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục toàn diện, thị xã Nghi Sơn đã có Đề án phát triển Giáo dục và Đào tạo giai đoạn 2021 - 2025. Mục tiêu của Đề án nhằm khắc phục những khó khăn, bất cập hiện nay; nâng tầm phát triển giáo dục và đào tạo của thị xã đạt trên mức bình quân của cả tỉnh ở tất cả tiêu chí như: Tỷ lệ trường chuẩn quốc gia; tỷ lệ trẻ trong độ tuổi ra lớp và chất lượng giáo dục toàn diện.

Cụ thể, trong 2 năm (2022 và 2023), cơ sở vật chất trường lớp học đã được quan tâm đầu tư. Các trường học trên địa bàn thị xã ngày càng khang trang, đáp ứng được cơ bản công tác dạy và học, thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Trên địa bàn có 332 phòng học, 101 phòng học bộ môn và 33 khu nhà quản trị được đầu tư xây dựng mới, thay thế 152 phòng học xuống cấp; cải tạo khuôn viên các nhà trường và mua sắm thiết bị dạy học với tổng kinh phí được đầu tư hơn 355 tỷ đồng. Năm 2022, tổng kinh phí đầu tư xây dựng mới, sửa chữa 34 công trình trường học khoảng 197 tỷ đồng; hỗ trợ các trường tiểu học, trung học cơ sở mua máy vi tính thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với số tiền là 4 tỷ đồng. Năm 2023, thị xã đã đầu tư xây dựng 29 công trình mới và nâng cấp tu sửa, mua sắm trang thiết bị dạy học cho các trường đáp ứng yêu cầu xây dựng trường chuẩn quốc gia và thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018; tổng kinh phí dự toán hơn 154 tỷ đồng.

Theo ông Mai Sỹ Lân, Phó Chủ tịch UBND thị xã Nghi Sơn, nhờ được đầu tư đồng bộ về cơ sở hạ tầng trường lớp, năm học 2023 - 2024, ngành Giáo dục và Đào tạo thị xã Nghi Sơn đã nỗ lực vượt khó, hoàn thành cơ bản những nhiệm vụ và mục tiêu chủ yếu của năm học. Bước sang năm học 2024 - 2025, UBND thị xã đã xây dựng phương án khắc phục tạm việc thiếu giáo viên. Công tác đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn theo Luật Giáo dục 2019, công tác bồi dưỡng thường xuyên, nâng cao hiệu quả giảng dạy của đội ngũ giáo viên được quan tâm thực hiện hiệu quả. Trong năm học 2024 - 2025 đã có 7 trường được kiểm tra và công nhận mới chuẩn quốc gia, 18 trường được công nhận lại. Công tác quản lý cơ sở vật chất, sử dụng hiệu quả tối đa cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện có tại các đơn vị được tăng cường. Công tác chuyển đổi số trong quản lý giáo dục, hồ sơ ở các nhà trường được quan tâm đẩy mạnh…/.

Việt Hoàng - Khiếu Tư

Lượt xem: 7
Tác giả: Trần Văn Hoàng
Nguồn:TTXVN Sao chép liên kết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật